Thông tin Craft of Writing - Nghệ thuật viết

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#1
Craft of Writing - Nghệ thuật viết

Tác giả: Kal Kally

Hiệu chỉnh: Tán Ô Nhỏ, với sự giúp đỡ của chị @Lá Mùa Thu

Disclaimer: Bài viết KHÔNG phải thuộc về mình, chỉ có những phần ví dụ cho fan TCCT là thuộc bên hiệu chỉnh

Permission: Đang xin và đang chờ rep
Hãy đọc phần này trước khi các bạn đọc vào bài viết chính thức:

- Bài viết này RẤT DÀI, thực sự rất dài, và không phải là một bài viết mà bạn có thể đọc qua loa là xong. Nhưng mình xin đảm bảo là nó hoàn toàn đáng giá với thời gian của bạn. Tuy vậy, do nó đề cập đến cả fanfic (đồng nhân) lẫn fiction (truyện tự viết) mà forum chúng ta chỉ tập trung vào fanfic nên mình sẽ đánh dấu * vào bên cạnh những chương bạn thực sự CẦN PHẢI đọc. Các phần còn lại, mình sẽ bỏ vào spoilers, nếu rảnh rỗi, bạn có thể đọc để biết thêm kiến thức.

- Chị tác giả của bài viết là một người hoạt động ở các fandom Anh Mỹ nhiều hơn vậy nên các thuật ngữ chị ấy dùng có thể sẽ khó hiểu với các bạn, và mình đã chú thích, giải nghĩa ở bên dưới. (chữ nghiêng) là phần chú giải của mình, (chữ thường) là phần chú giải của chị ấy. Các ví dụ cho fan TCCT sẽ được bỏ vào spoiler.

- Các bạn có thể comment hỏi, thắc mắc, mình sẽ cố giải đáp trong phạm vi mình có thể, bởi đây không phải bài viết của mình. Ngoài ra, nếu có chỗ nào bạn cảm thấy cần có thêm ví dụ lấy cho TCCT để dễ hiểu, hãy PM mình, mình sẽ bổ sung. Còn lại, mong các bạn đừng comment gì gây loãng bài viết, hoặc chí ít hay đợi đến khi 20 chương đã được post hết lên.

- Mình sẽ update 1 chương/ngày (không tính những chương không cần thiết) để mọi người không bị ngợp và có thời gian nghiền ngẫm.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe những lời lảm nhảm này!

À quên, bài này là quà tặng của mình cho mọi người nhân dịp sinh nhật Diệp Tu nhé!!

---------

Lời đề tựa

Viết luôn là một điều cần thiết đối với cuộc sống con người. Có rất nhiều dạng viết, văn bản khoa học, thi ca, truyện, ký sự, bài luận... Mỗi dạng viết đều có điểm mạnh và điểm yếu, và đều đóng vai trò quan trọng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống. Khi viết gắn với văn học, viết còn là một nghệ thuật.

Đối với mọi thể loại viết, để có thể viết hay được cần đến hai yếu tố, tài năng và kỹ thuật. Trong khi tài năng là do bẩm sinh, và không thể thay đổi được thì kỹ thuật có thể phát triển bằng cách đọc nhiều, bằng cách tự ý thức phát triển kỹ thuật của mình.

Tôi không phải là một người có tài năng gì trong lĩnh vực viết truyện này. Tôi cũng không dám nói kỹ thuật viết của tôi cao. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi rất yêu thích viết, và tôi muốn kỹ thuật viết của mình có thể khá hơn. Vì vậy, tôi quyết định lập ra series này.

Đây không phải là một cách để chứng minh rằng tôi có kinh nghiệm trong việc viết. Tôi cũng chỉ đang học cách để viết sao cho có thể đọc được mà thôi. Tất cả những gì sẽ được đưa ra trong series đều được rút ra từ những gì tôi tìm thấy ở trên mạng, những gì tôi được những người viết fic khác chỉ dẫn, từ kinh nghiệm của chính tôi, và điều quan trọng nhất, là từ con mắt của một người ĐỌC.

Tôi lập ra series này, một phần là muốn tự nâng cao khả năng của mình. Đây cũng là một cách để tôi học. Một phần khác, tôi hy vọng series này có thể đem đến cho những người cũng yêu thích văn học như tôi một cái gì đó hữu ích. Nếu có thể, tôi cũng mong các bạn đóng góp những kinh nghiệm của các bạn để chúng ta có thể cùng chia sẻ.

Cũng xin cảnh báo, nếu bạn không có ý định nghiêm túc trong việc viết fic hoặc trở thành một editor/beta reader thì xin đừng đọc tiếp. Nghiên cứu về cách viết có thể sẽ biến bạn trở thành một độc giả khó tính. Trước đây tôi là một người đọc khá dễ tính. Một ngày tôi đọc ít nhất là 10 chapter từ các fic khác nhau. Thế nhưng càng viết nhiều và càng đi sâu vào những bài viết này thì tôi càng thấy mình trở thành một độc giả khó tính. Tôi chọn lựa fic rất kỹ để đọc. Và nhiều khi đang theo dõi một câu chuyện thì tôi lại tự ngắt mạch đọc của mình mà kêu lên bực bội mỗi khi có một chi tiết không hợp lý.

(editor: ở đây không phải để chỉ những người edit đam mỹ/đồng nhân; editor là người sửa fic cho bạn
beta reader: một hay nhiều người được bạn nhờ đọc fic trước khi đưa lên post ở bất cứ 1 trang web hay forum nào; họ sẽ tìm lỗi chính tả, ngữ pháp, logic,... cho bạn, ngoài ra còn góp ý về những mặt được và chưa được trong fic của bạn)
 
Last edited:

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#2
Mục Lục

(ấn vào tên chương để đến thẳng post ấy
chương được đánh dấu * là những chương cần đọc)


Chương 1: Một số điều nên biết khi viết fic * (cực kỳ cần đọc)

Phần 1: Outside the fic

Phần 2: Inside the fic

Chương 2: Mary Sue, thiên thần hay ác quỷ

Phần 1: Gương mặt của một thiên thần?

Phần 2: Bản chất của ác quỷ

Phần 3: Sự thật và lời bào chữa

Chương 3: Real People fic, lằn ranh mỏng giữa được phép và không được phép

Chương 4: Góc nhìn của người viết. POV – Point of View *

Phụ lục 1: Viết tự do – Một cách luyện tập suy nghĩ *

Chương 5: Plot – Tình tiết truyện/Cốt truyện *

Chương 6: Bắt đầu và kết thúc *

Chương 7: Xây dựng nhân vật (1) – Vẻ ngoài của nhân vật *

Chương 8: Xây dựng nhân vật (2) – Tính cách nhân vật * (cực kỳ cần đọc)

Chương 9: Xây dựng nhân vật (3) – Tính cách nhân vật (tiếp) * (cực kỳ cần đọc)

Chương 10: Xây dựng nhân vật (4) – Tên nhân vật

Phụ lục 2: Bảng thông tin nhân vật *

Chương 11: Hội thoại (1) *

Chương 12: Hội thoại (2) *

Chương 13: Bối cảnh *

Chương 14: Nhịp độ và giai điệu *

Chương 15: Xử lý thông tin *

Chương 16: Trình bày fic * (cực kỳ cần đọc)

Chương 17: Writer Block và Cảm hứng

Chương 18: Alternative Unvierse – Những thế giới khác biệt * (cực kỳ cần đọc)

Phụ lục 3: Bản hướng dẫn không-hẳn-là-chính-thức để viết angst

Chương 19: Cái bẫy angst * (cực kỳ cần đọc)

Phụ lục 4: Bài tập và Thách thức

Chương 20: Lời kết và Danh ngôn
 
Last edited:

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#3
Trở lại Mục Lục

CHƯƠNG 1:



MỘT SỐ ĐIỀU NÊN BIẾT KHI VIẾT FIC


Phần 1: Outside the fic

Giới thiệu: Bài này được viết dựa theo kinh nghiệm của bản thân là một người ĐỌC. Bản thân người viết không phải là một người viết fanfic hoặc fiction vô cùng tài năng gì, cũng không mong muốn lên mặt dạy đời, bài này được viết dưới cái nhìn của một người đọc chứ không phải một người sáng tác. Hướng dẫn để viết một fic chất lượng cao cũng nằm ngoài khả năng của người viết. Đây chỉ là danh sách được rút ra từ những lỗi cơ bản của những người viết truyện nghiệp dư với mục đích để các fic tỏ ra có thể đọc được.

(fanfic: đồng nhân; fiction: truyện tự sáng tác)


1. Hãy để tên bạn, và tên của đồng tác giả với bạn vào dưới tất cả các phần của câu chuyện của bạn, đặc biệt là dưới tựa đề. Rất nhiều truyện được lấy về, lưu trong máy, thậm chí được in ra, do những độc giả nhưng những những độc giả đó thường không bao giờ bận tâm copy thêm tên bạn nếu tên bạn để tách rời với truyện. Post truyện ở một forum cũng vậy. Thậm chí ở một số trang web, tên của người viết còn không được đặt ở trang web đó. Khi bạn sáng tác một câu chuyện nào đó, nghiệp dư hay không, post ở đâu cũng như vậy, bạn xứng đáng được biết tới ít nhất là chính bạn đã tạo ra câu chuyện đó chứ không phải là ai khác.


2. Khi viết, hãy luôn đặt warning cẩn thận nếu fic của bạn có chứa những nội dung dù chỉ hơi người lớn một chút hoặc những nội dung có thể gây phản cảm cho người đọc, chẳng hạn như cái chết của nhân vật chính, angst (ngược),... Điều này về phía độc giả, sẽ giúp họ tránh được những truyện mà họ không muốn đọc, nếu đọc xong sẽ gây cho họ cảm giác khó chịu. Về phía bạn, nó sẽ giúp bạn tránh được một phần những lời chỉ trích nếu có.


3. Luôn luôn viết summary. Hãy luôn luôn giới thiệu ngắn về câu chuyện của bạn. Nó giúp người đọc có được một cái nhìn về truyện đó và quyết định liệu mình có muốn đọc nó hay không, có lựa chọn đọc nó hay không giữa hàng ngàn, hàng triệu triệu những fic đang đầy rẫy trên mạng. Hãy post summary đó ở ngoài truyện nếu có thể được, đây là trường hợp bạn post ở những trang lớn như fanfiction.net hay có trang web riêng. Còn nếu không được như khi bạn post ở forum, thì hãy đặt nó ở đầu fic. Rất nhiều người tôi biết, trong đó có tôi, thường bỏ qua những fic khi nó không có summary.


4. Hãy cẩn thận khi viết summary. Bạn có thể đặt một phần warning vào summary. Nếu bạn viết fan fic và viết chuyện lãng mạn về một đôi nhân vật nào đó, hãy cố nói là bạn đang viết về đôi nhân vật đó. Rất nhiều người đọc chỉ muốn đọc về một đôi nhân vật mà mình yêu thích. Đọc về đôi khác có thể gây cho họ phản cảm. Cũng cố đừng làm lộ kết thúc của mình trong summary. Hãy để câu chuyện của bạn có một chút gì bí ẩn để hấp dẫn người đọc. Thường thì khi gặp một câu chuyện để lộ kết cục ngay từ đầu, người đọc sẽ bỏ qua. Bạn cũng nên hạn chế dùng những từ như "rất bí ẩn", "kỳ lạ" ở trong summary một cách tối đa trừ phi nó vô cùng cần thiết, nó làm cho người đọc cảm thấy truyện của bạn thiếu sáng tạo và đang đi theo một mô típ quen thuộc.


5. Kiểm tra lại chính tả. Cho dù bạn đang viết tiếng Việt hay đang viết tiếng Anh, hãy kiểm tra lại chính tả. Tránh viết tắt hay dùng những ký hiệu đặc biệt. Đây là điều tối thiểu mà bạn có thể làm để tôn trọng độc giả của bạn. Không có gì khó chịu hơn là đọc một câu chuyện đầy những từ viết tắt, những ký hiệu. Hơn nữa, viết tắt và ký hiệu sẽ phá hỏng những đoạn sâu sắc, những khúc miêu tả tâm lý và những hiệu ứng mà bạn tạo cho fic của bạn bằng ngôn từ.


6. Rất nhiều người khuyên là bạn nên tìm cho mình một người kiểm tra fic (Beta-reader). Người này có thể là bất cứ ai, bạn, người thân, không cần phải là một nhà phê bình văn học, chỉ cần là một người yêu thích văn học. Đừng chọn một người kiểm tra fic không bao giờ đọc sách để giải trí, hay bản thân người đó lại dùng ngữ pháp sai trầm trọng. Khi người kiểm tra fic tìm được một lỗi sai, hãy biết ơn người đó chứ đừng tỏ ra khó chịu. Những nỗ lực của một người kiểm tra fic không phải là để đối chọi hay đả kích bạn mà chỉ là mong muốn giúp fic của bạn hoàn thiện hơn.


7. Đừng xin lỗi. Nếu fic của bạn chưa được beta (kiểm tra) thì đừng nói lên điều đó. Đừng thông báo một cách căng thẳng "đây là fic đầu tay của tôi". Nếu chính bản thân người viết fic cảm thấy phải xin lỗi độc giả về những lỗi ngữ pháp, hay là những thứ lỗi khác có thể có trong fic thì những người đọc nhạy cảm có thể nghĩ "Cảm ơn đã thông báo" và không đọc fic đó nữa. Cho dù bạn viết về nội dung gì, có làm phản cảm người đọc hay không, đừng bao giờ xin lỗi về nó. Tôi đã học được điều này, và đây là bài học mà tôi nhớ nhất, khi tôi viết một fic có nội dung có thể khiến người khác khó chịu. Một số người phản ứng lại fic của tôi, chỉ trích nội dung đó. Nhưng khi tôi xin lỗi về nó, thì tôi nhận được không ít những lời "you don't have to apologize for it", "never apologize" từ cả những người ủng hộ tôi và những người đã chỉ trích tôi. Bởi vì nếu bạn đã không yêu thích và tự hào về những gì mình viết thì post nó có ý nghĩa gì chứ? Và nếu bạn thông báo nó ra thì còn có ai muốn đọc nó nữa không? ĐỪNG POST TRUYỆN CHO ĐẾN KHI BẠN TỰ HÀO VỀ NÓ.


8. Chú ý của người viết (Author Note/AN). Một số người có xu hướng đặt AN vào ngay giữa câu chuyện của mình. Đừng làm thế. Bạn không cần phải chen ngang vào một câu AN dạng "AN: Tôi quên mất không nói, đó là người yêu cũ của cô ta." hay "AN: Viết cậu ta như thế này tôi cũng đau lắm chứ." Nếu bạn có điều gì quên mất không nhắc đến, hãy tìm cách nhắc đến ở phần sau, và mọi AN chỉ nên đặt ở đầu hoặc cuối truyện.


9. Hãy để cho mình có thời gian để viết. Đúng là có nhiều khi bạn sẽ viết được một fic hay với những tình cảm trào dâng chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho fic của bạn. Dành thời gian để đọc lại nó và suy nghĩ về nó. Nếu bạn viết toàn bộ fic trong một phút cảm hứng dào dạt, cũng đừng nói nó ra khi giới thiệu về fic của mình, vì tâm lý người đọc là chẳng bao giờ muốn đọc một fic có vẻ không được chăm chút cẩn thận cả.


10. Đặt cho mình một hạn cuối - deadline. Hãy cố hoàn thành kịp fic của mình trước deadline đó. Tuy deadline có tác dụng kích thích bạn viết, nhưng xin nhớ deadline không phải là một thứ giết chết chất lượng. Hãy chú ý tới deadline nhưng đừng coi trọng quá mức deadline. Nếu bạn cần, thì hãy để thêm thời gian cho mình để viết một fic thật sự chất lượng chứ không phải chỉ là một sản phẩm trong cơn vội vã. Và đối với việc đọc, việc một fic đang hay dừng lại và phải chờ đợi nó update tiếp là một việc disturbing like hell, nhưng cũng đem đến một cảm giác chờ đợi rất hay chỉ có ở riêng việc đọc truyện. ^^
 
Last edited:

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#4
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 1:



MỘT SỐ ĐIỀU NÊN BIẾT KHI VIẾT FIC


Phần 2: Inside the fic

1. Đừng lập lại chính mình. Một số thông tin liên quan tới nội dung chuyện được đưa ra là cần thiết và đem lại điểm nhấn cho câu chuyện. Lần thứ hai nó được đưa ra mà không phải nhằm tạo ra tình huống truyện vẫn có thể chấp nhận được. Lần thứ ba sẽ tạo nên phản cảm. Người đọc không phải là người dễ quên. Lần thứ nhất là họ hiểu rồi. Bạn không cần phải nhắc lại nữa.


2. Nắm rõ tính cách nhân vật. Điều này rất cần thiết nếu như bạn đang viết fanfic (đồng nhân) và đặc biệt cần thiết nếu bạn đang đi theo tình tiết có sẵn trong truyện gốc. Nên cố đừng làm sai lệch tính cách nhân vật hết mức có thể. Khi đọc một fanfic, người đọc đã có sẵn hình tượng nhân vật trong đầu, vì vậy, khi nhân vật bạn viết đi chệch với hình tượng ấy, người đọc sẽ có phản cảm. Dĩ nhiên, điều này là điều thừa đối với những truyện vui cười (humor), vì trong thể loại này, sự làm sai lệch tính cách nhân vật được sử dụng như một công cụ để tạo tính hài hước.


3. Tránh xa Mary Sue. Mary Sue là một nhân vật quá hoàn thiện mà người viết sáng tạo nên từ mơ ước của chính mình. Đúng, có một số tác phẩm viết về Mary Sue vẫn rất hay và được yêu thích, nhưng chúng hiếm như một con mèo không thích ăn cá vậy, tác phẩm của bạn sẽ không nằm trong số đó đâu >_< Không có gì khó chịu hơn là đọc về Mary Sue. Mary Sue. Cô ta phải chết!


4. Đừng viết tắt, đừng dùng những từ phổ biến và thông dụng trong khi chat như LOL, U, Luv. Ít ra thì nó cũng giữ được cho người đọc một ấn tượng bạn là một người coi việc viết là nghiêm chỉnh, chưa cần biết truyện của bạn có hay hay không. Và điều này sẽ giúp cho những cảm xúc bạn đang muốn thể hiện cho 1 đoạn văn không bị phá hủy. Cứ thử tưởng tượng một câu chuyện bi kịch mà trong lời hội thoại, đối phương luôn được xưng hô thành U, từ 'và' luôn thành '&'..., chắc chắn bị kịch đó sẽ chuyển thành hài kịch.


5. Trước mỗi cảnh, nên giới thiệu bối cảnh về thời gian và địa điểm để người đọc không bị khó hiểu với những câu hỏi như 'Lúc nào thế nhỉ? Ở đâu đây?'. Chuyện này là không cần thiết nếu bạn viết PWP (truyện không plot), truyện không tình tiết hoặc POV ngắn (Point Of View: điểm nhìn, góc nhìn).


6. Hãy cho nhân vật một cái tên. Một số người viết có vẻ như không nghĩ ra được cái tên hay sao đó mà để nhân vật có cái tên như ***, ---, XYZ.... Xin đừng làm thế. It's disturbing like hell. Cái tên là cái căn bản nhất để xây dựng ấn tượng về một nhân vật đối với người đọc.


7. Đừng viết những truyện mà bạn hoặc bạn của bạn nhảy vào và tiếp xúc với nhân vật. Mọi dạng viết đều là một loại luyện tập tốt, nhưng có post thì hãy post ở đâu mọi người biết bạn và bạn của bạn là ai như ở forum, đừng post lên những cộng đồng viết fic lớn hoặc một trang web riêng. Thật khủng khiếp khi phải đọc một fic mà luôn phải tự hỏi, 'người này là ai nhỉ, người kia là ai nhỉ'.


8. Tìm hiểu về những nội dung mình viết nếu bạn muốn viết AU. AU là khi bạn viết một nội dung, bối cảnh hoàn toàn khác sử dụng những nhân vật có sẵn, ví dụ như Gundam Wing đặt trong bối cảnh cảnh sát và tội phạm. Để viết chúng, ít ra bạn cũng nên biết đôi chút về những gì mình viết. Nếu bạn đặt nhân vật vào ngành cảnh sát chẳng hạn, thì ít ra bạn cũng nên biết cách ăn nói của cảnh sát. Người bình thường thì không sao, nhưng một cảnh sát thật có thể đọc fic của bạn trong lúc giải trí, và anh ta sẽ cười sặc sụa khi thấy bạn dùng sai từ ngữ.


