Dụ Văn Châu & Vương Kiệt Hi - Huynh trưởng như cha

Đỗ Tiểu Bạch

Lure like như hack
Bình luận
1,063
Số lượt thích
4,123
Location
Nằm vùng ở Luân Hồi
Team
Lam Vũ
#1
Người xưa có câu, huynh trưởng như cha.

Anh cả Lam Vũ họ Dụ, Vi Thảo có Vương papa.

Hai chiến đội hàng đầu, không chỉ bởi nhân vật tài nguyên, mà còn bởi con người.

Mà đứng đầu lãnh đạo nhóm người ấy, không chỉ cần tài năng là được.

Là đội trưởng tốt thì luôn có vài đức tính giống nhau, song giữa người và người cũng rất khác biệt.

Đội trưởng 5 đội từng giành quán quân, thật ra Vương Kiệt Hi và Dụ Văn Châu có nhiều điểm giống nhất, dù kẻ thù truyền kiếp Vi Thảo - Lam Vũ khác nhau rất nhiều.

Là đội trưởng và át chủ bài, Dụ Văn Châu và Vương Kiệt Hi đều là trọng tâm chiến thuật. Cả hai đều có tiếng nói rất lớn trong các quyết định nhân sự, đặc biệt là Dụ Văn Châu còn là bậc thầy chiến thuật. Song ảnh hưởng ngoài trận của Dụ Văn Châu lớn hơn nhiều trong trận, bởi nhiều lúc APM hạn chế những gì anh có thể làm trên sân (cực ít đấu đơn, không thần tốc cứu nguy được...). Các thành viên Lam Vũ có thể hưởng lợi ích từ những quyết sách của Dụ Văn Châu dù anh không có mặt trực tiếp, bất kể là về mặt chiến thuật hay mặt tinh thần (Lư Hãn Văn ghi nhớ lời đội trưởng, Vu Phong chuyển đến Bách Hoa vẫn bất giác nhớ lời Dụ Văn Châu khi Bách Hoa lâm nguy).

Ngược lại, ảnh hưởng của Vương Kiệt Hi ở trong trận lớn hơn ngoài trận nhiều. "Vi Thảo tổng cộng đánh qua 398 trận đấu, đội trưởng Vi Thảo Vương Kiệt Hi không vắng mặt một trận nào". Vương Kiệt Hi không phải chưa từng thua, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến hình tượng vĩ đại của anh trong lòng Vi Thảo. Song có mặt trái là một khi Vương Bất Lưu Hành ngã xuống, Vi Thảo lập tức như rắn mất đầu. Trái ngược với Lam Vũ, đôi khi Sách Khắc Tát Nhĩ đã chết thì họ vẫn có nền tảng chiến thuật khá cao để tự điều phối, thậm chí còn phải thạo chiến thuật lợi dụng cái chết của Sách Khắc Tát Nhĩ để phản công.

Bởi quãng thời gian niên thiếu ở trại huấn luyện, Dụ Văn Châu hiểu rất rõ áp lực và tâm lý có thể hun đúc con người thành thép, cũng có thể đập họ nát thành bùn. Dụ Văn Châu luôn giảm sốc và cổ vũ cho đội viên đan xen đúng lúc họ xuống tinh thần, hướng dẫn đúng lúc khi họ lạc lối. Khi tốc độ tay ngăn cản Dụ Văn Châu trở thành một trụ cột át chủ bài trong trận, anh vẫn có thể dùng lời nói để cổ vũ sĩ khí và trấn an đội viên.

Ngược lại, Vương Kiệt Hi (dù rất cố gắng hoà nhập với đoàn đội) khó mà hiểu tường tận áp lực và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến người khác ra sao, bởi chưa ra mắt đã được định là người thừa kế Vương Bất Lưu Hành. Sau này anh tự quyết định phong ấn lối đánh Ma Thuật Sư, nên Vương Kiệt Hi nghĩ con đường của mỗi người phải tự mình định hình, anh chỉ giúp hỗ trợ tạo điều kiện. Vương Kiệt Hi có thể không thiện dùng lời nói an ủi, song chỉ cần Vương Bất Lưu Hành còn đứng thì sĩ khí của Vi Thảo luôn ở mức cao nhất. Có những người chỉ cần ở đó, đã tựa như ma thuật, như chiến kỳ phần phật.