9. Cực kỳ quan trọng, mỗi đoạn hãy dùng một POV. POV là quan điểm của người được nói tới. Mỗi đoạn, mỗi một cảnh, hãy gắn liền nó với quan điểm, cách nhìn nhận và cảm xúc của một nhân vật. Nếu trong một đoạn bạn đang viết về Hiei, cách cậu ta nhìn em gái như thế nào, cách cậu ta đối đáp lại Kuwabara. Hiei nói chuyện với Kurama và rồi cậu ta nói. "Hiei, điều này...." Viết như thế sẽ gây khó hiểu cho người đọc, bởi người đọc cũng đang theo dõi câu chuyện của bạn dưới cách nhìn của Hiei, phản ứng đầu tiên sẽ là 'Tại sao Hiei lại tự gọi mình nhỉ?'. Sử dụng nhiều hơn một cách nhìn trong một cảnh rất dễ gây khó hiểu và rối cho người đọc.


10. Đừng dùng những từ viết HOA. Một ý trọng tâm của bạn mà bạn muốn nhấn mạnh, người đọc sẽ tự hiểu, không cần bạn phải nhắc nhở. Nếu là nhấn mạnh trong hội thoại, khi muốn nói nhân vật thể hiện sự nhấn mạnh ấy trong giọng mình, hãy dùng ký hiệu in đậm *text* hoặc dấu chấm, ví dụ như: Shut. The. Hell. Up. Và những sự nhấn mạnh như vậy cũng không nên được dùng quá nhiều, một hai lần cho một chapter là quá đủ.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#5
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 2:



MARY SUE, THIÊN THẦN HAY ÁC QUỶ


Phần 1: Gương mặt của một thiên thần?

Nếu bạn là một độc giả của fiction nói chung và fanfiction nói riêng thì hẳn bạn đã gặp Mary Sue, cho dù bạn có nhận ra điều đó hay không. Mary Sue đã reo rắc kinh hoàng cho độc giả và người viết ở khắp mọi nơi. Một số người bảo vệ cô ấy, đa phần ghê tởm và chống lại cô ấy. Cô ấy bị buộc tội là phải chịu trách nhiệm cho hầu hết những điều xấu xa trong thế giới của fiction và fanfic. Cô ấy có bị oan hay không?

(fiction: truyện tự sáng tác; fanfic: đồng nhân)


Mary Sue xuất hiện ở khắp mọi nơi dưới nhiều cái nên và nhiều hình dạng. Cô ấy thường rất dễ nhận ra bởi vì bạn chỉ đơn giản là không thể không nhận ra cô ấy được. Trong fiction, cô ấy nổi bật dưới đủ mọi hình thức. Trong fanfic, cô ấy ẩn mình đi sau những nhân vật lấy từ nguyên bản, lúc này, khó nhận ra cô ấy bằng hình dáng, nhưng mọi thứ khác thì vẫn đập vào mắt những người đã lướt qua Mary Sue.


Cô ấy khiến cả hoa hậu thế giới hay tiên nữ cũng phải ghen tị vì sắc đẹp của mình. Đôi mắt cô ấy thường to đẹp long lanh, đôi lúc thường có những màu khác thường như tím, bạc... Tóc cô ấy có thể dài tới gót, luôn mượt mà, và cũng như mắt, hay có những màu khác biệt như đỏ, bạch kim hay cực kỳ khác biệt như xanh biển hoặc đỏ hơi vàng ánh tím chẳng hạn. Cô ấy là một người đẹp tuyệt vời.


Cô ấy lại còn thông minh nữa. Mary Sue có tài trong đủ mọi lãnh vực. Cô ấy có thể sửa một cỗ máy phức tạp chỉ với một vài công cụ thô sơ dù cô ấy không phải là kỹ sư. Cô ấy đọc xong những cuốn sách mà một học giả phải đọc trong cả tháng chỉ trong vòng một ngày. Cô ấy hát hay tuyệt vời, nấu ăn tuyệt ngon, luôn thông cảm và hiểu người khác, đôi lúc cô ấy còn có khả năng ngoại cảm nữa. Cô ấy là một người hoàn hảo.


Mary Sue là một người không bao giờ bị khuất phục. Cô ấy ngoan cường, thậm chí còn hơi cứng đầu cứng cổ nữa. Cô ấy vượt qua được tất cả, dám đối mặt với tất cả, không sợ hãi bất cứ một cái gì. Cô ấy là một người bản lĩnh.


Những thứ đồ cô ấy có như vũ khí, sách, máy móc, không một cái gì không tuyệt vời. Tân tiến nhất. Mạnh nhất. Lại chỉ có mình cô ấy sử dụng được. Cô ấy là một người được số phận ưu đãi.


Tên Mary Sue thường rất khác biệt, tượng hình hoặc được gợi từ tên của người đã tạo ra cô ấy. Khác biệt là nhiều nhất: Callisto, Unella. Đôi lúc nó khác biệt tới mức người sáng tạo ra cô ấy phải giải thích với chúng ta cách đọc của cái tên: Janaris đọc là Yah-NAH-ris. Cô ây là người có cái tên không thể quên.


Quá khứ của Mary Sue thường rất bi kịch. Cô ấy đã phải trải qua những biến cố lớn từ nhỏ, những biến cố mà người thường nếu trải qua hẳn đã phải phát điên. Hiện tại của cô ấy thường rất khác người. Cô ấy là một người bất tử, cô ấy là người anh hùng nhỏ tuổi nhất hoặc lớn tuổi nhất. Cô ấy là thiên thần bị nguyền rủa hay ác quỷ thánh thiện. Hiện tại của Mary Sue cũng thường chứa đầy đau khổ và phản bội. Cô ấy là người được quyền đứng trên người khác hoặc cô ấy là người phải chịu nhiều đau khổ.


Nhưng Mary Sue không vì thế mà lên mặt với người khác. Cô ấy luôn thấu hiểu mọi người. Sự hiện diện của cô ấy đem lại cho họ niềm an ủi, tia sáng dẫn đường. Cô ấy động viên nhiều người chỉ bằng một hành động nhỏ. Cô ấy hy sinh vì người khác, xả thân vì người khác. Cô ấy luôn hàn gắn, sửa chữa mọi thứ: những trái tim tan vỡ, những con tàu vũ trụ tan vỡ, những cuộc đời tan vỡ, những linh hồn tan vỡ. Cô ấy là một người bác ái.


Mary Sue được rất nhiều người yêu quí. Cô ấy được những người cấp cao nhất trong một tổ chức, quốc gia, hoặc nhiều tổ chức, quốc gia, hoặc những người mạnh nhất hành tinh si mê. Nếu cô ấy còn không phải là nhân vật chính chuyện, thì cô ấy luôn thành đôi lứa với nhân vật nam chính của chuyện đó, nữ chính nếu là yuri. Sự hiện diện của cô ấy ảnh hưởng lớn tới mọi người trong truyện. Cô ấy được những nhân vật, thậm chí là cả những nhân vật vô cảm suốt ngày lo lắng cho cô ấy. Cô ấy là biểu tượng của tình yêu.


Cái chết của Mary Sue thường rất đẹp, đẹp tuyệt diệu. Cô ấy cứu cả thế giới, cuối cùng phải trả giá bằng sinh mạng. Cô ấy chết để nhường một người khác được sống. Cô ấy để lại những giá trị quý báu cho nhân loạt qua cái chết. Cái chết của cô ấy được than khóc, thương tiếc. Những người yêu cô ấy vì cô ấy mà tự kết liễu đời mình. Cô ấy là người luôn có được một cái chết thanh cao.


Người anh em họ của Mary Sue, Harry Stu, giống hệt cô ấy, chỉ khác một chút là giới tính. Anh ấy được biết đến như là một người đẹp trai, tài giỏi, mạnh mẽ, cá tính, lạnh lùng, được hàng đống con gái ngưỡng mộ, được cả thế giới phải biết đến vì tài năng về khoa học hay võ thuật, hay hacking v.v...


Trong slash/yaoi fanfiction, Mary Sue thường ẩn trong những nhân vật nam và cả nữ, biến họ trở thành mỏng manh, yếu đuối, dễ khóc, cần bảo vệ của nhân vật mà họ được ghép đôi. Harry Stu thường ẩn trong những nhân vật nữ và cả nam, biến họ trở thành siêu mạnh mẽ đủ để bảo vệ nhân vật yếu hơn mà họ được ghép đôi. Cô ấy còn là những nhân vật mới toanh không liên quan tới truyện gốc được đưa vào fan fiction nữa.

(slash/yaoi: ý nghĩa tương tự như đam mỹ)


Mary Sue đẹp, hoàn hảo, bản lĩnh, bác ái, chịu nhiều đau khổ, được yêu quí, hy sinh vì người khác, hẳn cô ấy là một thiên thần?
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#6
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 2:



MARY SUE, THIÊN THẦN HAY ÁC QUỶ


Phần 2: Bản chất của một ác quỷ?
Chỉ một số ít những Mary Sue đi vào lòng người đọc nhờ tài năng tuyệt diệu của người cầm bút, phần lớn Mary Sue đều bị người đọc căm ghét. Cô ấy là kẻ thù của những người viết truyện tốt. Cô ấy phá hỏng những câu chuyện có tiềm năng. Tuy nhiên, cô ấy cũng có fan của mình.


Sao vậy?


Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử đi vào tìm hiểu xem Mary Sue là ai?


Mary Sue có thể là bản sao của người viết, cô ấy thể hiện những giấc mơ, những ảo tưởng của người viết về bản thân mình. Cô ấy có thể là một nhân vật nguyên bản của truyện, giữ vai trò trung tâm của truyện nhưng vai trò này bị lạm dụng quá mức. Thường thì cô ấy là cả hai.


Mary Sue phải chết vì nhiều lý do. Cô ấy đem lại sự nhàm chán và đơn điệu. Những nhân vật không phải là Mary Sue thường phức tạp và không hoàn hảo. Mary Sue thì khác, cô ấy quá hoàn hảo nên chỉ là một nhân vật đơn nhất không tạo được những bất ngờ thực sự. Người viết có thể cho các nhân vật trong truyện trầm trồ thán phục: "Ôi, cô ấy giết được cả quỷ chỉ với một con dao." Nhưng độc giả thì không, độc giả sẽ nghĩ: "Chắc chắn là cô ta làm được như thế rồi, có gì lạ đâu."


Cô ấy là mơ ước, là giấc mơ thầm kín của một tác giả, phần lớn người đọc lại không muốn đọc về giấc mơ thầm kín ấy. Họ muốn đọc về những con người thực sự, cũng có những lỗi lầm, những khiếm khuyết. Họ thấy những con người hoàn hảo là không thật, vô nghĩa, và có rất nhiều người đọc cảm thấy khó chịu khi đọc những nhân vật hoàn hảo đó.


Trong fanfiction, Mary Sue làm người đọc phải chú ý đến cô ấy, từ đó làm lệch chiều hướng truyện, khiến người đọc không thể chú ý hoặc đọc được nhiều về nhân vật mình muốn đọc. Trong fiction, Mary Sue cho dù có là trung tâm cũng quá tỏa sáng, khiến những nhân vật khác đều chìm đi đằng sau cái ánh sáng ấy. Nhưng một câu truyện có plot lại không thể chỉ là độc diễn của một nhân vật, nó được tạo nên từ sự kết hợp giữa nhiều nhân vật và nhiều tình huống.


Mary Sue thể hiện sự không kinh nghiệm của người cầm bút. Xét theo mọi chiều hướng, người ta không thể suy ra ở Mary Sue được cái gọi là hiểu biết về cuộc sống. Những tác phẩm dạng Mary Sue rất hiếm khi mang được tính hiện thực, vì ngay chính bản thân sự hoàn hảo đã không hiện thực. Cô ấy còn thể hiện sự yếu kém về trí tưởng tượng không thể tạo dựng được nhân vật đa dạng và phức tạp hay không thể nghĩ ra được nhân vật sẽ làm gì trong một trường hợp được đặt ra một cách hợp lý. Có thể nói, trong những fiction có Mary Sue xuất hiện, người viết cũng đã hóa thân vào nhân vật, nhưng lại không thể hóa thân vào nhân vật một cách trọn vẹn để nhìn thế giới của fiction dưới một con mắt khách quan mà đã để lại dấu ấn của cái tôi quá nhiều lên nhân vật. Sự hóa thân như vậy coi như là thất bại.


Mary Sue cũng bẻ cong đi tâm lý của nhân vật. Do cô ấy là bản sao của tác giả, cô ấy cũng có cái nhìn và quan điểm của tác giả. Người viết có xu hướng cho rằng các nhân vật chỉ nhìn Mary Sue là đã có ý nghĩ: "Không hiểu sao, chỉ nhìn cô ấy, tôi cảm thấy tin tưởng, tôi muốn nói hết mọi điều với cô ấy." Hoặc ngay từ cái nhìn đầu tiên, ai cũng yêu cô ấy ngay, hoặc ai cũng lo lắng, quan tâm tới cô ấy từng tí một cho dù cô ấy làm gì. Tâm lý bình thường không như thế. Người ta phải mất nhiều thời gian và cố gắng mới tin tưởng được nhau. Không phải ai cũng yêu ngay người đẹp nhất. Khi người đọc đọc một truyện, họ có xu hướng mong chờ tâm lý của nhân vật được giải quyết theo một hướng hợp lý nào đó. Khi nó đi chệch với hướng đó một cách cũng hợp lý, họ chấp nhận nó như là một điều bất ngờ. Khi nó quá bẻ cong hoặc không thể xảy ra, họ sẽ có phản cảm.


Chỉ trong những câu chuyện ngắn, tác hại do Mary Sue gây ra không rõ ràng và lớn lắm. Nhưng trong những series truyện dài, hoặc những truyện nhiều chap, theo dõi hành trình của một Mary Sue thường luôn gây mệt mỏi và chán nản. Cũng có người thích nhân vật dạng Mary Sue, nhưng thường rất ít, còn hầu hết các độc giả đòi hỏi một tác phẩm chất lượng có thể chấp nhận được không thích Mary Sue, và những độc giả khó tính ghê tởm cô ta. Người thích và chấp nhận được Mary Sue nhất thường là chính tác giả đã tạo nên cô ta chứ không phải là người đọc.


Vậy phải chăng cô ta là ác quỷ?
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#7
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 2:



MARY SUE, THIÊN THẦN HAY ÁC QUỶ


Phần 3: Sự thật và lời bào chữa
Mary Sue đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng khái niệm "Mary Sue" được dùng lần đầu tiên vào năm 1974 trong một fanfic của Star Trek do Paula Smith viết. Đây là một nhân vật tuyệt đẹp nửa người, nửa là Vulcan, cô ta đã cứu Kirk, Spock và Dr. McCoy. Trong những thập kỷ tiếp theo của fanfic, khái niệm này được dùng ngày càng phổ biến, và lấn sang cả fiction, tuy nó được dùng phổ biến hơn ở fanfic.

(fiction: truyện tự sáng tác; fanfic: đồng nhân)

Viết Mary Sue không khó, đúng ra là rất dễ dàng, nhưng nó lại khó đọc. Mary Sue thường dẫn tới flame (đả kích) và những lời chỉ trích. Đối với những truyện nhiều chương, nó khiến độc giả phải nghĩ "Lại tiếp tục, đùa à?" hoặc đơn giản là họ ngừng đọc truyện đó. Tuy vậy, không phải mọi tác phẩm Mary Sue đều là tồi tệ và chán ngán. Có những tác phẩm vẫn thu hút được rất nhiều độc giả.


Vậy khi nào thì Mary Sue không phải là một Mary Sue?


Khi cô ta được thể hiện thú vị đến nỗi bạn không quan tâm cô ta là Mary Sue nữa.


Vấn đề là chỉ có một trong một trăm người viết là đủ kỹ năng để thực hiện điều đó.


Những tác giả viết tồi thường dính tới Mary Sue nhiều hơn là những tác giả viết tốt. Tuy vậy, lại có sự khác biệt giữa một người viết mãi mãi tồi và một người viết tồi đang tiến bộ.


Có một câu nói là "Mary Sue là một kẻ phải chết nhưng lại không thể bị giết". Đúng là như vậy. Mary Sue là một bước mà hầu như mọi người viết nào cũng đã từng trải qua. Một số người cho rằng Mary Sue không nhằm một mục đích nào khác ngoài tạo điều kiện cho người viết thử sống hoàn toàn trong một thế giới tưởng tượng. Nó là một bước chập chững của quá trình viết.


Hầu hết những người viết đều cho rằng mình viết là vì đam mê. Nhưng nếu chỉ viết, để rồi tống vào kho thì có lẽ là không cần quan tâm đến Mary Sue có mặt hay không, nhưng những người viết muốn chia sẻ tác phẩm của mình, coi tác phẩm của mình như là một tác phẩm văn học thực sự sớm nhận ra rằng muốn mình có được độc giả, cần phải rời xa Mary Sue.


Anne Lamott, một người viết văn chuyên nghiệp đã nhận xét trong tác phẩm Bird by Bird của mình: "Những người mới bắt đầu... luôn viết không ý thức được về chính bản thân mình, thậm chí nếu họ tạo dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của họ vừa là người về nhất trong một cuộc đua ngựa vừa là một bà mẹ nghiện rượu khóc rất nhiều."


Anthony Trollope cũng đã từng xây dựng một Mary Sue cho mình khi còn trẻ trong ý nghĩ: "trong hàng hàng tuần, hàng tháng, nếu tôi nhớ chính xác, còn là hàng năm... tôi dĩ nhiên là vị anh hùng cho chính mình. Đó cũng giống như là sự cần thiết của xây lâu đài cát. Nhưng tôi đã không bao giờ trở thành vua, hay người đứng đầu... Tôi đã không bao giờ là một người từng trải hay một nhà hiền triết... Nhưng tôi đã là một người thông minh, và những phụ nữ đẹp luôn thích tôi. Và tôi xây dựng mình tốt bụng, rộng mở lòng và cao quý trong ý nghĩ, cho dù phải đối mặt với những điều xấu xa; nói chung, tôi xây dựng mình là một người tốt đẹp hơn nhiều lần so với con người thực của tôi đã đạt được." Ông cho rằng hành động này đã tạo nên một phần thành công cho mình về sau khi trở thành một nhà tiểu thuyết: "Trong những năm sau này, tôi cũng vẫn làm việc đó, chỉ khác là tôi đã xoá bỏ vị anh hùng của những giấc mơ trước đây và cuối cùng đã có thể đặt bản thân mình sang một bên."


Mary Sue là sự khám phá của người viết ban đầu đối với thế giới giả tưởng mà người đó ở trong, hoặc sẽ ở trong. Mary Sue được những nhân vật khác tôn thờ, bởi vì những tác giả viết Mary Sue đang khám phá cái sức mạnh mới mẻ của mình trong một thế giới rộng lớn và xấu xa. Sự quyến rũ người khác phái cũng nằm trong điều này, người viết bị thu hút bởi ý nghĩ một người lại có thể quyến rũ những người khác phái khác nhiều hơn nhiều lần so với bình thường trong thế giới giả tưởng. Cái khả năng này còn là đề tài cho rất nhiều truyện văn học "của phụ nữ". Trong những tác phẩm lớn, cái giá của khả năng này là một phần của câu chuyện, nó gắn với sự yếu kém của những khả năng khác. Trong những tác phẩm rẻ tiền, cái giá của khả năng này không lớn, chỉ là rất nhỏ. Trong những tác phẩm Mary Sue bước đầu, cái giá này không bao giờ được trả, sức mạnh chỉ đơn giản là có.


Về mặt thiếu kinh nghiệm, đúng, nhưng không có nghĩa là người viết thiếu kinh nghiệm sống. Thường thì một người viết ban đầu chưa biết làm thế nào để dựa vào những kinh nghiệm sống, những cảm nhận riêng, tâm hồn và suy nghĩ của mình để xây dựng nên những nhân vật giống đời thật. Đây cũng là lý do khiến Mary Sue xuất hiện từ fan fiction.


Do vậy, một số người viết vẫn cố tình viết Mary Sue về bản thân mình và những người mình yêu quí. Một số người viết khác vô tình viết Mary Sue, khi được chỉ ra điều ấy, đã tự chỉ rõ điều ấy thay vì giấu tác phẩm Mary Sue đó đi. Họ ghi rõ đây là một Mary Sue và lời cảm ơn cho người độc giả đã chỉ điều đó ra cho họ như một phương cách để tự bảo vệ. Người viết tự mời người đọc cùng cười với mình vì đây là một Mary Sue, biết rằng đằng nào thì người đọc cũng sẽ cười.


Một số fan còn đi xa hơn, lập cả những trang dành cho Mary Sue. Họ không còn cảm thấy cần phải xấu hổ về Mary Sue nữa, họ tôn trọng cô ta, bởi vì thường cô ta là nhân vật đầu tiên của họ.


Cùng lúc đó, những bài viết về Mary Sue, khuyên nên tránh xa Mary Sue vẫn tiếp tục ra đời. Nhiều người đọc vẫn tiếp tục chê trách và chỉ trích Mary Sue. Những người viết đã rời khỏi bước ban đầu vẫn tiếp tục tìm cách xây dựng nhân vật của mình càng thật càng tốt. Họ đang bỏ rơi dần Mary Sue.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#8
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 3:



REAL PEOPLE FIC, LẰN RANH MỎNG GIỮA

ĐƯỢC PHÉP VÀ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP
Note của người post:
Có thể nói với một fandom như TCCT thì chương này là chương không cần thiết nhất trong những chương không cần thiết. Tuy nhiên nó cũng có thể mở ra cho bạn những ý tưởng mới về mặt viết những fic liên-quan-đến-TCCT, ví dụ viết fic về những diễn viên đóng stageplay TCCT chẳng hạn. Và trong trường hợp bạn thấy đó là một ý tưởng hay và muốn triển khai thì đây lại là một bài viết cực-kỳ-cần-đọc.


Fanfic là những câu chuyện giả tưởng lấy nhân vật là những nhân vật có sẵn. Fanfic rất phổ biến, có thể nói là quá phổ biến, những tác giả có nhân vật của mình được viết thành fanfic cũng không thể hiện họ cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm vì nhân vật của họ bị sử dụng mà không được sự đồng ý. Lý do chủ yếu là do fanfic được viết với mục đích phi lợi nhuận, và một phần nào đó, số lượng những fanstuff của một bộ truyện đi kèm với ấn tượng về sự phổ biến và được yêu thích của nó. Nhưng riêng đối với Real People fic, thể loại này không được sự ưu ái đến thế.

(fanfic: đồng nhân; fanstuff: những thứ fan làm liên quan đến truyện như viết fanfic, vẽ truyện,...)


Khi đã viết một fic Real People và không đặt nó trong một bối cảnh hoàn toàn AU, thì không thể nói là nó chỉ là fic, và nó không gây ra ảnh hưởng gì hết trong đời thực. Điều đúng là fic chỉ là fic, mọi điều trong fic chỉ là giả tưởng và không có thực. Điều sai là coi cứ giả tưởng là có thể viết về mọi thứ. Ngay cả trên net, những fic Real People cũng rất hạn chế. Fic Real People chủ yếu viết về những người nổi tiếng như những ban nhạc hoặc ngôi sao điện ảnh.


Hầu hết trong các trang fic lớn đều không cho phép Real People fic. Trong những bài viết của những người viết fiction chuyên nghiệp nói chung đều khuyên không nên đi vào Real People fic. Tại sao vậy?


Điều thứ nhất là nội dung. Mỗi con người là một thực thể riêng biệt và độc nhất vô nhị trong cái thế giới này. Những suy nghĩ và hành động của họ thậm chí đôi khi ngay cả họ cũng không đoán trước được. Bạn không thể đoán được họ nghĩ gì, làm gì. Trong fanfict về những nhân vật có sẵn và cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, bạn có bắt họ làm gì, suy nghĩ như thế nào thì cũng không dẫn tới sai tính cách, nếu bạn biết thể hiện một cách logic. Nhưng người thật lại khác. Sự đa dạng trong cách nghĩ và tính cách của mỗi người là một trở ngại vô cùng lớn đối với fanfic.


Điều thứ hai là riêng tư. Real Peole fic là một đề tài rất nhạy cảm. Có những ranh giới mà bạn không thể vượt qua. Có những sự thật bạn biết, nhưng nếu bạn đưa vào fic, thì bạn sẽ bị coi là xâm phạm vào đời tư của người khác. Có những điều chỉ là giả tưởng, nhưng nếu bạn đưa vào fic, thì bạn sẽ bị coi là xúc phạm, đặt điều hoặc bôi nhọ người khác. Cả hai đều này đều được coi là vi phạm pháp luật, lại một điểm yếu nữa của Real People fic.


Cũng tương tự với điều này là quyền lợi. Trong khi chính sự hợp pháp của fanfic dựa trên những nhân vật tưởng tượng cũng còn nhiều bàn cãi, Real People fic càng chứng tỏ sự nhạy cảm của nó. Liệu bạn có được quyền viết những gì bạn nghĩ về một người có thật và còn sống hay không? Disclaimer được coi là lá chắn cho fanfic và fanzine. Nhưng câu disclaimer là nhân vật trong fic không thuộc về tôi mà thuộc về người tạo ra họ không còn được áp dụng, vì không ai sở hữu một người thật.

(Disclaimer: 1 câu thường được viết ở đầu mỗi fanfic nhằm thể hiện rằng, các nhân vật trong fic không thuộc về người viết fic


Fanzine = Fan + Magazine: Tạp chí do fan viết)


Một trang fanfiction lớn và nổi tiếng nhất trên mạng là Fanfiction.net đã buộc phải đóng một số Category như về Ban nhạc, diễn viên. Tôi vẫn còn nhớ tất cả những sự phản đối và ủng hộ quyết định đó khi ấy. Nhưng cuối cùng, quyết định ấy vẫn được thi hành. Những vụ kiện tụng xung quanh Real People fic không phải là ít, thậm chí khá nhiều. Một khi người là đối tượng của một Real People fic cho rằng mình đã bị xúc phạm, xâm phạm đời tư, thì người đó hoàn toàn có quyền yêu cầu sự bảo hộ của Pháp luật.


Chính vì vậy, Real People fic thường bị hạn chế, và bị một số người ác cảm. Real People fic thường có thể được phổ biến giữa những nhóm những người có quan hệ thân mật, đủ để hiểu khi viết, không ai có ác ý; đủ để chấp nhận những gì mình không ưa lắm trong fic và bỏ qua nếu có gì vượt quá ranh giới. Thường, Real People fic loại này còn được dùng để thể hiện tình cảm của những người trong một nhóm. Nhưng ngay cả lúc đó, nội dung của Real People fic vẫn phải được cân nhắc kỹ càng. Chỉ là một fic, nhưng nếu bạn bị viết thành một đứa đểu cáng, phản bội bạn bè, là một tên sát nhân máu lạnh giết người không gớm tay thì fanfic đã chẳng còn là chuyện của một câu truyện giả tưởng nữa, phải không?


Một dạng Real People fic nữa là lấy tên, và dựa theo người thật, nhưng bối cảnh hoàn toàn giả tưởng như cổ tích, yêu quái... đồng thời có nhiều sự chỉnh sửa như về hình dạng, tính cách, quá khứ, bối cảnh, nói chung là liên hệ với đời thật hầu như hoàn toàn là zero. Loại Real People fic này được chấp nhận hơn, và đôi khi khi một fic phát triển đến một mức nào đó thì hoàn toàn tách ra khỏi bóng dáng của người thật được chọn làm nhân vật kia và nó bắt đầu mang hơi hướng của Original Fiction.

(Original Fiction: Truyện mà có nhân vật do người viết tạo ra)


Nói chung, fanfiction được coi là một thứ được sáng tạo ra bởi các fan thực sự. Chỉ riêng có Real People fic phần lớn không được coi là như thế. Mặc dù tôi luôn ủng hộ fanfiction phát triển, nhưng riêng Real People fic, tôi mong nó càng hạn chế càng tốt.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#9
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 4:



GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI VIẾT. POV – POINT OF VIEW


Khi viết truyện, một điều phải nghĩ tới đầu tiên là mình sẽ viết dưới góc nhìn nào. Điều này rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nội dung truyện, và đi theo bạn trong suốt quá trình viết.


Hầu hết mọi người viết đều hiểu được sự khác biệt giữa First Person, ngôi thứ nhất và Third Person, ngôi thứ ba, với ranh giới để phân chia hai kiểu này là sự sử dụng từ "tôi" và "anh ấy, cô ấy". Nhưng hai loại ngôi thứ ba thì nhập nhằng hơn.


Ngôi thứ nhất, First Person được coi là kiểu POV dễ viết nhất, và cũng rất khó viết được hay. Người viết đứng ở trong đầu của nhân vật được miêu tả POV và nhìn ra toàn bộ thế giới bằng con mắt, trái tim, lý trí và quan điểm của nhân vật đó. Nó cho phép người đọc có thể tiếp cận với ý nghĩ và cảm xúc của nhân vật một cách gần gũi nhất. Nó cũng cho phép những lời tự bạch dài, hồi tưởng lại quá khứ hoặc tương lai của nhân vật kiểu như: "Lúc đó tôi đã không biết..." hoặc "Khi tôi còn nhỏ, tôi... nhưng giờ trở thành người lớn, tôi mới thấy..."


Đối tượng First Person có thể là nhân vật chính, và trong một số trường hợp hiếm gặp, đối tượng của First Person lại là nhân vật phụ. Từ con mắt của nhân vật phụ đó mà nội dung câu truyện tiến triển. Tuy nhiên, cho dù trong trường hợp nào, thì First Person cũng không cho phép một sự gần gũi tương tự với những nhân vật khác. Chúng ta chỉ thấy người và cảnh vật qua nhân vật trong POV (nhân vật được miêu tả quan điểm), nên tính chủ quan và dấu ấn của nhân vật trong POV chi phối rất nhiều, mà dấu ấn của các nhân vật khác lại chi phối rất ít.


Một người viết First Person tốt phải gắn người đọc với thực tế về một sự kiện, trong khi vẫn gắn với suy nghĩ chủ quan của một nhân vật. Đồng thời giọng kể của nhân vật phải mạnh vào khéo léo, nếu không sẽ giống như là đọc một quyển nhật ký vậy. Viết First Person không khó, nhưng viết First Person hay lại rất khó. Bản thân tôi cũng phải thừa nhận, khi đọc fic, thường gặp truyện nào ở ngôi thứ nhất thì thường bỏ qua.


Ngôi thứ ba, Third Person được chia làm 2 loại: Ngôi thứ ba giới hạn, Third Limited, và Ngôi thứ ba thông suốt, Third Omniscient.


Ở Third Limited, người viết đặt mình vào đầu một nhân vật trong truyện với mức độ không gần gũi như với First Person do sử dụng "anh, cô, hắn... " thay thế cho "tôi". Tuy nhiên, dạng này lại gần gũi với 1 nhân vật hơn nhiều so với Third Omniscient. Đây cũng là kiểu thường gặp nhất trong fic, là mức độ chuyển giao giữa First Person và Third Omniscent. Nó cho phép người đọc có thể nhìn từ nhiều hơn một nhân vật, cho phép một lượng thông tin lớn hơn về sự kiện so với First Person, và về tình cảm và ý nghĩ thì gần gũi hơn so với Third Omniscent.


Nhưng để sử dụng Third Limited thành công và không lấn sang Third Omniscent, cần luôn chú ý mình đang viết POV của nhân vật nào. Điều đầu tiên cần nhớ là nhân vật trong POV không thấy được bản thân mình.


Chẳng hạn khi viết về POV của một nhân vật X:


'X nhìn thẳng vào mắt Y bằng đôi mắt xanh lấp lánh tuyệt đẹp hút hồn người.'


X không thể tự nhìn mắt mình để biết nó lấp lánh thế nào, và chắc chắn sẽ không tự phụ cho rằng mắt mình tuyệt đẹp hút hồn người.


Một đoạn như sau sẽ khá hơn nhiều:


'X nhìn thẳng vào mắt Y, biết rằng đôi mắt xanh của mình luôn làm Y rung động.'


Trong khi sử dụng Ngôi thứ ba giới hạn, Third Limited này cũng nên hạn chế sử dụng quá nhiều POV của các nhân vật khác nhau trong một cảnh, đặc biệt tránh thay đổi POV liên tục. Đã chọn đứng trong đầu 1 hoặc tối đa là 2 nhân vật trong 1 cảnh thì hãy theo nhân vật đó cho đến hết cảnh. Nếu không kết cục sẽ là: "Đầu nhô ra liên tục, vị độc giả tội nghiệp quay qua quay lại cũng liên tục đến sái cả cổ để xem mình đang ở trong cái đầu nhân vật nào."


Third Omniscient, Ngôi thứ ba thông suốt, là khi người viết đứng ở ngoài truyện đóng vai trò là Thượng Đế, có thể nhìn vào ý nghĩ và tình cảm của mọi nhân vật. Nó rất khó viết, vì nó đòi hỏi người viết phải nắm vững về tâm lý con người, và có thể diễn tả nó một cách thoải mái và dễ dàng. Nó cũng đòi hỏi một giọng kể mạnh. Third Omniscient cho phép xâm nhập vào mọi ý nghĩ, động cơ của nhân vật, thoải mái nhận xét về nhân vật, sự kiện và thông tin về tất cả mọi sự kiện và hành động.


Nhưng kiểu POV này không cho phép sự gần gũi với nhân vật như cả hai First Person và Third Limited. Luôn có một bức tường cản vô hình giữa người đọc và nhân vật, khiến người đọc và cả người viết rất khó ở vị trí của một nhân vật, mà ở vị trí của một người ngoài cuộc theo dõi câu chuyện.


Kiểu POV này là công cụ đắc lực cho những truyện có nhiều nhân vật đều được thể hiện sâu, là một sự hạn chế đối với những truyện ngắn kiểu PWP, và là cái lỗ để chôn những truyện không tình tiết, những truyện thuần nội tâm.


(PWP: truyện không plot)


Còn một kiểu POV nữa không phổ biến lắm, và cực khó là Ngôi thứ 2.


Đây là một đoạn truyện kiểu này, nói về Hiei (Yu Yu Hakusho - YYH):


'Đau.


Tội lỗi ẩn mình trong sự bỏng rát và cái đau đỏ máu.


Máu chảy dọc chân ngươi, ngươi vẫn nằm trong yên lặng, đôi mắt đỏ rực vô hồn và lạnh như băng. Cả cái cơ thể nhỏ bé của ngươi vẫn còn đau nhức khi đêm buông mình trên mặt đất. Không ai quan tâm, không ai muốn nghe, không ai muốn thấy, thậm chí chỉ là liếc mắt qua.


Không ai đến giúp. Không ai bận tâm. Trong khoảng khắc im lìm ấy, ngươi chợt nghĩ về người đã sinh ra ngươi. Bà sẽ nghĩ gì về ta đây? ngươi nghĩ thầm, giọt lệ đầu tiên chảy dài trên má. Ngươi không muốn khóc, nhưng thậm chí ngay cả sự tự kiềm chế của ngươi cũng không thể cho ngươi điều mà ngươi muốn. Công lý luôn mù, và ngươi cũng thế. Ngươi muốn khóc. Ngươi muốn trở về với mẹ của ngươi.'


Hầu như không thể áp dụng kiểu này vào những truyện dài. Kiểu này là cố ý biến người đọc thành nhân vật, từ đó nhân lên nhiều lần hiệu quả của những cảm xúc và biến cố xảy ra đối với nhân vật. Tuy nhiên phải luôn thận trọng với nó, vì nó là con dao hai lưỡi. Hiệu quả cảm xúc của nó rất lớn, nhưng nếu không biết cách dừng đúng lúc sẽ gây ra phản cảm rất mạnh.


Tất cả những loại POV trên đều có ưu và nhược điểm. Người viết phải chọn kiểu nào hợp với mình nhất. Thường thì một người viết thực hiện sự lựa chọn này một cách vô thức, cứ bắt đầu viết và tự khắc sẽ rơi vào một kiểu nào đó.


Rắc rối xảy ra khi một người cố nhập Ngôi thứ ba giới hạn, Third Limited và Ngôi thứ ba thông suốt, Third Omniscient lại, cuối cùng kết quả là một mớ lộn xộn. Có những người viết thành công ở khoảng giữa của hai loại POV này như nhà tiểu thuyết lịch sử Mary Renault, nhưng nó đòi hỏi kỹ năng và đôi khi cả tài năng rất lớn. Nhập hẳn Third Omniscent và Third Limited chỉ khiến độc giả luôn phải vòng đi vòng lại câu chuyện của bạn để xem mình đang theo dõi POV của nhân vật nào. Một vài lần còn chấp nhận được, nhưng truyện vài chục chương mà lúc nào cũng thế thì thật mệt mỏi và bực bội.


Chuyển POV trong một cảnh là có thể nhưng không nên lạm dụng. Trong cùng một cảnh chỉ nên chuyển POV một hai lần, và giữa các POV cần chia cách hẳn ra vài dòng để độc giả không bị rối trí. Nhưng đừng dùng các ký hiệu ngăn cách như *** vì đây được coi là dấu hiệu chuyển cảnh.


Cuối cùng, luôn nhớ những luật lệ về POV là tốt, nhưng không ai trong chúng ta muốn viết những fic cứng nhắc và không sáng tạo phải không? Vì vậy, cho dù thế nào thì cũng hãy cố để mạch văn của mình được tự nhiên nhất, và khi viết, hãy thử để mình ở vị trí người đọc để tự nhận xét fic của mình.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#10
Trở lại mục lục

PHỤ LỤC 1:



VIẾT TỰ DO – MỘT CÁCH LUYỆN TẬP SUY NGHĨ

Viết tự do là một cách để luyện tập phản xạ cho đầu óc, luyện tập khả năng sáng tạo, đi tìm những ý hay, và là một bài tập mà bạn có thể tự làm ở bất cứ đâu mà không cần đến trường lớp.


Viết tên một chủ đề ở đầu một trang giấy trắng. Chủ đề có thể là một từ, ví dụ như là “nha sĩ” hay là một lời giới thiệu ngắn cho chủ đề mà bạn đã chọn viết hay được giao cho viết. Đặt giờ là năm phút hay mười phút, rồi cầm bút hoặc đặt tay lên bàn phím và bắt đầu. Viết càng nhanh càng tốt. Bạn không đuợc ngừng viết! Nếu bạn không nghĩ ra từ gì để viết, hãy viết là bạn không có gì để nói: “Tôi kẹt rồi, nhưng tôi sẽ nghĩ ra cái gì đó ngay đây.” Đừng dừng lại. Đừng quan tâm về cấu trúc bài viết hay nối các ý tưởng với nhau. Cũng đừng quan tâm về sự phù hợp của chủ ngữ và động từ hay thậm chí là chấm phẩy. Và khi viết đừng tự quay lại đánh giá những gì mình viết. Những gì bạn viết có thể đi theo một hướng thật kỳ quặc, nhưng đừng dừng lại và nghĩ, “Ôi, mình viết ngu ngốc quá!” Thậm chí nếu bạn đi lệch chủ đề cũng cứ tiếp tục, nó có thể dẫn bạn tới những ý tưởng tuyệt vời. Đừng chỉ trích bản thân và đừng cắt xén hay gạch xoá hay viết lại những gì bạn đã viết. Nhiều giáo viên đã khuyên là khi hết thời gian, bạn có thể viết một câu TOÀN BỘ LÀ VIẾT HOA để đưa bạn về chính điểm khởi đầu, như trong ví dụ trên là về với chủ đề ‘nha sĩ’.


Một lời khuyên là khi bạn viết xong bài viết tự do của mình, bạn có thể đọc to nó lên. Thường thì bạn có thể bắt gặp những ý tưởng khá độc đáo mà chính bạn không để ý khi bạn viết nó. Đọc bài viết tự do cho bạn bè hoặc nhờ bạn bè đọc lại nó cho bạn nghe. Bạn của bạn có thể nghĩ là bạn điên rồ, nhưng không sao đâu. Rồi bạn hãy dùng vài phút để lướt lại bản viết tự do với mục tiêu hướng về lối viết thông thường. Xem lại những từ ngữ bạn đã dùng. Kiểm tra chính tả. Xoá dòng chữ ‘tôi không nghĩ ra gì để viết’ đi và những điều hoàn toàn vô nghĩa. Các ý tưởng và câu văn còn lại có ăn nhập với nhau không?


Đừng từ bỏ tập viết tự do chỉ sau một bài viết. Nhiều người nghĩ rằng viết tự do rất buồn chán và ngu ngốc đã thích nó sau khoảng hơn một tuần tập viết. Viết tự do cũng giống như những hoạt động trí óc khác: Bạn sẽ tiến bộ trong lĩnh vực này. Lần đầu tiên bạn viết, có thể là bạn chẳng đạt được gì. Sau vài lần cố gắng, bài viết tự do của bạn sẽ trở nên hay hơn. Cũng giống như khi bạn chơi thể thao, bạn không thể không khởi động trước, đôi lúc ngay cả khi giữa một bài viết luận, khi bạn tắc, bạn có thể viết tự do một chút để tìm ý tưởng viết tiếp.