Dụ Văn Châu và Vương Kiệt Hi luôn tạo điều kiện thực chiến cho lính của mình (nuôi thả Lư Hãn Văn, dẫn nguyên dàn tân binh Vi Thảo đánh Quân Mạc Tiếu), song môi trường Lam Vũ và Vi Thảo lại khác biệt. Dụ Văn Châu tìm hiểu và can thiệp sâu hơn ở mặt con người, tạo ra môi trường thành viên có thể là chính mình và toả sáng, khác với phong cách của Vương Kiệt Hi bỏ xuống cái tôi vì tập thể.

Chiến thuật của Dụ Văn Châu bao dung khuyết điểm của mọi người, để họ có thể phát huy hết sức khả năng của mình. Anh có một tiêu chuẩn đánh giá đâu là khuyết điểm, đâu là nhược điểm, đâu là khuyết điểm song không phải là nhược điểm... rất riêng biệt, và luôn điều chỉnh Lam Vũ để có thể dung nhập nó. Dụ Văn Châu không o ép thành viên phải rũ bỏ hết đặc tính của riêng mình, mà cố khai thác những điểm mạnh khác của họ, khai thác điểm mạnh của người khác, khai thác chiến thuật của anh... để bù vào, tốt khoe xấu che.

Vương Kiệt Hi hy vọng đội viên có thể phát huy hết sức mình, song anh cũng hiểu ai cũng có khuyết điểm riêng, không mong ai phải hoàn hảo. Vương Kiệt Hi rất kỹ tính và tỉ mỉ, sẵn sàng chỉ điểm tường tận cho đội viên lỗi của họ, chú ý tâm lý đội viên (Cao Anh Kiệt và Tân binh Khiêu chiến, Chu Diệp Bách thua Kiều Nhất Phàm). Vương Kiệt Hi thường xuyên tạo không gian cho tân binh tự phát triển, đồng thời chừa không gian cho họ tự mày mò giác ngộ. Anh sẽ nói cho họ vấn đề của mình, và thả tay cho họ tự giải quyết. Song do truyền thống của Vi Thảo và cách Vương Kiệt Hi lớn lên, anh luôn mong tân binh có thể tự tiến bộ và thay đổi bản thân để phục vụ cho chiến đội. Kiều Nhất Phàm đã phải ra đi bởi cậu không hợp với một Vi Thảo như vậy.

Dụ Văn Châu có thể phân tích trận đấu trọn vẹn như Trương Tân Kiệt, song cũng rất tinh ý hiểu phóng viên không muốn nghe chi tiết khô khan nên sẽ thường nói điều thú vị thoả mãn họ nếu nó vô thưởng vô phạt. Anh đôi khi chém gió vài câu thì cũng không chọc điên người khác như Diệp Tu. Tương tự, Vương Kiệt Hi cũng rất đáng tin trong mắt phóng viên. Vương Kiệt Hi không tiếc lời ca ngợi Lư Hãn Văn khi ra mắt, đánh giá rất cao. Đương nhiên càng không ai quên được màn phản bác 15 phóng viên của Dụ Văn Châu, cũng như không ai quên Vương Kiệt Hi nặng lời chỉ trích Gia Thế "Đó là sỉ nhục" Diệp Thu. Bình thường họ có thể ngầm hiểu rất nhiều, song khi đụng chuyện thật thì cả hai đều thuộc tuýp người chính trực, không chịu nhượng bộ.

Tựu chung thì cả Dụ Văn Châu và Vương Kiệt Hi đều thiên hướng cho tự va chạm rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm. Dụ Văn Châu thiện dùng lời nói cổ vũ, Vương Kiệt Hi thiện dùng hành động làm gương. Dụ Văn Châu đi sâu vào phát triển cá nhân nên tạo môi trường để tân binh hoà nhập tự nhiên nhất, mà vẫn giữ bản sắc riêng mình. Vương Kiệt Hi tạo môi trường để tự rèn luyện, nắm được cơ hội hay không nằm ở bản thân, không hợp với đội sẽ phải thay đổi hoặc hi sinh.

Lam Vũ không ngừng thay đổi vì người. Người không ngừng thay đổi vì Vi Thảo.
 

Bình luận bằng Facebook