Đây là một bài viết năm phút của một sinh viên, Thruston Parry, về chủ đề ‘nha sĩ’


Nha sĩ


Tôi ghét đi nha sĩ. Tôi luôn sợ họ sẽ làm tôi đau, và tôi không giỏi về đau đớn, tôi muốn nói là không giỏi chịu đau. Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi là một đứa trẻ, đi đến nha sĩ, có vẻ là tôi chưa từng đến nha sĩ khi tôi là một đứa trẻ cho đến khi tôi bị đau răng, đó là lỗi của cha mẹ tôi phải không? Tôi đoán thế. Đúng ra họ phải chăm sóc hàm răng tôi tốt hơn khi tôi còn nhỏ, và thế thì tôi sẽ không phải lo lắng nhiều về răng của tôi. Nhưng lúc đó tôi đã đến nha sĩ, và ông ta đã dùng cái máy khoan tồi tệ lúc nào cũng phát ra những tiếng ồn tồi tệ và lúc nào cũng đau. Tôi nhớ có một tấm biển ở trước phòng khám của ông ta ghi là NHA SĨ KHÔNG GÂY ĐAU ĐỚN, TẦNG TRÊN, nhưng chẳng có tầng trên nào ở đó cả. Một trò đùa à? Tôi chẳng nghĩ được cái gì để viết và tôi chẳng nghĩ ra cái gì để viết nữa. À, tôi không tưởng tượng nổi ai sáng suốt lại có thể muốn làm nha sĩ, thò ngón tay vào miệng người khác cả ngày, và nước bọt và máu, lại còn mối đe doạ bị truyền bệnh làm họ phải đeo găng tay cao su nữa chứ và tôi ghét cảm thấy thứ đó trong miệng tôi, và còn cái âm thanh cái thứ đó lôi nước bọt ra khỏi miệng anh nữa chứ. Tôi tự hỏi tại sao bố mẹ tôi không đưa tôi đến nha sĩ TRƯỚC KHI răng tôi có vấn đề. Có lẽ khi họ lớn lên, họ đã trải qua một thời kỳ khó khăn, và họ không có tiền để đi nha sĩ, và bạn cứ vô tình bị sâu răng và mất nhiều răng thậm chí trước khi bạn là người lớn. Tôi chẳng nghĩ ra gì để viết nữa. Tôi chỉ biết là khi tôi có con, tôi sẽ cho nó đi khám nha sĩ sáu tháng một lần cho dù chúng có muốn hay không và có lẽ đến lúc đó người ta sẽ phát minh ra một cách nào đó để ngăn chặn sâu răng và có thể sẽ không còn nha sĩ nữa, hoặc họ tồn tại chỉ để lau răng và làm cho chúng trắng loá mà thôi, và chúng ta sẽ không phải lo lắng về sâu răng và những thứ liên quan đến đau đớn nữa. NHA SĨ, THÁI ĐỘ CỦA TÔI ĐÃ THAY ĐỔI KHI TÔI LỚN LÊN.


Khi xem đoạn văn trên đây, bạn có thấy có ý tưởng nào có thể dẫn đến một bài luận về nha sĩ hay ít nhất là mở đầu cho một bài luận hay không? Tại sao người ta lại muốn trở thành nha sĩ? Hay là tương tự với các công việc y khoa “đáng sợ” khác (thậm chí đáng sợ hơn là nha khoa)? Thái độ đối với nha sĩ thay đổi thế nào theo thời gian? Liệu những loại thuốc đánh răng tiên tiến hay đại loại là như thế sẽ khiến nha khoa bị mất đi? Nha sĩ đối phó với các bệnh lây lan qua đường máu như thế nào? Chúng có phải là một mối đe doạ thực sự đối với nha khoa hay không?


Cũng như vậy, viết tự do là một cách để đi tìm cảm hứng, luyện tập cho sức sáng tạo, hoặc chỉ đơn giản là để xem trong những thứ mình viết ra có ý nào có thể trở thành một tư liệu để viết.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#11
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 5:



PLOT – TÌNH TIẾT TRUYỆN/CỐT TRUYỆN


Một truyện nếu không muốn để rơi vào dạng PWP hoặc một đoạn tình cảm đơn thuần thì phải có ít nhất là một plot - tình tiết truyện. Ở đây bạn cần phân biệt truyện để diễn tả một câu chuyện thực sự với các sự kiện, các nhân vật tương tác với nhau để thay đổi các sự kiện đó và truyện để diễn tả một tình cảm nào đó. Bạn có thể có một fic hay mà không cần đến plot không? Vẫn có thể được, nhưng rất khó, bởi lúc đó, fic của bạn sẽ là một đoạn tình cảm, hay một cảnh nào đó, chứ không thể gọi là một ‘câu chuyện’ được.

(PWP – Plot?What Plot: Hầu như để chỉ những truyện chỉ có cảnh sex mà không có nội dung)


Ngay cả đối với POV, những truyện ngắn chỉ diễn tả tình cảm và suy nghĩ đơn giản của nhân vật bạn cũng cần tới plot để khiến nó trở nên hấp dẫn chứ không phải chỉ đơn thuần là một đoạn suy nghĩ kiểu như “Một ngày đẹp trời tôi ngồi suy nghĩ về anh ta, và tôi đã nghĩ rất nhiều.”. Để hiểu thêm về điều này và thấy plot có thể có hiệu quả thế nào với một POV fic, bạn có thể đọc thử fic “Phía bên kia bóng tối” của Kea.

(Về ví dụ phần này, các bạn fan TCCT có thể đọc thử fic
Người về của chị Lá Mùa Thu)


Ngay cả đối với những fic chỉ nhằm để diễn tả một cảm xúc chứ không phải để kể một câu chuyện thì plot vẫn cần thiết để fic không chỉ đơn thuần là một cảnh miêu tả nhân vật trong tâm trạng của mình. Để hiểu thêm về điều này, bạn có thể đọc thử fic “Four seasons in the sky” của aster, một fic đã kết hợp một cách tuyệt vời giữa plot và một cảm xúc.

(Một fic tương tự kết hợp giữa plot và cảm xúc là Mộng tưởng mùa 12 – Ngôn Khả Tẫn)


Mỗi truyện cần có ít nhất là một tình tiết, dù tình tiết đó có thể thật đơn giản như "X nhìn chăm chăm vào cái kem 3 tiếng đồng hồ suy nghĩ không biết có nên ăn nó không, và khi cậu ta quyết định ăn thì cái kem đã chảy thành nước."


Plot phải bao gồm điểm bắt đầu, phần thân và điểm kết thúc.


Điểm bắt đầu:


Đây là nơi ít nhất một nhân vật chính cùng với bối cảnh của truyện được giới thiệu. Điểm bắt đầu rất cần thiết để người đọc có thể mường tượng được nhân vật và hình dung ra được bối cảnh, từ đó tái hiện lại những hình ảnh mà người viết muốn chuyển đạt.

Tuy nhiên, trong điểm bắt đầu, cần tránh kiểu miêu tả: "Cô gái đeo hoa tai, có mái tóc đen." Và sau đó dành cả một khổ để miêu tả mái tóc đó đẹp như thế nào. Hãy miêu tả những gì thật đặc biệt. Những điều bình thường có cần nói không? Có, nếu như bạn muốn người đọc có thể hình dung về nhân vật, nhưng một khổ để miêu tả mái tóc chỉ khi mái tóc đó có màu thật khác người như đỏ rực, hoặc dài tới gót chân. Một khổ để miêu tả mắt, chỉ khi màu mắt thật lạ, như tím hoặc ánh vàng.


Ở phần đầu này, nên tránh hoàn toàn việc nêu một đống thông tin ra như kể lại đầy đủ những thông tin cơ bản về nhân vật chính hoặc các thông tin cơ bản về bối cảnh. Đúng là làm như vậy sẽ khiến người đọc có được một cái nhìn đầy đủ về nhân vật của bạn và bối cảnh truyện của bạn. Nhưng một đoạn mở đầu như vậy không đem lại một hứa hẹn gì cho phần sau của câu chuyện. Thông tin được đem tới một cách quá lộ liễu, vì vậy không ẩn chứa được điều gì bí mật hoặc lôi kéo người ta muốn khám phá.


Đối với fanfic (đồng nhân), đừng đi sâu vào miêu tả những thứ người đọc đã biết sẵn, hãy miêu tả những gì người đọc chưa biết, như nhân vật đang mặc gì khác với thường lệ, chúng tác động lên nhân vật ra sao.


Hãy thử so sánh:


'Hiei bước tới, đó là một yêu quái thấp, tóc đen nhọn, mắt đỏ rực lửa. Cậu mặc toàn màu đen và mang một thanh kiếm bên mình. Trên trán quấn một dải băng để che đi con mắt thứ ba.'


Và:

'Trong bộ quần áo của con người bình thường mà Kurama chuẩn bị cho cậu, trông Hiei không còn giống như một yêu quái lạnh lùng. Cậu trông hầu như giống một con người hiền lành và nhã nhặn. Có lẽ là tại hôm nay cậu sẽ gặp Yukina chăng mà trong đôi mắt rực lửa của cậu không còn sự tàn nhẫn nữa, thỉnh thoảng lại có một thoáng dịu dàng và chờ đợi lướt qua.'

‘Diệp Tu bước vào, trông hắn như đã thức thắng suốt đêm vậy. Tóc lòa xòa không chải, râu ria lởm chởm không cạo, mặt thì đã có dấu hiệu phù lên, quả thật bê tha hết sức!’

Và:

‘Nếu nhìn Diệp Tu bây giờ chắc đến người quen hắn cũng sẽ phải lắc đầu không nhận ra. Trong bộ cánh bóng bẩy, phẳng lỳ, và chắc chắn tốn rất nhiều tiền mà Tô Mộc Tranh nhất quyết tròng lên người hắn, trông Diệp Tu hệt như một phiên bản copy paste của em trai mình Diệp Thu vậy. Nếu bảo có gì khác thì chắc là nét bơ phờ vẫn còn phảng phất trên gương mặt hắn, thay cho aura tổng tài số một của năm mà cậu em hay mang. Mà thậm chí, trong hôm nay, đến cái sự bơ phờ ấy cũng chẳng còn nặng nề như những ngày khác.’


Ở đoạn thứ nhất, người viết đã miêu tả toàn bộ những gì mà độc giả đã biết, đã có hình dung về Hiei (Diệp Tu), nên cả đoạn miêu tả đó có thể nói là không đóng một vai trò quan trọng nếu trong một fan fic bình thường (Nhưng ở AU fic thì cần thiết hay không còn tuỳ ở bản thân fic đó). Ở đoạn thứ hai, người viết đã miêu tả những gì đặc biệt, khác thường ở Hiei, nên đoạn miêu tả đó là rất cần thiết.


Điểm bắt đầu cũng là nơi bạn giới thiệu qua với độc giả một cách ngắn gọn về plot trong fic của bạn. Hãy thử tìm cách thu hút độc giả bằng những gì bạn cho rằng sẽ thu hút họ, và sẽ khiến họ muốn đọc fic của bạn.


Trong hai cách sau đây, cách nào sẽ thu hút bạn hơn?


‘Killua ngồi thừ người, nhớ lại giây phút Gon bị cướp bắt đi ngay trước mặt cậu để gây áp lực bắt cậu phải tới cảng tối nay và giao vật mà lúc này cậu đang nắm chặt trong tay.’




‘Killua cố gượng dậy nhưng thất bại, sức cậu đã cạn kiệt và máu từ vết thương trên đầu đang làm mắt cậu mờ đi dưới một tấm màn đỏ thẫm. Gã đàn ông bí ẩn đằng sau tấm áo choàng đen bế Gon lên và gằn giọng. “Tao sẽ giết thằng nhóc này nếu mày không đem vật đó tới cảng Yorshin vào 9h tối nay!” ’


Phần thân:


Đây là nơi phần lớn câu chuyện diễn ra. Tính cách nhân vật được phát triển. Các đoạn hội thoại, các mối quan hệ được xây dựng, các chỉ dẫn được tung ra. Đây là nơi sẽ khiến người đọc phải mong đợi, lo lắng, đoán già đoán non. Ở những câu chuyện dài, đây là phần mà bạn sẽ cho câu chuyện đi chậm lại theo cách mà bạn mong muốn để thể hiện tất cả những gì bạn muốn thể hiện.


Tại phần thân này, khi chuyển hướng truyện, mỗi khi bạn bước từ tình tiết này sang tình tiết khác, bạn cần tránh loại chuyển hướng mà người đọc có thể đoán trước từ vài cây số. Một chút bất ngờ luôn luôn tạo được cảm giác hứng thú. Tuy nhiên, như mọi thứ khác, quá đà luôn luôn gây phản cảm. Một sự chuyển hướng quá đột ngột và không ngờ tới, quá đối lập với tình huống hiện tại có thể gây hẫng cho người đọc và làm họ mất hứng thú.


Điều này cũng có nghĩa là trước mỗi sự kiện xảy ra thường bạn có những ẩn ý, những dấu hiệu báo trước cho người đọc rằng “sắp tới chuyện này đây”. Điều này là rất cần thiết, vì nó khiến người đọc bị cuốn hút vào câu chuyện, nó tạo ra những câu hỏi kích thích sự tò mọc của người đọc và khiến họ phải đoán. Nhưng nếu bạn đưa ra quá nhiều chỉ dẫn, hoặc những chỉ dẫn quá rõ rệt, cái sự kiện sắp xảy ra đó sẽ mất đi tính bất ngờ. Một tác phẩm tràn ngập những dấu hiệu báo trước này có lẽ sẽ giống một lời tiên đoán hơn là giống một câu chuyện. Tuy nhiên, nếu bạn không có một chút dấu hiệu nào, bạn sẽ khó mà khiến người ta cảm thấy tò mò, sẽ không khiến người đọc cảm thấy cái cảm giác thôi thúc “Tôi muốn biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra.” Đôi lúc, để gây được hiệu ứng bất ngờ một cách toàn diện nhất, bạn có thể không cho người đọc một chút dấu hiệu nào báo trước, nhưng nếu bạn làm điều đó quá nhiều, người đọc sẽ dễ cảm thấy quá căng thẳng, quá nghẹt thở, hoặc quá hụt hẫng với câu chuyện của bạn. Và tất cả những gì có dính tới chữ ‘quá’ thì phần lớn là đều không hay.


Đỉnh điểm: Là phần quan trọng nhất của Thân, cũng là điểm thú vị nhất của câu truyện. Nó làm cho người đọc phải nín thở theo dõi, hoặc rơi nước mắt cảm thông, hoặc phá lên cười khoái trá. Đây chính là phần mà Killua sẽ cứu được Gon, hay sẽ chỉ tìm thấy xác của Gon và giết tất cả để trả thù.


Cẩn thận đừng đánh rơi mất đỉnh điểm một cách lãng xẹt, không những phí, mà nó còn gây bực mình cho người đọc nữa. Thử tưởng tượng bạn đang theo dõi một câu truyện trinh thám cả chục chương về một vụ giết người, trải qua biết bao rắc rối, tìm kiếm manh mối, bằng chứng, chợt bạn đọc được một kết thúc thế này:


'Ngài cảnh sát trưởng trong buổi trà chiều nói với thám tử. "À, tôi quên không nói, ngày hôm qua kẻ giết người đã ra đầu thú. Hắn là tên bác sĩ. Hắn đã giết vợ vì ghen."


"À, ra vậy." Thám tử gật gù.'


Lãng xẹt.


Khi bạn đã đến được đỉnh điểm, hãy hạ cánh xuống một cách hợp lý và phù hợp với mức căng thẳng bạn đã xây dựng ở phần thân. Đừng hy vọng tìm được những cách giải quyết đơn giản và dễ dàng cho những đỉnh điểm đã được đưa lên quá cao. Hãy tự hỏi liệu giải quyết như thế này thì có phù hợp không, các nhân vật có chịu không, có tạo được ấn tượng công bằng không? Giải quyết một đỉnh điểm đã được đưa lên cao bằng một tình huống “Ôi, đúng là một sự tình cờ nhiệm màu” hoặc “ 'Tôi rất hối hận. Tôi phục thiện đây’ Anh ta nói, và tất cả reo lên ‘Tuyệt vời! Chúng tôi tha thứ cho anh!’ " thì hầu như tất cả những nỗ lực để xây dựng được đỉnh điểm của bạn ở trước đó đều bị mất. Cũng đừng trông chờ vào việc các nhân vật xung quanh nhân vật chính sẽ bỗng dưng tỏ ra thông cảm, tốt bụng và thản nhiên chấp nhận cái kết có hậu cho nhân vật chính sau khi anh ta đã gây ra đủ mọi lỗi lầm, làm tổn thương vô khối người mà anh ta không phải trả giá bất cứ điều gì.


Điều này làm tôi nhớ đến một bộ phim Hàn Quốc tôi xem. Sau tất cả những hiểu nhầm, những tổn thương và bất công mà một nhân vật chính gây ra cho những người xung quanh, bỗng dưng một ngày kia anh ta được cảm hóa vì đứa con mà trước đó mình đã ruồng bỏ. Thế là anh ta quay lại, xin lỗi một vài câu, hứa hẹn một vài câu, rồi mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Tất cả mọi người chấp nhận anh ta, kể cả những người trước đây đã điêu đứng vì anh ta hoặc sợ hãi anh ta.


Những người bình thường không dễ cảm thông đến thế, không dễ tha thứ đến thế. Một niềm tin đã mất không dễ được khôi phục đến thế. Một sự hạ cánh từ đỉnh điểm như trên chỉ gây ra một cảm giác “không công bằng chút nào” rất khó chịu. Những quan hệ phức tạp được giải quyết một cách quá dễ dàng, khiến cho người ta cảm thấy chúng hầu như không được giải quyết, và kết quả là nó để lại cho người đọc một cảm giác không thỏa mãn ngay cả sau khi câu chuyện đã kết thúcl.


Còn một điền nữa có hơi liên quan. Nếu bạn định để phần đỉnh điểm này là nơi sẽ để lộ ra một bí mật nào đó đã được che dấu suốt truyện thì nên tránh sử dụng những bí mật mà người ta đã khai thác quá nhiều đến nỗi nhàm. Đối với fanfic chẳng hạn, nếu bí mật bạn định để lộ ở đỉnh điểm đó là: "Tôi là một homo”, thì có thể nói bạn đã đánh mất đỉnh điểm. Cách đây khoảng hai ba chục năm, điều này có lẽ sẽ gây shock. Còn bây giờ thì không. Nhất là với fanfiction lại càng không.


Kết thúc.


Kết thúc là nơi mọi thứ được giải quyết triệt để. Mọi chỗ trống được lấp đầy. Mọi trái tim tan vỡ được hàn gắn hoặc bị đập cho vỡ nát hẳn luôn. Đây là nơi người viết cho độc giả biết chuyện gì xảy ra sau khi đỉnh điểm qua đi.


Trong ví dụ trên, đây là lúc Gon và Killua ở bên nhau một cách vui vẻ và thanh bình, hoặc Killua đau đớn đến tột cùng trước sự mất mát.


Ở kết thúc, bạn có thể cho ngay kết thúc bẳng đỉnh điểm nếu khéo léo để gây ấn tượng mạnh về cảm xúc. Nó thường được dùng cho Heavy Angst, Horror và Tragedy, nhưng lại không hợp với Romance.

(Heavy Angst: Ngược nặng

Horror: Kinh dị
Tragedy: Bi kịch

Romance: Lãng mạn, hường phấn)


Cũng như ở đỉnh điểm, đừng biến kết thúc truyện thành một kiểu phủ nhận chính cái cốt truyện dài và tốn nhiều công sức của bạn.


'Tất cả chỉ là một giấc mơ.'


Đó có thể là một công cụ tốt để kết thúc một truyện ngắn, một truyện Horror hoặc Humor. Nhưng để kết thúc cho một câu truyện dài và các thể loại khác thì nó rất dễ gây phản cảm. Đừng làm cho người đọc phải bị hẫng. "Mình mất công đọc cái này để làm gì?".


Và đối với những truyện viết trên mạng, nếu kết thúc của plot trùng với kết thúc của truyện, việc thêm chữ “Owari” hay “The End” hay “Kết thúc” là khá quan trọng, nhất là đối với những truyện nhiều chương. Đã không ít lần tôi vớ phải một truyện, cứ ngỡ là nó đã kết thúc, ai dè mấy tháng sau lên lại đã lại thấy nó thêm mấy chương nữa. Và cũng có lần đợi mãi không thấy thêm chương nào nữa thì tự dưng phát hiện truyện đã bị xếp vào khu “completed”. Cảm giác lúc đó: Bực muốn chết ^^


Những điều cần chú ý.


+ Tình tiết truyện của bạn cần phải hợp lý và có thể hiểu được. Nếu nhân vật xuất hiện ở một nơi nào đó lạ lùng, thì họ đến đó bằng cách nào? Nếu đột nhiên trong truyện hai nhân vật hôn nhau, thì quan hệ của họ ra sao, thân mật tới mức nào? Khi một sự kiện chính trong truyện xảy ra, nếu nhân vật của bạn phản ứng khác với một người bình thường sẽ phản ứng, thì tại sao lại như vậy?


+ Hãy luôn tôn trọng nguyên lý nguyên nhân và hệ quả. Khi một nhân vật thực hiện một hành động A, thì cũng có nghĩa là một sự kiện B sẽ diễn ra như là hệ quả của hành động A. Nếu B không xuất hiện, thì bạn phải đưa ra được lý do hợp lý. Điều này là cần thiết để các cảnh trong truyện có thể nối tiếp nhau một cách logic.


+ Một câu chuyện có thể có 1 hay nhiều hơn 1 tình tiết, có thể rất ngắn hoặc rất dài. Đừng ép tình tiết của mình phải diễn ra thành càng nhiều chữ càng tốt. Một truỵện dài chưa chắc là một truyện hay, và một truyện ít hơn 1000 chữ có thể là một truyện ngắn rất đặc sắc.


+ Mỗi một câu chuyện cần có một plot chính mà những tình tiết nhỏ hơn sẽ nằm ở trong đó. Ví dụ như Harry Potter, trong Harry Potter bạn có thể phát hiện ra hàng đống tình tiết nhỏ, nhưng tình tiết chính của nó vẫn là: Một đứa trẻ mà trước kia đã làm Voldermort thất thế khi chỉ là một đứa bé sơ sinh giờ quay lại thế giới pháp thuật và cùng với bạn bè mình tại đó chống lại Voldermort. Plot chính này gần giống như chủ đề của truyện. Thiếu nó, truyện sẽ chỉ là những cảnh, những sự kiện rời rạc chắp nối lại nhau.


Để chắc chắn truyện của mình không thiếu plot chính, hãy viết toàn bộ truyện thành 2 – 4 câu. Như vậy, bạn sẽ phát hiện đựơc liệu fic của bạn có thiếu đi plot chính hay không.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#12
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 6:



BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC

Bắt đầu fic:


Hãy nghĩ ra một cái tên thật sự hấp dẫn, một cái tên sẽ khiến người đọc phải ghi nhớ. Trong các trường hợp mà người đọc đọc quá nhiều fic, họ sẽ rất khó nhớ được tên fic của bạn giữa rất nhiều các fic khác. Vì vậy, hãy thử nghĩ ra những cái tên sẽ gây được ấn tượng ở người đọc. Tôi đã từng gặp nhiều những cái tên như vậy, có những fic mà tuy tôi chưa từng đọc qua nhưng tới giờ tôi vẫn nhớ tên vì tên chúng quá đặc biệt như “For the earth is hollow and I’ve touch the sky”, “I’m not in denial”, “Never no answer” v.v…


Hãy nghĩ ra những cái tên chương hấp dẫn. Điều này sẽ hay hơn rất nhiều là bạn chỉ để “Chương 1”, “Chương 2” v.v… Tuy bạn hiểu rất rõ từng chương của bạn có những gì, nhưng người đọc sẽ rất khó nhớ xem mình đã đọc cái gì ở chương trước chương bạn vừa update khi mà họ đọc quá nhiều fic. Khi họ quay lại fic của bạn sau một thời gian dài, họ cũng sẽ có thể băn khoăn mình đã đọc đến chương nào rồi. Đặt tên cho fic sẽ giúp người đọc đọc được dễ dàng hơn và đến được fic mình cần dễ dàng hơn.


Nếu bạn quan sát nhiều fic bạn có thể phát hiện một điều: Nhiều người viết đã chọn một cách đặt tên chương rất hay là tất cả các tên chương đều theo một quy luật nhất định.


Cũng về vấn đề tên chương, bạn có thể phá vỡ tính bất ngờ và kịch tính của mình chỉ vì cái tên chương đã vui vẻ đi vào vùng đất của “Spoiler”. Đừng bao giờ đặt tên cho chương quá thể hiện rõ rệt nội dung của chương. Nếu bạn đang viết fic về một ai đó, như Hiei chẳng hạn, và bạn đặt tên chương 10 là “Cái chết của Hiei” thì nhiều độc giả sẽ bỏ fic mà đi sau khi lướt mắt tới tên chương đó, dù đã đọc đến chương 4, chương 5.


Đôi khi bạn thường viết một lời giới thiệu ngắn trước fic để thu hút người đọc. Điều này có thể trở thành rất quan trọng khi bạn post truyện lên những nơi chứa nhiều fic. Nó giúp người đọc có được một cái nhìn về truyện đó và quyết định liệu mình có muốn đọc nó hay không. Bạn biết là fic của bạn hay, nhưng người đọc thì không, và có những người một ngày chỉ có thể dành ra một ít thời gian để đọc fic. Rất nhiều người tôi biết, trong đó có tôi, thường bỏ qua những fic khi nó không có lời giới thiệu. Trong lời giới thiệu, đừng làm lộ kết thúc của truyện. Hãy để câu chuyện của bạn có một chút gì bí ẩn để hấp dẫn người đọc. Thường thì khi gặp một câu chuyện để lộ kết cục ngay từ đầu, người đọc sẽ bỏ qua. Bạn cũng nên hạn chế dùng những từ như "rất bí ẩn", "kỳ lạ" ở trong lời giới thiệu một cách tối đa trừ phi nó vô cùng cần thiết, nó làm cho người đọc cảm thấy truyện của bạn thiếu sáng tạo và đang đi theo một mô típ quen thuộc.


Ngoài ra, trong phần giới thiệu này, nên hạn chế tối đa thể hiện thái độ thiếu tự tin vào mình. Khi đọc fic trên mạng, tôi gặp rất nhiều lời giới thiệu mà trong đó có những câu như “Tôi biết nó chưa được hoàn thiện nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ với các bạn.”, “Đây là fic đầu tay của tôi nên không tránh khỏi thiếu sót”, “Nó rất tệ, nhưng….” V.v… Những câu đại loại như vậy sẽ khiến độc giả quay lưng đi một cách hữu hiệu nhất, bởi nếu ngay cả chính tác giả cũng không thích fic của mình thì độc giả làm sao mà thích đựơc?


Đừng viết những câu thể hiện sự thiếu quan tâm của mình tới fic, như “Fic này chưa kịp trình bày, nhưng tôi đang vội, nên đành để sau vậy”, hoặc “Tôi viết nó lúc 3 giờ sáng, và tôi buồn ngủ muốn chết. Nên có lẽ fic đọc hơi lung tung.” Nếu thực sự bạn bận hoặc không thể chăm chút cho fic ngay lúc bạn post thì hãy dời việc post lại và chỉnh sửa lại fic khi bạn đã có thời gian. Hoặc nếu không ít nhất cũng đừng nói điều đó ra.


Kết thúc của từng chương


Kết thúc của từng chương rất quan trọng, nó là thứ giữ cho người đọc vẫn muốn theo dõi fic của bạn. Chẳng có quy luật nào nhắc tới việc bạn cần phải kết thúc chapter ở đâu, bạn chỉ có thể biết được điều này dựa vào cảm tính cà kinh nghiệm. Tuy nhiên cũng có một lời khuyên là hãy cố kết ở phần có thể tạo ra sự tò mò và chờ đợi. Vấn đề này đối với những tác phẩm dài trên mạng đặc biệt quan trọng. Không giống như một quyển sách, người ta đã mua nó rồi thì dù đọc dang dở nó vẫn ở đó, và người ta vẫn có lúc sẽ nhìn thấy nó. Một tác phẩm trên mạng dễ mất hút trong hàng đống tác phẩm khác, và thế giới rộng lớn của net dễ khiến người ta quên mất mình đã tìm nó ở đâu. Nếu bạn không đảm bảo được tính hấp dẫn của câu chuyện nhất là ở phần kết mỗi chương thì bạn rất dễ để mất độc giả của mình.


Một chuyện kinh khủng vừa xảy ra. Một nhân vật thường không làm điều này, rồi chợt bất ngờ anh ta làm điều đó. Một người đã mất tích từ lâu bỗng dưng quay trở lại. Hướng giải quyết đã gần kề, chỉ còn một chút nữa thôi. Và rồi chapter kết thúc. Những kết thúc chương kiểu này đặt người đọc trước một câu hỏi ‘cái gì sẽ xảy ra tiếp đó’? Nếu tình huống đủ hấp dẫn thì câu hỏi này sẽ khiến người đọc phải chờ đợi những chương tiếp theo.


Tuy nhiên quá nhiều cái kết gay cấn sẽ làm khó chịu độc giả. Nếu chương nào cũng có một cái kết gay cấn thì điều tất yếu là mạch truyện sẽ có cảm giác đứt quãng. Nếu bạn đã có một hai đoạn kết căng thẳng, và đã thu hút được sự chú ý của người đọc thì đừng ngại chen vào những đoạn kết bình lặng. Những đoạn kết bình lặng sẽ làm điểm nhấn cho những đoạn căng thẳng sau đó, và cũng góp phần làm mạch truyện mượt mà đi.


Điều chú ý là một cái kết thúc chương hấp dẫn chỉ là liều thuốc bổ giúp truyện khỏe mạnh hơn chứ nó không thể là liều thuốc chữa bệnh. Một fic với nội dung không hấp dẫn và một cách thể hiện nhàm chán dù người viết có thêm vào bao nhiêu cái kết gay cấn thì fic đó vẫn dở. Vì vậy hãy đọc nhiều để thấy những tác phẩm hay kết thúc chương như thế nào và rút ra kinh nghiệm, còn khi viết fic của riêng mình thì hãy để kinh nghiệm đó quyết định kết thúc một cách tự nhiên.


Kết thúc truyện


Kết thúc truyện cần đáp ứng được điều mà truyện hứa hẹn. Nếu bạn đặt câu chuyện của mình là Romance, thì đừng cho nó có một cái kết bi thảm, đừng giết, đừng chia rẽ nhân vật ở đoạn cuối. Bạn có thể bảo đó là câu chuyện của bạn, và bạn muốn làm gì nó cũng được, bạn viết trước tiên là cho mình đã. Dĩ nhiên đó là quyền của bạn, nhưng nếu thế thì đừng đặt truyện vào khu Romance. Một cái kết bi thảm làm cho độc giả khó chịu khi mà họ đã trông chờ vào cái kết hạnh phúc mà từ ‘Romance’ hứa hẹn. Cái kết cũng phải giải quyết những vấn đề và xung đột được nêu ra trong fic. Đừng hứa hẹn một thứ rồi lại đem cho người đọc những thứ khác hẳn. Một điều kỳ diệu, một nhân vật cứu cánh đột nhiên xuất hiện cứu nhân vật chính ở đoạn kết có thể làm hỏng cả câu chuyện vì cái mà độc giả muốn thấy là nhân vật chính, cuộc hành trình anh ta đang đi và những nỗ lực của chính anh ta để giải quyết những trở ngại trên đường.


Ở đoạn kết, những xung đột cần phải được giải quyết một cách hợp lý. Trừ loại kết thúc ‘Never Ending Dream’ ra, không nên đưa một xung đột mới để gây bất ngờ cho kết thúc. Hầu hết các trường hợp nó gây khó chịu hơn là bất ngờ. Nếu có xung đột thực thì nó nên được nhắc tới từ trước đó. Lảng tránh giải quyết xung đột cũng là một lỗi ‘chí tử’. Đừng tìm con đường dễ dàng để đi. Một cô gái con một sau bao nhiêu khó khăn và trở ngại đã quyết định lựa chọn người yêu hơn là cha mẹ mà cô gái đó vô cùng yêu quý. Rồi sau đó không với một chút dằn vặt nào trong lòng, ‘cô gái lên thuyền cùng người bạn đời đi về phía mặt trời, và rồi họ sống hạnh phúc cùng nhau mãi mãi’. Một cái kết như thế sẽ có thể tạo cảm giác không thỏa mãn trong lòng người đọc vì mâu thuẫn không được giải quyết một cách triệt để và cảm xúc của nhân vật rất không thât.


Một cái kết thành công cũng cần phải truyền đạt được cảm xúc. Người viết phải làm sao để người đọc cảm thấy những gì mà nhân vật cảm thấy. Dù mâu thuẫn được giải quyết, nhưng nếu nhân vật như những khúc gỗ vô cảm trong đoạn kết thì người đọc khó mà cảm thấy hài lòng với cách giải quyết mâu thuẫn.


Cái kết phải hợp lý và phù hợp với toàn bộ câu chuyện. Mức độ kịch tính của đoạn kết cần phù hợp với mức độ kịch tính của toàn bộ truyện. Một đoạn kết quá kịch tính trong một câu chuyện nhẹ nhàng làm đoạn kết đó trở nên giả tạo, và một đoạn kết bình lặng trong một câu chuyện kịch tính làm hỏng toàn bộ chất kịch tính của câu chuyện đó. Độ dài của đoạn kết phải phù hợp với độ dài của chuyện. Một câu chuyện dài 5 trang mà đoạn kết đã chiếm 3 trang thì câu chuyện đó khó có thể tạo cảm giác như một thực thể đầy đủ và thuần nhất. Một câu chuyện dài 20 trang mà cái kết chỉ trong một hai khổ thì đoạn kết đó không tạo được cảm giác quan trọng.


Cuối cùng, sau khi giải quyết kịch tính, ở những câu chuyện dài bạn cần cho người đọc biết thông tin về những gì sẽ xảy ra cho các nhân vật trong tương lai. Tuy nhiên những thông tin này cần được đưa ra chỉ ở mức độ vừa đủ, nếu quá nhiều thì nó sẽ làm giảm hiệu quả của đoạn giải quyết kịch tính. Nó cũng không nên được miêu tả nhiều bằng hành động và tình tiết, vì như vậy nó sẽ dễ lẫn với đoạn giải quyết kịch tính.


Tránh kết thúc bằng những kiểu kết thúc đã quá quen thuộc và đi vào lối mòn. Lấy ví dụ như kết thúc bằng một giấc mơ.


“Tất cả chỉ là một giấc mơ.”


Một số câu chuyện sử dụng giấc mơ như là một cách để kết thúc nó. Đây có thể là một cách hay, nhưng bạn cần nhận ra khi nào thì không nên sử dụng nó. Một giấc mơ kết thúc có thể đem lại sự thú vị cho người đọc, nhưng cũng có thể khiến người đọc cảm thấy hẫng, thấy lãng với kiểu kết thúc này. Một POV fic hoàn toàn không phù hợp với giấc mơ kết thúc, vì thường cốt truyện không đủ để tạo nên tính bất ngờ cho kết thúc kiểu này. Một fic dài như một tiểu thuyết ít khi hợp với giấc mơ kết thúc. Không gì tệ hơn là việc bạn trăn trở, hồi hộp, lo lắng đi cùng với nhân vật trong một chặng đường dài để rồi nhận ra tất cả đều là ảo mộng, và những gì đạt được đều không có thật.


Trong trường hợp bạn sử dụng giấc mơ kết thúc thì có một thủ thuật để tránh đi vào lối mòn là không bao giờ sử dụng từ ‘giấc mơ’. Hãy tìm ra những cách sáng tạo hơn.


“Người mẹ đi vào phòng. Bà kéo chăn đắp cho con và hài lòng khi thấy cô bé đang ôm con gấu bông, một nụ cười làm tươi tắn gương mặt đang say ngủ.


“Cô bật dậy, mồ hôi ướt đẫm trán. Xung quanh căn phòng vẫn tối đen câm lặng.”


Những miêu tả như vậy sẽ giúp kết thúc bằng giấc mơ linh động hơn, và không bị đi vào lối mòn.


Khổ cuối cùng, hoặc câu cuối cùng của truyện rất quan trọng. Làm thế nào để viết đoạn này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bạn, sau đây chỉ là một số kiểu kết mà Kal đã thấy. Khổ kết có thể được dùng để khơi lại một lần cuối cùng chủ đề hoặc cảm xúc chủ đạo của toàn bộ truyện. Đây là lý do vì sao rất nhiều truyện lãng mạn kết thúc bằng một đám cuới hoặc nụ hôn. Nó cũng có thể được dùng để giải thích hoặc nhắc lại tên của truyện. Một cách khác là dùng khổ hoặc câu cuối cùng để phản chiếu lại câu hoặc khổ đầu tiên và đưa vào đó những thay đổi mà câu chuyện đã mang lại. Khổ kết cũng có thể được thể hiện đối lập với cảm xúc chủ đạo để mở ra hy vọng trong những câu chuyện angst không có cái kết hạnh phúc. Trong những truyện bao gồm nhiều truyện nhỏ như Ranma hoặc TTKG thì khổ kết có thể được dùng để nói lên rằng dù truyện đã kết thúc, nhưng cuộc sống của các nhân vật vẫn sẽ tiếp tục như vậy.


Dù thế nào thì cũng hãy nhớ rằng: ‘Điểm bắt đầu fic là nơi sẽ quyết định độc giả có đọc fic hay không, và điểm kết thúc fic là nơi sẽ quyết định độc giả có đọc fic tiếp theo của bạ hay không.’ ^_^
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#13
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 7:



XÂY DỰNG NHÂN VẬT (1) – VẺ NGOÀI CỦA NHÂN VẬT
Những đìều đáng miêu tả


Bạn đang viết fanfic? Vậy bạn cần nhớ là người đọc đã biết rõ về hình dáng nhân vật của bạn viết, vì vậy bạn không cần phải dành cả khổ để miêu tả lại điều hiển nhiên mà cả bạn và người đọc của bạn đều đã rõ. Hãy chỉ viết những điều bất ngờ. Hãy chỉ miêu tả màu tóc của Kurama nếu mái tóc đó đã trở nên hoa râm, hoặc Kurama đã nhuộm tóc, chứ chẳng mấy ai không biết rằng tóc Kurama màu đỏ, kể cả những người chỉ đọc truyện tranh đen trắng! Cũng như vậy hãy chỉ miêu tả sâu một nhân vật nguyên bản nếu nhân vật đó có điểm gì đáng chú ý, chứ cả nửa trang chỉ để miêu tả một người mặc áo đồng phục đen trắng, với tóc đen dài và đeo kính tròn thì sẽ tạo cảm giác buồn chán ngay.


‘Hiei bước vào phòng. Đó là một yêu quái lửa cỡ người không cao lắm, mặc một chiếc áo choàng đen với cái kiếm dài đeo ngang hông. Một dải băng trán che con mắt thứ ba dưới những lọn tóc đen trắng lẫn lộn.

(‘Diệp Tu bước vào, trông hắn như đã thức thắng suốt đêm vậy. Tóc lòa xòa không chải, râu ria lởm chởm không cạo, mặt thì đã có dấu hiệu phù lên, quả thật bê tha hết sức!’)


Đoạn văn trên hoàn toàn không cần thiết vì người đọc đã có khái niệm Hiei (Diệp Tu) trông như thế nào, và một đoạn miêu tả những điều không mới mẻ sẽ chỉ đem lại cảm giác tẻ nhạt. Hãy chỉ giữ lại một đoạn văn miêu tả hình dáng nhân vật nếu như nó đem lại điều gì đó khác thường.


‘Hiei bước ra ngoài phố. Bộ quần áo con người quá khổ khiến cậu phải xắn gấu áo và quần lên, tuy vậy trông vẫn luộm thuộm. Những màu sắc trắng và xanh biển đối lập hoàn tòan với màu đen bình thường. Thanh kiếm không còn đeo bên hông nữa, có lẽ vì vậy mà vẻ đe dọa và khó gần thường ngày biến mất. Nếu không vì giải băng che chán và mái tóc hai màu thì cậu trông hoàn toàn giống một cậu bé loài người. Nhất là khi những tia nhìn dữ dội trong mắt cậu đã nhường chỗ cho một thoáng dịu dàng.’

‘Diệp Tu đã chờ sẵn ở bên ngoài. Khác với mọi ngày, hôm nay hắn ăn mặc chỉnh tề đến đáng ngạc nhiên. Áo sơ mi cài nút cổ cẩn thận, còn đeo cả cà vạt, dù những giọt mồ hôi trên mặt cũng đủ để mọi người biết hắn đang đau khổ cỡ nào. Đó là còn chưa kể đã mấy mươi phút rồi mà Diệp Tu chưa động đến một điếu thuốc nào. Không chỉ không hút, đến một tẹo hơi thuốc lá trên người hắn cũng không còn.’


Đoạn miêu tả trên cho ta biết những điều khác thường trong diện mạo của Hiei (Diệp Tu), nó trở thành một phần không thể thiếu được của câu chuyện và giúp người đọc hình dung được câu chuyện.


Tuy vậy, dù là fanfic hay truyện nguyên bản thì một đoạn miêu tả dù hay thế nào cũng dễ trở nên nhàm chán hoặc bị người đọc bỏ qua nếu nó chỉ thuần là miêu tả. Để một đoạn miêu tả trở nên hấp dẫn, nó cần phải được xen vào bởi hành động, cảm xúc hoặc giải thích. Hình ảnh rất cần thiết, nhưng nó chỉ đáng giá khi mà chúng ta chọn những hình ảnh sẽ là điểm nhấn cho tình tiết, tạo không khí truyện hoặc góp phần xây dựng tính cách nhân vật. Cũng đoạn văn trên có thể viết như sau:


‘Hiei buớc ra ngoài phố, cáu kỉnh nhìn ống tay áo kiểu con người dài luộm thuộm mà Kurama bắt cậu mặc. Dù đã xắn cả gấu quần gấu áo lên nhưng chúng vẫn vướng víu kinh khủng. Giả sử có kẻ nào tấn công cậu lúc này thì cậu không biết phải xoay sở thế nào nữa. Hiei liếc xuống người và nhăn mặt, màu trắng và xanh nổi bật sẽ chẳng giúp cậu ẩn mình được trong đêm. Có tiếng động sau lưng, cậu giật mình đưa tay lên đốc kiếm, rồi ngớ người ra và rủa thầm con cáo ngu ngốc đã nhất quyết bắt cậu phải bỏ kiếm lại nhà. Yêu khí tăng nhẹ, cậu quay ngoắt lại, nhưng đó chỉ là Kurama và Yukina. Yukina mỉm cười, và bao nhiêu tia nhìn dữ dội trong mắt cậu đều tan biến, thay vào đó là một thoáng dịu dàng.

Ở đằng sau, Kurama cười nhẹ. Ngay cả với giải băng che chán và mái tóc hai màu trông Hiei lúc này vẫn giống một cậu bé con người đến lạ lùng. Không may, Hiei phát hiện ra nụ cười đó và lừ mắt nhìn yêu cáo, hứa hẹn một cái chết chậm chạp và đau đớn.’

‘Diệp Tu nhíu mày, định đưa tay lên kéo chiếc cà vạt xuống nhưng rồi lại dừng lại giữa. Hắn nhớ lại vẻ mặt của Tô Mộc Tranh sáng nay khi tròng lên người hắn bộ đồ tắc thở này sau khi giam hắn trong phòng tắm nửa tiếng đồng hồ có lẻ. Dám chắc cô nàng sẽ lên lịch cắt thuốc cả tháng của hắn nếu cái cà vạt này rời khỏi vị trí của nó chừng một mili.

Diệp Tu thở dài, cúi xuống nhìn đồng hồ. Đã nửa tiếng rồi mà Tô Mộc Tranh vẫn còn ríu rít trong kia. Hắn theo thói quen đưa tay vào túi quần rồi nhận ra điếu thuốc cuối cùng vừa bị chị chủ trưng thu sáng nay. Không nhớ đến thì thôi, nhớ đến rồi cơn thèm thuốc của Diệp Tu lại bắt đầu trỗi dậy.’


Cũng là những miêu tả như trên, nhưng ở đây có thêm hành động và lời kể. Đoạn miêu tả này đã bắt đầu khắc họa tính cách của Hiei như ghét đồ con người và luôn luôn cảnh giác, đồng thời cũng cho phép một cái nhìn thoáng qua về mối quan hệ giữa Hiei và Kurama, Yukina./khắc họa một vài đặc điểm nhất định của Diệp Tu như sự nghiện thuốc hay thái độ thường ngày khá là suồng sã không để tâm đến ăn mặc, đồng thời cũng đề cập đến mối quan hệ thân thiết hơn người khác giữa Diệp Tu và Mộc Tranh.


Bạn cũng có thể miêu tả nhân vật hoàn toàn dưới góc nhìn của một nhân vật khác, thậm chí không phải bằng lời kể. Miêu tả bằng cách này tránh nhàm chán, mà lại thể hiện được cả góc nhìn của nhân vật thứ hai. Đây cũng là một cách miêu tả nhân vật rất tốt.


‘Kurama bật cười. “Tớ khó khăn lắm mới bắt cậu ấy mặc quần áo con người đấy! Trời ạ, lúc đó cậu ấy trông đến là tội nghiệp, cứ nhìn mấy cái ống tay áo luộm thuộm mãi như thể chúng là quái vật vậy. Ừ thì tớ chọn không kỹ, nhưng mà tớ thích bộ quần áo xah trắng ấy mà chúng lại không có cỡ nhỏ vừa với người Hiei. Nó làm Hiei trông giống hệt một cậu bé con người.”

“Hẳn nào mà hôm nay Hiei cứ nhìn cậu như muốn ăn tươi nuốt sống vậy!” Yuusuke nhận xét.

“Không phải là vì bộ quần áo đâu, mà vì tớ bắt cậu ấy vứt kiếm lại nhà.”’

‘Chị Mộc Tranh’ Kiều Nhất Phàm hơi nhoài người ra ngoài cửa sổ. “Anh Diệp Tu…”

Mộc Tranh nhoài người nhìn theo, khéo miệng cong lên. “À, là chị nài nỉ mãi ảnh mới mặc đó. Em không biết đâu, có mỗi cái cà vạt mà ảnh làm như sắp bị đem lên treo cổ vậy.”

Trần Quả cũng hóng hớt ngó vô. “Trời ơi, nhìn nó mà chị mém không nhận ra luôn. Mồ hôi lấm tấm luôn kìa, tội nó. Biết vậy không thu thuốc thằng bé.”

Kiều Nhất Phàm nhìn hai chị đại bên cạnh mình cứ chị một câu em một câu, lặng lẽ lùi ra sau, thắp một nén hương cho Diệp đại thần.’


Miêu tả những điều đáng miêu tả còn là tránh những hình ảnh ‘xưa như trái đất’. Chúng chỉ hữu dụng trong hòan cảnh duy nhất đó là miêu tả những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua, còn nói chung chúng gây bực bội hơn là làm cho người ta cảm thấy thú vị.


Hình ảnh so sánh trong miêu tả.


Hình ảnh so sánh rất hay được dùng trong miêu tả nhân vật. Hình ảnh so sánh giúp người đọc hình dung rõ nhất hình dáng nhân vật, nhưng hãy cẩn thận với những hình ảnh so sánh.

Sự không chính xác trong hình ảnh so sánh là điều cần tránh nhất. Người viết có thể quá lậm một hình ảnh và dùng hình ảnh ấy để miêu tả nhân vật mà không để ý rằng nó đối lập với một miêu tả trước đó. Một đôi mắt màu tím không thể rực lửa dù có phản chiếu ánh hoàng hôn màu máu. Một mái tóc chỉ dài tới ngang vai thì không thể mượt mà như một dòng sông êm đềm.


Quá lạm dùng hình ảnh so sánh là lỗi tiếp theo. Nếu là nói cùng về một vấn đề thì rất dễ làm loãng hiệu quả của từng hình ảnh so sánh. Bạn có thể nghĩ ra rất nhiều sắc xanh tuyệt đẹp cho mắt Kurama: màu xanh trong veo, màu xanh ngọc, màu xanh mượt mà v.v... nhưng nếu bạn dùng quá nhiều màu xanh miêu tả mắt Kurama trong cùng một truyện thì hoặc là người đọc sẽ thấy Kurama có quá nhiều mắt hoặc những sắc xanh ấy pha trộn với nhau và trở thành một sắc xanh bình thường. Nếu là những hình ảnh khác nhau... well, nếu trong cùng một đoạn miêu tả sắc đẹp của một cô gái mà toàn bộ câu nào cũng là hình ảnh so sánh thì người ta sẽ sớm thấy cô gái đó đúng là một kỳ quan di động!


Sự cụ thể trong hình ảnh miêu tả sẽ thu hẹp phạm vi những tưởng tượng của người đọc về gần với hình ảnh mà ta muốn thể hiện nhất.


‘Cô ấy có ánh mắt của một con chim hoang dã.’ ‘Kay. Đó là một so sánh đắt giá. Nhưng con chim hoang dã đó là con chim nào? Đại bàng hay cú, hay chim lợn?


‘Anh sấn tới, hung dữ như một con thú dại.’ Um... Thế con thú dại đó là sư tử, là cáo hay là lợn lòi?


Hẳn bạn cũng thấy cùng là một loại chung về hình ảnh so sánh, nhưng ánh mắt giống đại bàng thì hoàn toàn khác với ánh mắt giống cú. Và vẻ hung dữ của sư tử sẽ tạo ấn tượng chẳng giống gì với vẻ hung dữ của cáo hoặc lợn lòi.


Cuối cùng, một hình ảnh so sánh hay đắt giá hơn nhiều lần là một khổ miêu tả. Độ dài không tỷ lệ thuận với độ hay trong miêu tả. Hẳn chúng ta vẫn nhớ câu thơ: ‘Lá rơi rất khẽ như là rơi nghiêng’?


Sự chính xác


Trong khi viết, bạn cần nhớ những miêu tả về hình dáng nhân vật của mình. Thật là tệ hại nếu nhân vật được miêu tả là tóc ngắn mà sau đó chục trang nhân vật lại đang chải mái tóc dài mượt mà của mình. Sự chính xác về hình dáng rất cần thiết, những thay đổi nhỏ về quần áo, trang phục không cần thiết phải nhắc tới trừ phi quãng thời gian giữa một miêu tả và thay đổi không đủ để thay đổi xảy ra. Thay đổi lớn về diện mạo cần được nhắc tới và giải thích hợp lý.


Sự chính xác trong fanfic không chỉ nằm ở đó.


Hãy chú ý đến sự khác biệt về cỡ người và tuổi tác của nhân vật. Kurama cao hơn Yusuke, và bạn không thể lầm lẫn điều đó chỉ vì trong fic của bạn Yusuke là seme. Tuy vậy, nếu Kurama đứng ôm Yusuke từ đằng sau thì Kurama chắc chắn không thể dựa cằm lên đầu Yusuke. 7 cm khác biệt về chiều cao là quá ít để cho phép điều đó xảy ra. Cùng trong tình huống đó, Youko Kurama cao hơn Hiei chắc chắn nhiều hơn Kurama cao hơn Yusuke, nhưng Youko Kurama cũng không thể dựa cằm lên đầu Hiei, bởi 66 cm khác biệt về chiều cao là quá nhiều để điều đó có thể xảy ra.

Để cho các bạn TCCT dễ hiểu, mình xin lấy Song Hoa làm ví dụ. Tôn Triết Bình cao 1m83, Trương Giai Lạc cao 1m78, chênh nhau chừng 5cm, không sai khác với ví dụ này lắm. Và vâng, với cặp đôi này thì khi Tôn Triết Bình ôm Trương Giai Lạc từ đằng sau sẽ không thể tựa cằm lên đầu Trương Giai Lạc được.


Đừng để những ấn tượng thoáng qua làm bạn lầm lẫn. Trong HunterxHunter, Gon và Killua đều rất thấp phải không? Nhưng nếu bạn nghĩ họ là trẻ con và họ cao đến khoảng thắt lưng những người bình thường thì hãy coi chừng, bởi lúc đó những người bình thường của bạn sẽ đều cao khoảng 2 m rưỡi. Killua cao gần 1m 6 đấy ^^

Tương tự trong TCCT, dù như Cao Anh Kiệt được miêu tả là nhỏ bé nhưng cũng không thể tả là cao đến thắt lưng Điền Sâm – người cao nhất Liên Minh, hay vóc người chỉ bằng một nửa Hàn Văn Thanh được.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#14
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 8:



XÂY DỰNG NHÂN VẬT (2) – TÍNH CÁCH NHÂN VẬT


Điểm xuất phát


Tính cách nhân vật phải là điểm xuất phát chứ không phải sự kiện. Bạn cần coi một nhân vật là một thực thể với toàn bộ tính cách chứ không phải là chỉ một phần tính cách. Một lỗi cơ bản và thường gặp nhất là người viết đặt ra một sự kiện, sau đó phát triển tính cách nhân vật xung quanh sự kiện đó. Đúng là có những sự kiện sẽ ảnh hưởng lên tương lai và tính cách con người, nhưng không phải tương lai và tính cách con người hoàn toàn dựa trên một sự kiện. Trong một fic Hunter với cặp chính là Kuroro và Kurapika, sự kiện chính là Kuroro giết Kurapika, sau đó người viết để Kuroro đau khổ, điên loạn, ảo tưởng v.v... Ay. Kuroro có thể đau khổ, nhưng một người như Kuroro khi đã quyết định giết Kurapika thì hẳn đã phải giải quyết xong những xung đột trong lòng mình rồi. Vật vã, điên loạn, ảo tưởng, đó là những cách chạy chốn thực tại. Đau khổ có thể có nhiều cách, nhưng một người như Kuroro sẽ chọn con đường đối mặt với đau đớn hơn là chạy chốn nó.

Một ví dụ kinh điển cho các bạn chính là Khuynh Thành. Trong Khuynh Thành, Diệp Tu luôn tỏ ra đau buồn rõ rệt khi mọi người nhắc tới mối quan hệ giữa hắn và Gia Thế. Tác giả có vẻ đã làm vậy để thể hiện tình cảm quan tâm lẫn nhau giữa các nhân vật trong Liên minh, nhưng thực tế cô ấy đã mắc lỗi OOC nặng: Chiếu theo nguyên tác, Diệp Tu luôn giữ những cảm xúc về Gia Thế cho riêng mình và không thổ lộ với ai. Nếu bạn muốn miêu tả diễn biến nội tâm của Diệp Tu, điều đó nên xảy ra trong lòng hắn, hoặc nhiều nhất là với người hắn thân thiết nhất, một cách hàm súc nhất, bởi Diệp Tu không phải một người thể hiện cảm xúc quá nhiều ngoài mặt.


Cũng như vậy, một hình ảnh, một hành động thể hiện cho nhân vật phải lấy tính cách nhân vật làm điểm xuất phát chứ không phải xây dựng tính cách nhân vật dựa trên hình ảnh, hành động đó. Một cái kiếm đẫm máu có thể thể hiện sự khát máu của một chiến binh, nhưng không nên lạm dụng mà để cho chiến binh đó lúc nào cũng đem cái kiếm đẫm máu trên người. Bất cứ ai sử dụng vũ khí cũng sẽ lau chùi vũ khí của mình. Và với tính cách của một chiến binh anh ta sẽ máu trên cái kiếm. Well, một cái kiếm đẫm máu trông rất hay, nhưng máu sẽ làm cho kiếm rỉ. Và một cái kiếm rỉ thì trông chẳng hay chút nào.


Một hành động nhất định thường gây ra một ấn tượng nhất định trong đầu người viết, nhưng hãy tưởng tượng ra nhân vật làm hành động đó trong đầu mình trước khi viết. Áp dụng hành động lên nhân vật vì hành động như thế mới thể hiện được điều mình muốn nói sẽ đem đến những lỗ hổng trong chuyện.


‘Hisoka hai bàn tay xòe che kín mặt.’ Oh well, nếu là một bàn tay thì bạn sẽ được một hành động rất Hisoka, nhưng dù tôi có tưởng tượng hai bàn tay Hisoka che mặt kiểu gì, theo hướng nào thì cái kết quả mà tôi đạt được cũng khiến tôi nhăn mặt.

‘xuất hiện 1 người đàn ông đang ngồi quay lưng về phía màn hình, hai tay đan chéo nhau.’ Uh... Thời buổi này liệu có ai không mua nổi một cái ghế tựa để ngồi trước máy vi tính? Mà với cái tựa đó thì làm sao bạn nhìn thấy được hai tay đan chéo nhau, trừ phi ông ta ‘hai tay đan chéo nhau sau gáy’. Nhưng cái hành động đó lại hòan tòan không diễn tả được sự uy nghiêm của người đàn ông này. Nếu ông ta không ngồi trên ghế tựa và hơi ngồi hơi chếch với màn hình thì có thể ta sẽ thấy được hai tay, nhưng mất đi ấn tượng về sự thoái mái dựa vào cái tựa thì cũng mất đi ấn tượng về sự ung dung và vị thế ‘trên’.

‘Kanfu quất roi tới tấp vào người Illumi....Bốn quân bài từ đằng sau lao vút tới cắm ngập vào vai và ngực.’ Thở dài. Không biết tôi đã choáng bao nhiêu lần mỗi khi đọc lại những câu mình viết. Dù làm thế nào tôi cũng không hình dung được Hisoka ném quân bài theo kiểu boomerang, và nếu nhà ảo thuật có làm thế thật thì tôi cũng không thể hình dung được nó lại không văng vào người Illumi trước khi văng vào nạn nhân của anh ta.

Đối lập với lỗi sai về điểm xuất phát là lỗi cứng nhắc trong việc giữ đúng tính cách nhân vât. Một nhân vật luôn như thế này không có nghĩa là anh ta sẽ chỉ như thế này. Kurapika có thể lúc nào cũng giữ gương mặt cô độc và u sầu, nhưng khi ở bên cạnh bạn mình và nghĩ rằng Ryodan đã chết, cậu ta đã cười một nụ cười thực sự. Cứng nhắc trong xây dựng tính cách nhân vật cũng tệ như khi bạn tạo một nhân vật không khiếm khuyết.

(Lỗi cơ bản này cũng bị dính khá nhiều trong các đồng nhân TCCT, cơ bản có thể kể đến là Chu Trạch Khải. Chu Trạch Khải ít nói, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ nói từ 3 đến 4 từ.)


Động lực:


Động lực rất quan trọng trong việc hình thành tính cách nhân vật. Mỗi người khi theo đuổi một điều gì đó đều có lý do và mục đích của mình. Lý do, mục đích đó sẽ quyết định cách và sự nhiệt tình của người đó đối với công việc mà người đó theo đuổi. Đối với nhân vật cũng vậy, động lực không chỉ quyết định con đường mà nhân vật sẽ đi, động lực cũng quyết địch cách mà họ giải quyết những vật cản trên con đường đó.


Thường thì có các loại động lực chính sau: Tình yêu, thù hận, ăn năn, ganh đua, trách nhiệm, danh vọng, sống sót, lý tưởng, tham lam.


Cùng là một hoàn cảnh, nhưng động lực có thể rất khác nhau, và tất yếu sẽ dẫn tới những hướng truyện khác nhau.


Ariel là một cậu bé mù mồ côi cả cha lẫn mẹ và đang sống một mình. Cuộc sống rất khó khăn vì cậu chỉ biết chơi violon và khoản lợi tức hàng năm cha để lại quá ít ỏi. Một ngày kia, Vallay, một chàng trai từ nơi khác tới bắt gặp cậu, và quyết định sẽ giúp đỡ cuộc sống của cậu. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh việc này, vậy cái gì đã thúc đẩy Vallay đi vào cuộc sống của một người không quen biết?


Nếu đằng sau khoản lợi tức kia là một gia tài đồ sộ mà Ariel là người thừa kế hợp pháp chưa được tìm ra, và Vallay vô tình biết tới điều này thì anh ta có thể làm thân với Ariel vì số tiền kếch sù. Các hành động tốt đẹp của anh ta có thể là được sắp đặt để dành sự tin tưởng của Ariel.


Ariel không bị mù bẩm sinh mà do một tai nạn gây ra, và Vallay là người chịu trách nhiệm thì anh ta giờ đây đến bên cạnh Ariel vì muốn chuộc lại tội lỗi của mình. Cả câu chuyện có thể tràn đầy sự hối hận, và tiềm năng cho cái kết là sự tha thứ của Ariel.


Em gái của Vallay sắp chết, và anh ta biết chỉ có trái tim của Ariel là hợp với cô bé. Không khí truyện sẽ trở nên căng thẳng trong nỗ lực sống còn của Ariel chống lại Vallay.


Vallay có thể thích Ariel ngay từ cái nhìn đầu tiên, và khao khát muốn bảo vệ cậu bé ấy. Vậy thì câu chuyện sẽ là tràn ngập những sự dịu dàng và những nỗ lực muốn đưa Ariel trở lại xã hội.


Vallay có thể là một người yêu âm nhạc đến mức cuồng nhiệt. Anh ta có thể nhìn thấy tài năng mà anh ta không có ở Ariel và quyết tâm nuôi dưỡng tài năng ấy. Động lực ở đây là lý tưởng. Tuy nhiên sự giúp đỡ có thể nghiêng về mặt vật chất hơn là tình cảm.


Một nhân vật có thể có nhiều hơn một động lực để anh ta quyết định theo đuổi một công việc nào đó, nhưng nhất định anh ta phải có ít nhất một động lực. Không có động lực nào, cũng có nghĩa là sự buồn chán và trống rỗng cũng có thể khiến người ta làm một điều gì đó, nhưng những điều này rất giới hạn.


Ảnh hưởng nhiều nhất đến động lực là hy vọng và sự căng thẳng. Khi tình huống vô cùng cấp bách thì nhân vật sẽ có xu hướng đâm đầu vào vấn đề như có lửa cháy sau lưng. Khi một sự việc có thể đạt được trong tầm tay thì nhân vật sẽ có xu hướng vừa vội vã, vừa cẩn thận trong từng bước tiến.


Động lực của mỗi nhân vật nếu trải qua một khoảng thời gian dài cần được củng cố. Một nhân vật có thể đi tìm kiếm một báu vật với một mục tiêu cao cả là cứu dân tộc mình. Nhưng mười chương sau nhân vật vẫn chưa tìm thấy, nhân vật làm đủ mọi cách để đạt được vật đó trong hòan cảnh không có một lời văn, một suy nghĩ nào quay trở lại mục đích đó thì ấn tượng và cảm tình của người đọc về mục tiêu cao cả kia có thể mờ nhạt dần. Đó là chưa kể việc chuyển sang ác cảm với phương thức ‘không từ thủ đoạn nào’ của nhân vật. Cũng như vậy, dù nhân vật có vì đất nước thế nào thì nếu mười năm sau nhân vật vẫn chưa tìm được người đọc sẽ tự hỏi sau một thời gian dài như thế liệu cái dân tộc cần cứu có còn tồn tại hay không, và liệu cuộc tìm kiếm này có hơi vô lý.


Trong trường hợp này động lực của nhân vật cần được củng cố bằng hồi ức, suy nghĩ nội tâm hoặc thông tin bổ sung. Có thể là cho nhân vật nhận được tin báo tình hình ở quê nhà đang ngày càng trở nên cấp bách chẳng hạn.


Mục tiêu của nhân vật cần được phân biệt với mục tiêu của người viết. Bạn cần nhân vật làm một điều gì đó thì điều đó phải là do nhân vật cảm thấy cần phải làm chứ không phải do bạn cảm thấy nhân vật làm điều đó sẽ giúp phát triển mạch truyện. Giả sử bạn để A giết B, vậy lý do cho điều đó là gì? Bắt đầu câu chuyện với tình tiết đó một cách hiển nhiên và đi sâu vào tâm lý A ngay lập tức nghĩa là bạn đã để A làm một việc theo mục tiêu của bạn chứ không phải theo mục tiêu của mình.


Một ví dụ về sự nhầm lẫn giữa mục tiêu của tác giả và mục tiêu của nhân vật là truyện Detective Conan (Xin lỗi các fan của Conan). Mục tiêu của tác giả là Conan đã tìm ra được thủ phạm, và thủ phạm cần nhận lỗi và giải thích lý do phạm tội của mình. Nhưng mục tiêu của thủ phạm lại là che dấu hết mức có thể tội lỗi ấy. Trong truyện Detective Conan có rất nhiều vụ án khi mà Conan đưa ra một vài lý luận, một vài chứng cớ thì thủ phạm đã ‘hùng dũng’ đứng lên nhận tội ngay trước mặt mọi người. Nhưng trong thực tế, nhiều thủ phạm sẽ chọn cách giữ im lặng trong hòan cảnh đó, và cảnh sát sẽ chỉ còn tay anh ta mà nói ‘Anh có quyền giữ im lặng’, bởi vì nhiều trường hợp bằng chứng sờ sờ ra đấy một luật sư giỏi vẫn có thể gỡ cho bị cáo trắng án chỉ cần anh ta chưa nhận tội.

Động lực một chiều.


Đó là khi nhiều nhân vật đều tiến về một cái đích, và mục tiêu của họ đều đều tương tự như nhau. Điều này thường gặp trong những chuyện mà phe tốt cùng đồng tâm hợp lực để chống lại phe xấu.


Alpha căm hận đại ác ma vì hắn đã sát hại gia đình anh và tàn phá quê hương anh.


Beta căm hận đại ác ma vì hắn đã giết người bạn thân nhất của anh.


Delta căm hận đại ác ma vì hắn đã làm hại cả gia tộc cô, khiến cô phải trải qua một tuổi thơ bơ vơ đầu đường xó chợ.


Gamma căm hận đại ác ma vì hắn giữ cả làng anh làm nô lệ, và đã giết cha anh, người tộc trưởng.


Epsilon căm hận dại ác ma vì hắn giam hãm người yêu anh trong một khối băng, đưa nàng vào cảnh sống dở chết dở không thoát ra được.


Có thể cả năm người có những tính cách khác nhau, nhưng động lực của họ từa tựa như nhau, và như vậy hành động cụ thể có thể khác nhau nhưng tất cả sẽ có cùng chung một xu hướng giải quyết vấn đề. Sự đối lập và linh hoạt không nhiều. Để đem lại sự thú vị cũng như tính thực tế thì mỗi nhân vật cần có mục tiêu riêng của mình.


Alpha căm hận đại ác ma vì hắn đã sát hại gia đình anh và tàn phá quê hương anh. --> Anh muốn giết hắn càng đau đớn càng tốt, và toàn bộ những kẻ theo hắn cũng phải trả giá. Anh coi Gamma như một kẻ vô công rồi nghề vô dụng.


Beta ghét đại ác ma không phải vì anh có thù oán gì với hắn mà vì anh là một cha xứ, và một cha xứ có nghĩa vụ phải chống lại cái ác. --> Anh không hài lòng với cách Alpha chiến đấu. Anh muốn tiêu diệt gốc rễ của tội ác, nhưng anh muốn cho những kẻ theo hắn cơ hội để phục thiện.


Delta chống lại đại ác ma vì cô yêu Alpha, và cô sẽ chiến đấu vì anh. --> Delta có xu hướng đi theo để bảo vệ Alpha hơn là tìm cách giết đại ác ma. Cô ghét Epsilon vì Epsilon hay phản đối Alpha.


Gamma đi theo họ chỉ đơn giản vì anh ta là một người ham thích phiêu lưu và sự nguy hiểm. --> Anh ta có thể không để tâm vào cuộc chiến và có thể rời bỏ nhóm trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng nhất.


Epsilon theo đuổi cuộc chiến vì anh có những toan tính riêng muốn hấp thụ sức mạnh của đại ác ma. --> Anh ta không thích cách tấn công trực diện mà ưa đột nhập vào đại bản doanh của đại ác ma và tìm điểm yếu của hắn. Epsilon muốn loại trừ Gamma vì Gamma hay nhúng mũi vào chuyện của mình.


Sự đa dạng trong động lực sẽ dẫn tới sự đa dạng trong cách xử lý tình huống của mỗi người, và mức độ tình cảm với cùng một vấn đề của mỗi người. Nó cũng là nguồn gốc cho những sự đối lập trong dàn nhân vật. Nhờ đó mà người viết có thể phát triển ra thêm nhiều cảnh phụ phong phú mà không gây nhàm chán vì chúng toàn giải quyết những việc giống nhau.


Trong fanfiction, một mối quan hệ giữa hai nhân vật có thể đã được định hình sẵn. Người viết rất dễ nhầm lẫn động lực của nhân vật vì mối quan hệ này.


Kurapika và Kuroro được đặt vào mối quan hệ tình yêu/thù hận. Vậy cái gì đã chia rẽ họ? Câu trả lời đương nhiên là hận thù. Tuy vậy hận thù không phải là lý do ngăn cản họ đến với nhau của cả hai người.


Trong HunterxHunter, mối liên kết giữa các thành viên của Ryodan rất mạnh, nhưng họ lại sống trong sự sẵn sàng lúc nào cũng có thể mất người đồng đội ngày hôm qua còn ở cạnh mình. Vì vậy mới có quy luật giết một người của Ryodan để trở thành một người của Ryodan. Nếu như vậy tại sao họ lại muốn giết Kurapika? Không phải vì Kurapika đã giết thành viên của họ, mà vì Kurapika đe dọa sự tồn tại của Ryodan. Như vậy trong khi hận thù là lý do ngăn cản Kurapika đi theo tình yêu thì đối với Kuroro đó là trách nhiệm.


TCCT là một bộ truyện dài với nhiều nhân vật nên dẫn đến tình trạng dễ nhầm lẫn tính cách nhân vật, quan hệ giữa các nhân vật; ngoài ra lượng đồng nhân cũng rất nhiều nên càng dễ nhầm lẫn giữa nguyên tác và fic.

Lấy Trương Giai Lạc làm ví dụ. Trương Giai Lạc có một mối quan hệ sẵn có với Tôn Triết Bình, cũng như Bách Hoa. Và mối quan hệ này đóng vai trò lớn trong quá trình anh theo đuổi Vinh Quang. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói Trương Giai Lạc cố gắng giành quán quân chỉ là vì Tôn Triết Bình và Bách Hoa. Động lực của Trương Giai Lạc trong quá trình giành quán quân là lòng cầu thắng của anh, giống như với các tuyển thủ khác.


Động lực một chiều cũng rất dễ gặp ở những nhân vật phản diện. Là phe xấu, cho nên mục tiêu của hắn cũng xấu. Hoặc hắn muốn chinh phục thế giới, cho nên mục tiêu của hắn là chinh phục thế giới. Những nhân vật một chiều này trước đây có thể gây thú vị nhưng bây giờ thì đã quá nhàm chán. Ngay cả những kẻ độc ác nhất vẫn có thể có một mục tiêu nào đó tốt đẹp, dù mờ đi so với mục tiêu độc ác kia. Ngay cả một kẻ điên cũng có những logic và mục tiêu điên rồ của mình. Có thể đó không phải là động lực chính, nhưng một mục tiêu khác đi dù nhỏ như thế nào cũng giúp nhân vật trở nên phức tạp hơn và thú vị hơn.


Ngay cả nếu như bạn xây dựng một nhân vật phản diện xấu thoàn toàn thì những thuộc hạ của hắn vẫn cần phải có cả hai mặt tốt xấu. Chính những thuộc hạ này sẽ làm người đọc bỏ qua tính cách một mặt của nhân vật phản diện kia. Còn nếu không thì... well, một tên trùm xấu hoàn toàn chỉ vì tính cách của hắn đương nhiên là xấu đã khó tìm, nói gì đến cả một đám đông thuộc hạ của hắn.


Vai trò của khiếm khuyết


Những nhân vật hấp dẫn là những nhân vật không hoàn thiện. Không có gì buồn chán hơn là một Mary Sue. Bất cứ một ai cũng đều có khiếm khuyết. Chúng ảnh hưởng lên tính cách nhân vật. Và tính cách nhân vật tạo nên khiếm khuyết. Nếu bản tính của nhân vật là không bao giờ cho ai biết con người thật của mình thì khiếm khuyết của họ có thể là luôn nói dối để bảo vệ bản thân. Hành động này làm nổi bật tính cách luôn muốn dấu mình. Khiếm khuyết có thể thay đổi tính cách. Một nhân vật mạnh mẽ nhưng đôi khi nói lắp bắp nếu căng thẳng có thể trở thành một nhân vật yếu đuối và luôn căng thẳng. Đìeu này có thể xảy ra bằng nhiều cách, như dùng những nhân vật khác nhạo báng thói quen nói lắp bắp của nhân vật này, như để thói quen nói lắp bắp làm nhân vật mất đi một cơ hội lớn, hoặc để chính nhân vật lặp đi lặp lại trong đầu rằng anh ta thật bất tài trong khi anh ta nói lắp bắp. Ở đây khiếm khuyết đã dần thay đổi tính cách nhân vật. Ngược lại, một nhân vật yếu đuối thường xuyên nói lắp bắp sẽ ít nói lắp bắp hơn khi anh ta trở nên mạnh mẽ.


Một nhân vật không khiếm khuyết không chỉ là một nhân vật tốt đẹp, một nhân vật phản diện cũng rất dễ rơi vào bi kịch này. Không biết bạn nghĩ thế nào chứ đối với tôi thì một nhân vật không khiếm khuyết đúng là một bi kịch đối với một tác phẩm. Những nhân phản diện chỉ toàn ác độc và giữ một vai trò duy nhất là thúc đẩy câu chuyện và tôn nhân vật chính lên, một nhân vật phản diện như thế thật buồn chán, vì dù người ta độc ác tới đâu thì người ta cũng có những điểm sáng trong tâm hồn. Người đọc có thể bỏ qua không quan tâm tới những lỗi này, nhưng cũng có nhiều người đọc không thấy hài lòng. Như Harry Potter, tác phẩm hòan toàn thành công với nhân vật Voldermort, nhưng tuy vậy vẫn xuất hiện nhiều doujinshi, fic đi sâu vào nội tâm của Tom Riddle trước khi anh ta trở thành Voldermort.


Nhưng khi áp dụng những điểm không hoàn thiện cho nhân vật thì đừng quá lạm dụng nó. Khiếm khuyết vừa phải sẽ khiến nhân vật thật hơn. Nhưng quá nhiều khiếm khuyết họac khiém khuyết được nhấn quá mạnh sẽ khiến người đọc thấy khó chịu với nhân vật. Cho dù một người có hay nói lắp bắp thế nào thì anh ta cũng không thể lúc nào cũng nói lắp bắp. Và nếu để cho một nhân vật nói lắp bắp từ đầu tới cuối câu chuyện thì độc giả sẽ không nghĩ là anh ta yếu đuối, mà sẽ nghĩ là anh ta bị ấm đầu. Khiếm khuyết có thể phát triển tính cách nhân vật, cũng có thể làm nó thất bại thảm hại, điều quan trọng là cách nguời viết sử dụng chúng.


Sự thuần nhất và sự phát triển


Thất bại trong việc xây dựng tính cách nhân vật là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một fanfic. Khi viết fanfic, bạn sử dụng những nhân vật đã được định hình rất rõ trong đầu độc giả của bạn. Những nhân vật đó có những tính cách, những sở thích, thói quen v.v… đã được định sẵn và người đọc đã quen rằng những điều này thể hiện cho họ. Nếu bạn viết một câu chuyện mà người đọc khi đọc sẽ nghĩ “Nhân vật A này sẽ không bao giờ làm như vậy” thì bạn đã thất bại trong việc xây dựng tính cách nhân vật.


Nếu bạn viết một đoạn hội thoại kiểu như sau:


Killua nhấc con thú nhỏ lên. "Chúng ta làm gì với nó đây?"

Gon phẩy tay. "Giết quách nó đi cho rảnh nợ."

Kiều Nhất Phàm nhấc con thú nhỏ lên. “Chúng ta làm gì với nó đây?”

Cao Anh Kiệt phẩy tay. “Giết quách nó đi cho rảnh nợ.”


thì bạn đã thất bại một cách thảm hại.


Giữ đúng tính cách nhân vật không phải chỉ cần thiết ở trong fanfiction mà ngay cả ở fiction. Người viết nghĩ nhân vật là của riêng mình, vì vậy mình phát triển nhân vật như thế nào cũng được. Tuy nhiên tất cả mọi hành động, lời nói, thái độ của nhân vật đều phải phù hợp với tính cách mà người viết đã đặt ra.


Một lỗi trong vi phạm tính cách nhân vật dễ gặp nhất là sử dụng sai ngôn ngữ cử chỉ. Những hành động đưa vào chỉ để làm sự việc không cứng nhắc đôi khi không được cân nhắc kỹ như những hành động chính. Xin đọc thêm phần Ngôn ngữ cử chỉ ở phía duới.


Vi phạm tính cách nhân vật cũng thường gặp trong việc xử lý thông tin không khéo. Người viết cần đưa một khối thông tin cho độc giả, nhưng đưa thông tin bằng lời kể tạo cảm giác nhàm chán nên người viết để một nhân vật kể toàn bộ khối thông tin đó. Làm điều này không phải là không thể, nhưng chỉ với những nhân vật có tính cách phù hợp và trình độ hiểu biết phù hợp. Khác đi cũng có nghĩa là tính cách nhân vật đã bị vi phạm.


"Rất khó, bởi lược đồ này không được cập nhập dữ liệu chính xác đến từng giây, lúc đi cũng không dám chắc là đi theo 1 hướng nguyên không đổi, nên cách duy nhất chỉ có thể dựa trên cơ sở dữ liệu từ vệ tinh mà tôi thu được thôi . Điều đáng nói là tất cả sóng điện mà tôi phóng ra đều bị nhiệu hoặc dội ngược lại. Điều này vốn là không thể, vì để lập được 1 tường chắn bằng nen hoàn hảo thế người điều khiển bắt buộc phải phủ nen từ dưới mặt đất. nghĩa là ở đâu đó nằm trong bán kính vòng tròn này. Như thế cũng đồng nghĩa với việc lực nen sẽ bị yếu ở phía trên đỉnh và không tránh được việc có lỗ hổng giúp sóng điện chui qua, nhưng ..." – Leorio.


Well, phải nói là tôi rất ấn tượng về những thông tin được truyền đạt ở đây. Lối hành văn cũng làm tôi ấn tượng về tính học thức của nó. Nhưng trong cả chapter truyện lúc nào tôi cũng băn khoăn không biết đây có phải là Leorio hoàn toàn không nhận ra điều gì bất thường trong cuộc sát hạch với gia đình người thú, không hiểu nổi câu hỏi lựa chọn của vị giám khảo và chọn sai hướng trái phải trong cuộc thi HunterxHunter không.


Một điểm cần nhớ là tính cách nhân vật không phải chỉ nằm ở những đoạn miêu tả về tính cách. Tính cách nhân vật còn cần được giữ đúng với những thông tin cá nhân mà bạn đã xây dựng cho nhân vật đó. Một người học hành đầy đủ ngồi lên một chiếc máy bay vẫn khó mà lái được chiếc máy bay đó nếu chưa học lái máy bay bao giờ. Thế mà có những chuyện lại cho vị nhân vật chính ‘anh hùng’ vốn chỉ là dân trong trại lao động không học hành đầy đủ bỗng dưng vớ được một con robot, hoặc một phi thuyền và đánh thắng cả robot của đối phương vốn được điều khiển bởi những quân nhân chuyên nghiệp.


Tuy nhiên, tính cách nhân vật được xác định chứ không phải được cố định ở đầu truyện hoặc trong truyện chính. Giống như người thật, tính cách nhân vật có thể phát triển và thay đổi. Nhất là đối với những câu chuyện dài, khi kết thúc cần phải có cái gì đó thay đổi. Người viết thường chú ý tới những thay đổi về hình dáng, quan hệ, địa vị mà quên mất rằng tính cách cũng giống như câu nói ‘Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông’. Sự phát triển về tính cách không rõ rệt nếu câu chuyện diễn ra trong một vài ngày, nhưng nếu câu chuyện diễn ra trong một vài năm thì kinh nghiệm sống sẽ làm tính cách thay đổi ít nhiều.


Bạn có thể thấy rõ việc để tính cách một nhân vật không thay đổi trong suốt quá trình truyện trong các bộ anime nổi tiếng như Dragon Ball và Sailor Moon. Tôi không phủ nhận sự thành công của chúng, nhưng hẳn bạn cũng đã từng thấy mệt mỏi và nhàm khi theo dõi những bộ truyện rất dài này.


Phát triển tình tiết truyện không phải là công việc duy nhất. Nhân vật tương tác với những sự kiện trong những tình tiết, nhân vật học được từ những sự kiện cả những điều tích cực và tiêu cực. Mỗi một lỗi lầm sẽ đem đến một bài học kinh nghiệm khi nhân vật đứng dậy sau vấp ngã. Mỗi một hành động xấu thành công sẽ khiến nhân vật nghĩ đến những cách thực hiện hành động xấu tốt hơn. Những kinh nghiệm sống ấy sẽ giúp nhân vật trưởng thành, giúp nhân vật chính chắn hơn, hoặc đẩy nhân vật vào những căn bệnh tâm lý, những suy nghĩ bi quan... Theo dõi sự phát triển của một nhân vật kéo nhân vật lại gần với người đọc.


Như bộ Hikaru no Go chẳng hạn, tính cách Hikaru được khéo léo phát triển, khiến người đọc đôi khi phải bật kêu lên: ‘Không biết cậu bé đó đã lớn từ bao giờ...’


Việc cho nhân vật làm điều mà bình thường anh ta/cô ta sẽ không làm không phải là điều cấm kỵ. Đôi khi nó rất cần thiết để chuyển hướng truyện, tạo điểm bắt đầu cho một loại sự kiện tiếp theo hoặc tạo điều kiện để bẻ thay đổi tính cách nhân vật.


Sự thiếu vắng suy nghĩ logic có thể là một cách giải thích rất tốt. Khi người ta say, khi người ta bị thôi miên hoặc khi người ta đang dưới ảnh hưởng của thuốc người ta thường có xu hướng làm những điều bình thường họ sẽ không bao giờ làm. Một lời thuyết phục của người ngoài cuộc có thể khiến người ta lung lạc. Một việc day dứt trong quá khứ có thể khiến người ta vứt bỏ lí trí trong hiện tại. Giải thích hợp lý sẽ giúp người viết để nhân vật làm những việc trái với tính cách một cách an toàn.


Cũng là đoạn hội thoại trên giữa Gon và Killua, nhưng nếu Gon đã từng nhìn thấy Kurapika và Leorio bị giết thảm khốc trước mắt mình, nếu đã từng chứng kiến cả quê hương trong biển lửa, nếu phát hiện tất cả những gì người ta nghĩ về cha mình chẳng qua là một cái vỏ bọc và ông ta thực chất chỉ là một tên sát nhân máu lạnh... Well, nếu Gon đã từng trải qua tất cả những điều đó thì việc Gon vẫn nguyên vẹn là một đứa trẻ ngây thơ mới là một phép lạ thần kỳ.

(Với đoạn hội thoại mà mình đã đổi thành tên của Kiều Nhất Phàm và Cao Anh Kiệt, nó cũng sẽ trở thành hợp lý nếu như trước đó Cao Anh Kiệt phát hiện tất cả những gì Vương Kiệt Hy thể hiện ra ngoài chỉ là giả dối nhằm tiêu diệt Vi Thảo, hoặc bán đứng Vi Thảo cho một bên thứ ba nào đó, và cái chết của các đội viên Vi Thảo đều là do Vương Kiệt Hy đứng đằng sau ra tay.)
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#15
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 9:



XÂY DỰNG NHÂN VẬT (3) - TÍNH CÁCH NHÂN VẬT (TIẾP)


Các cách thể hiện


Để xây dựng tính cách nhân vật, người ta có thể dùng một trong ba cách: dùng lời kể, miêu tả cảm xúc hoặc dùng hành động. Mỗi cách đều có ưu và nhược điểm của riêng mình. Cách dùng lời kể sẽ giúp miêu tả tính cách một cách nhẹ nhàng nhất. Nó cũng giúp người đọc có được cái nhìn bao quát nhất về tính cách nhân vật, và cũng là cách nhanh nhất để người đọc tiếp nhận những gì bạn muốn chuyển tải về nhân vật. Tuy nhiên nó không phải lúc nào cũng đi đôi với sự thú vị, và sử dụng nó quá nhiều cũng đồng nghĩa với sự nhàm chán. Cách dùng miêu tả cảm xúc khiến người đọc tiếp cận với tình cảm của nhân vật một cách trực diện nhất, từ đó dễ dàng tạo ấn tượng mạnh về cảm xúc và tính cách nhân vật. Tuy nhiên nó rất giới hạn, và có thể sẽ trở nên lạc lõng trong một câu chuyện nhiều tình tiết và không được viết ở ngôi thứ nhất, sử dụng nó quá nhiều trong một câu chuyện dài sẽ gây cảm giác mệt mỏi khi đọc. Cách dùng hành động có thể không đưa người đọc trực tiếp đến với tính cách nhân vật, và cũng rất khó viếtđòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức. Tuy nhiên nó lại đảm bảo được sự thú vị,dễ kết hợp với những phần còn lại của truyện nhất.


Dùng lời kể:


‘Đã mười năm trôi qua kể từ ngày Yuuri rời khỏi vương quốc và trở về thế giới con người. Mười năm dài dằng dặc, cũng là mười năm Wolfram day dứt trong lòng một tình yêu vô vọng. Cậu không sao quên được cậu con trai tóc đen ấy, không sao chôn vùi được những kỷ niệm mà họ đã cùng nhau trải qua. Tình cảm nồng cháy ngày nào chỉ còn lại là đống tro tàn, nhưng bên dưới, lửa vẫn không ngừng âm ỉ cháy. Có lẽ điều làm Wolfam đau đớn nhất là sự phản bội của chính trái tim mình. Cậu đã thề dù Yuuri có lựa chọn thế nào thì tình cảm của cậu cũng sẽ không thay đổi. Thế nhưng một ngọn lửa khác, một ngọn lửa lạnh như băng đang dần lớn lên theo năm tháng. Cậu hận kẻ đã phản bội Tổ quốc của mình. Cậu oán trách kẻ đã lựa chọn thế giới con người mà bỏ cậu lại đằng sau.’


Dùng cảm xúc:


‘Đau... Tại sao nỗi đau này không lành theo thời gian?


Tại sao ta vẫn nhìn thấy hình ảnh của cậu ấy hàng đêm? Tại sao quá khứ sống lại trong giấc mộng? Trái tim ta có thể chịu đựng được bao lâu nữa...


Đã mười năm rồi, mười năm dài đằng đẵng... Yuuri... Tôi sẽ không bao giờ hiểu được ngày ấy vì sao cậu lại chọn ra đi... Chỉ có một điều duy nhất mà tôi hiểu, tôi không có được dù chỉ là một khoảng trống nhỏ bé nhất trong tim cậu... Nhưng cậu đã là tất cả thế giới của tôi... Cậu vẫn là tất cả thế giới của tôi...


Nếu có thể xé trái tim phản trắc này ra khỏi lồng ngực, tôi sẽ làm vậy. Tôi sẽ sống mà không cần tới cậu. Tôi sẽ đạp lên tất cả những ký ức độc ác này...


Ta hận! Ta hận hắn! Sao hắn có thể phản bội vương quốc, phản bội quê hương hắn, phản bội thần dân của hắn?!? Sao hắn có thể bỏ rơi ta? Ta muốn hắn phải chết trong tay ta cả trăm lần, cả nghìn lần...


Yuuri... đến bao giờ cậu mới quay trở lại...?’


Dùng hành động:


‘Wolfram mở cửa vào phòng. Ánh mắt mỏi mệt nhìn quanh một cách chán chường. Những công việc cần giải quyết của vương quốc càng lúc càng đè nặng lên vai cậu và các anh. Không còn vị Maou quyền năng, biên giới vương quốc không ngừng bị tấn công, những vụ nổi loạn xảy ra ngày càng nhiều, người dân thì đang mất dần lòng tin vào hoàng tộc. Ánh mắt cậu liếc qua tấm gương lớn trên tường. Con người đang nhìn cậu kia không còn gương mặt trẻ con non nớt nữa, thay vào đó là vẻ trưởng thành.


Wolfram bước tới giá vẽ và giở tấm vải che ra. Trên khung tranh là bức vẽ phác thảo chưa được tô màu. Cậu nâng tấm bảng màu lên và cầm lấy bút lông, cố hoàn thành bức vẽ đã mười năm dang dở. Ngòi bút quệt màu và đưa lại gần tranh, nhưng không sao điểm vệt màu nào lên khuông lụa trắng được vì tay cậu đang run lên. Wolfram bực tức ném cả bảng màu và bút lông ra xa. Một cái gạt tay và giá vẽ đổ rầm xuống đất, Wolfram không mệt mà vẫn thở mạnh như vừa chạy cả một ngày trời.


“Đồ phản bội!” Cậu rít lên qua kẽ răng và cúi xuống lôi khung tranh lên, định ném nó vào tường, nhưng rồi mắt cậu dịu đi, thoảng trong đó là chút gì trìu mến dịu dàng. Wolfram nhẹ nhàng nâng cái giá vẽ lên và xếp lại khung tranh. Cậu nhìn người trên bức tranh lần cuối rồi thở dài và phủ lại tấm vải che.


Nặng nề lê bước tới tủ quần áo, Wolfram mở tủ và sờ soạng tìm bộ quấn áo ngủ ưa thích của mình. Cậu sững người khi mắt dừng lại trên một tấm vải nhung được xếp ngọn ngàng. Tấm áo choàng của Maou. Run rẩy lôi tấm áo choàng ra, cậu áp mặt vào lần vải đã cũ vì năm tháng. Wolfram ôm lấy tấm vải vào ngực mình và khuỵu xuống sàn. Vai cậu rung lên, không có tiếng khóc thế mà nước mắt cứ tuôn trào.


“Yuuri...” Tiếng rên ngẹn lại nhanh chóng bị nhấn chìm trong sự câm lặng vô tâm của đêm.’

Như bạn đã thấy, mỗi cách thể hiện đều đem đến những cảm nhận khác nhau về nhân vật. Sử dụng cách thể hiện nào là phụ thuộc vào người viết, phụ thuộc vào thói quen cũng như phụ thuộc vào hòan cảnh của đoạn văn. Một đoạn văn đi sâu vào nội tâm nhân vật có thể sử dụng cảm xúc, nhưng dùng cách này không hợp lắm với một câu chuyện có cốt chuyện và không viết thuần POV hoặc ngôi thứ nhất. Trong một truyện ngắn cần xây dựng nhiều thứ khác nữa, hoặc khi cho hành động vào có thể làm loãng truyện thì nên sử dụng lời kể. Nếu là một câu chuyện dài và cốt truyện rất mạnh, phong cách không phù hợp với POV thì có thể sử dụng hành động.


Và hãy luôn nhớ rằng hành động có thể đi sâu vào tâm trạng nhân vật như dùng cảm xúc, nhưng sử dụng hành động khéo sẽ gây ấn tượng mạnh tốt hơn nhiều cả lời kể và thuần cảm xúc. Bạn không nên sử dụng độc nhất cách dùng lời kể và dùng cảm xúc đó toàn fic. Cách sử dụng hành động để miêu tả tình cảm có thể kéo dài toàn bộ truyện, nhưng hai cách trên bị giới hạn nhiều hơn nhiều. Dù sao cũng đừng ngần ngại khi sử dụng các cách kết hợp lẫn nhau. Sự đa dạng là bí quyết của thành công, và linh hoạt là điều kiện tiên quyết. Cũng có nhiều khi sử dụng kết hợp các cách thể hiện trên lại là câu trả lời tốt nhất.


Dùng kết hợp


‘Wolfram mở cửa vào phòng. Ánh mắt mỏi mệt nhìn quanh một cách chán chường. Ngày lại ngày trôi qua đều đều như trong một cơn ác mộng. Những công việc cần giải quyết của vương quốc càng lúc càng đè nặng lên vai cậu và các anh. Không còn vị Maou quyền năng, biên giới vương quốc không ngừng bị tấn công, những vụ nổi loạn xảy ra ngày càng nhiều, người dân thì đang mất dần lòng tin vào hoàng tộc. Ánh mắt cậu liếc qua tấm gương lớn trên tường. Con người đang nhìn cậu kia không còn gương mặt trẻ con non nớt nữa, thay vào đó là một vẻ trưởng thành mà cậu đã phải trả một giá quá đắt để có được. Cũng phải thôi, biết làm sao khi mà người đứng đầu vương quốc đã chọn con đường phản bội nhân dân mình.


Wolfram bước tới giá vẽ và giở tấm vải che ra. Trên khung tranh là bức vẽ phác thảo chưa được tô màu. Cậu nâng tấm bảng màu lên và cầm lấy bút lông, cố hoàn thành bức vẽ đã mười năm dang dở. Ngày ấy cậu đã dồn không biết bao nhiều tình cảm của mình vào bức phác họa, khao khát muốn thể hiện trọn vẹn con người mà cậu đã lỡ để vào trái tim mình. Nhưng khi bức vẽ chưa kịp hoàn thành người đó đã bước ra khỏi cuộc đời cậu mãi mãi. Ngòi bút quệt màu và đưa lại gần tranh, nhưng không sao điểm vệt màu nào lên khuông lụa trắng được vì tay cậu đang run lên. Những kỷ niệm ngày nào quật vào mặt cậu như cơn gió lốc. Wolfram bực tức ném cả bảng màu và bút lông ra xa. Trên bức tranh con người kia đang nhìn cậu nhạo báng, một khuôn mặt đáng ghét và trơ tráo. Hắn không đáng làm một Maou! Một cái gạt tay và giá vẽ đổ rầm xuống đất, Wolfram không mệt mà vẫn thở mạnh như vừa chạy cả một ngày trời. Sự oán trách và thù hận bỗng chốc bùng lên.

Ta hận! Ta hận hắn! Sao hắn có thể phản bội vương quốc, phản bội quê hương hắn, phản bội thần dân của hắn?!? Sao hắn có thể bỏ rơi ta? Ta muốn hắn phải chết trong tay ta cả trăm lần, cả nghìn lần...


Cậu cúi xuống lôi khung tranh lên, định ném nó vào tường, nhưng rồi mắt cậu dịu đi, thoảng trong đó là chút gì trìu mến dịu dàng. Wolfram nhẹ nhàng nâng cái giá vẽ lên và xếp lại khung tranh. Cậu nhìn người trên bức tranh lần cuối rồi thở dài và phủ lại tấm vải che. Chỉ là một bức tranh thôi, nhưng ký ức đè nặng lên mỗi nét vẽ làm cậu không sao nâng bút được.


Mười năm rồi, mười năm dài đằng đẵng... Mười năm quá khứ là bạn đồng hành của ta hàng đêm... Đến bao giờ ta mới có thể quên...?


Nặng nề lê bước tới tủ quần áo, Wolfram mở tủ và sờ soạng tìm bộ quấn áo ngủ ưa thích của mình. Cậu sững người khi mắt dừng lại trên một tấm vải nhung được xếp ngọn ngàng. Tấm áo choàng của Maou. Run rẩy lôi tấm áo choàng ra, cậu áp mặt vào lần vải đã cũ vì năm tháng. Cái mùi quen thuộc đã phai đi hết rồi, chỉ còn lại mùi của gỗ và bụi ẩm. Wolfram ôm lấy tấm vải vào ngực mình và khuỵu xuống sàn. Vai cậu rung lên, không có tiếng khóc thế mà nước mắt cứ tuôn trào.


“Yuuri...” Tiếng rên ngẹn lại nhanh chóng bị nhấn chìm trong sự câm lặng vô tâm của đêm.

Tôi sẽ chờ cậu mãi mãi...


Cho đến bao giờ...?’


Ngôn ngữ cử chỉ


Tính cách của một nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ cử chỉ cũng nhiều như thể hiện qua hội thoại. Trong cuộc sống, ngôn ngữ cử chỉ thường được hiểu một cách vô thức, còn trong truyện, ngôn ngữ cử chỉ cũng có thể giúp chúng ta miêu tả tính cách nhân vật mà không phải dùng đến lời kể hoặc lời văn thuần cảm xúc.


- Cử chỉ: Mỗi một tính cách đều có thể dẫn đến một cử chỉ nào đó. Và một cử chỉ sẽ cho ấn tượng về tính cách. Liên tục đổi chân có thể thể hiện một người căng thẳng. Khoanh tay trước ngực có thể thể hiện bản tính luôn đề phòng. Dụi mắt tạo cảm giác nhân vật mệt mỏi. Gõ ngón tay xuống bàn có thể thể hiện nhân vật đang lo lắng, hoặc phát chán với những điều đang được nghe.


- Dáng: Dáng đứng, ngồi, và cả nằm cũng đem lại thông tin quan trọng. Một người nằm ngủ co quắp lại có thể thể hiện sự không cân bằng trong cuộc sống. Ngồi vắt chân có thể thể hiện sự tự tin. Ngồi thu mình lại có thể thể hiện một con người nhút nhát hoặc kín đáo...

Để viết tốt về vấn đề này, trước tiên người viết phải thông hiểu về ngôn ngữ cử chỉ. Để thu thập kinh nghiệm về điều này người viết nên tích cực quan sát những người xung quanh mình, đồng thời nên tìm hiểu thêm và làm các bài trắc nghiệm về vấn đề đó.

Tên âu yếm:


Nếu một nhân vật chưa bao giờ gọi một nhân vật khác trong truyện nguyên bản bằng cái tên âu yếm thì nhân vật đó rất khó có thể sẽ gọi ai đó bằng cái tên âu yếm trong fic của bạn. Trừ phi bạn đang viết fic hài, dĩ nhiên. Bạn có thể ghép Machi và Kuroro (HxH) lại với nhau, nhưng nếu bạn để cho Kuroro gọi Machi là “Cưng” hoặc Machi gọi Kuroro là “anh yêu dấu” thì chẳng mấy chốc mà đôi này sẽ tan vỡ sớm!

(Tương tự với TCCT, bạn có thể viết Hàn Trương nhưng làm ơn, vì sự hòa bình của nhân loại, đừng để Hàn Văn Thanh gọi Trương Tân Kiệt là “Cưng” hay Trương Tân Kiệt gọi Hàn Văn Thanh là “anh yêu dấu”.)


Sử dụng quá mức các thái độ cảm xúc:


Mỗi một nhân vật trong truyện chính, hoặc mỗi nhân vật do bạn tự tạo đều có giới hạn biểu lộ cảm xúc của mình, bạn cần để ý tới giới hạn đó. Nếu bạn định phá vỡ giới hạn đó thì bạn cần tìm ra cách biện hộ hợp lý. Một ví dụ điển hình nhất cho lỗi này là để nhân vật khóc lóc một cách quá đáng, nhất là đối với các nhân vật nam. Thử nghĩ xem, liệu một nhân vật nam, nhất là những nhân vật nam lạnh lùng, tàn nhẫn như Hiei, như Hisoka, như Vegeta liệu có khóc lóc vì một điều gì đó, dù là rất lớn hay không? Đối với Vegeta, có lẽ ngay cả khi Bulma hay Trunk chết nhân vật này cũng sẽ không khóc. Ấy thế mà lại có fic cho nhân vật này khóc như mưa chỉ vì Son Goku từ chối đến một bữa tiệc mà gia đình anh ta tổ chức! Không phải là bạn không thể cho nhân vật nam khóc, mà điều quan trọng là bạn cần thể hiện điều đó một cách hợp lý.


“Một giọt nước mắt lăn trên má Hiei và rớt xuống thành viên ngọc lệ” thì được, thậm chí nếu để vài viên ngọc lệ nối tiếp viên ngọc lệ đầu tiên cũng vẫn được nếu bạn viết khéo, nhưng “Hiei chan chứa nước mắt và gào khóc” thì… câu chuyện của bạn rất dễ biến thành truyện cười! (Trừ phi hài hước chính là thứ bạn đang muốn viết ^^ )


Cũng cần biết rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể viết “Hiei khóc đến khản cả giọng” nếu bạn khéo biến nó thành một điều hợp lý. Tôi đã đọc một fic để cho Vegeta khóc rất nhiều với cách viết như sau: “Dù cố nén lại nhưng những giọt nước mắt vẫn kéo nhau dâng lên. Mọi sự tự kiềm chế anh nâng niu đã bao lâu đều vỡ nát. Cảm xúc này quá mạnh để lòng kiêu hãnh có thể dìm nó xuống sâu trong lòng. Những giọt nước mắt đầu tiên... có lẽ người đàn ông trong anh đang khóc những giọt nước mắt mà đứa trẻ ngày xưa đã tự từ chối mình... Những giọt nước mắt đã dồn lại qua chừng ấy năm để rồi bây giờ trào dâng không thể nào ngăn nổi...” Thực sự, fic đó lại rất cảm động, và rất thật.

(Điều tương tự đối với TCCT. Không ai ngăn cản các bạn để các chàng trai của chúng ta khóc. Thậm chí, trong chính văn, Hồ Điệp Lam cũng từng ẩn ý rằng Diệp Tu đã khóc khi xem buổi thông báo hắn giải nghệ của Gia Thế. Nhưng hãy nhớ, tất cả đều cần một lý do chính đáng!)


Một số lời khuyên


+ Những truyện ngắn không nên có nhiều hơn 3 nhân vật chính. Nhiều hơn và độc giả có thể sẽ thấy khó theo dõi, và bạn cũng khó đi sâu vào tính cách tất cả nhân vật.


+ Hãy xác định nhân vật mà bạn muốn độc giả thích (hoặc ghét). Những nhân vật này cần được phát triển ngay từ giai đoạn đầu của câu chuyện.


+ Hãy tạo background cho nhân vật chính dù chỉ trong chuyện ngắn. Anh ta sinh ra ở đâu, anh ta lớn lên ở đâu, anh ta trông như thế nào, tính cách anh ta như thế nào, sở thích là gì, thói quen ra sao, điểm nổi bật nhất trong tính cách là gì, điểm yếu và điểm mạnh là gì? Hãy viết chúng ta một cách ngắn gọn vào đâu đó độc lập với truyện. Có thể bạn sẽ không đưa tất cả những điều này vào truyện, nhưng xác định đuợc chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ về nhân vật hơn, và có một hướng đi rõ rệt hơn để giữ đúng tính cách nhân vật. Đối với nhân vật của fanfic bạn nên lập background này cho tất cả các nhân vật xuất hiện trong truyện dù chỉ là nhân vật phụ để tránh vi phạm tính cách nhân vật đã có sẵn.


+ Để ý tới những người xung quanh bạn để xem cách ăn mặc, hình dáng, hành động của họ như thế nào. Nếu bạn có thể hình dung được từng loại người rõ ràng trong đầu, việc miêu tả hành động và hình dáng của nhân vật sẽ trở nên dễ dàng hơn.


+ Để xây dựng đúng tính cách nhân vật, hãy thử tưởng tượng nhân vật đó đang “diễn” trong truyện của bạn. Hãy thử “nghe” những lời thoại nhân vật nói. Nếu lời thoại tỏ ra gượng gạo thì rất có thể bạn đã xây dựng tính cách nhân vật sai. Bạn cũng có thể thử thay thế tất cả tên nhân vật trong truyện thành một hai cái tên bất kỳ nào đó thử xem. Nếu bạn đọc câu chuyện mà vẫn hiểu, vẫn cảm thấy bình thường và chẳng có gì bất bình thường trong câu chuyện mới đã thay tên này cả thì khả năng bạn đã không diễn tả đúng tính cách nhân vật là rất cao.


+ Nếu bạn định viết về một nhân vật nguyên bản, hãy tìm những CHARACTER QUIZ về truyện nguyên bản trên mạng và làm thử quiz đó. Hãy trả lời những câu hỏi theo cách mà bạn nghĩ nhân vật bạn chọn sẽ trả lời và xem kết quả cuối cùng có ra nhân vật đó không. Làm nhiều QUIZ tương tự. Nếu 2/3 trong số đó ra sai kết quả thì cũng có nghĩa là cách hiểu của bạn về nhân vật đã có vấn đề. Hãy đọc lại truyện nguyên bản và xác định lại tính cách nhân vật.


+ Nhân vật cần có một hoặc hai đặc điểm chính trong tính cách. Đặc điểm chính trong tính cách là điều sẽ làm người đọc có ấn tượng về nhân vật. Đặc điểm chính có thể là cả xấu lẫn tốt, nhưng nó cần được thể hiện nổi bật so với các đặc điểm khác. Và các đặc điểm khác có thể mâu thuẫn nhau, nhưng không nên mâu thuẫn với đặc điểm chính.


+ Những đặc điểm chính của nhân vật không nhất thiết là phải thể hiện bằng những hành động to tát. Một vài hành động nhỏ đây đó sẽ có tác dụng mạnh hơn.


+ Nỗi sợ hãi cũng ảnh hưởng nhiều đến cách một người sử xự. Ai cũng sợ một điều gì đó, và nỗi sợ này có thể được dùng để phát triển cả tính cách và tình huống rất tốt.


+ Khi một tính cách được đẩy lên quá mức, nó dễ trở thành một căn bệnh tâm lý. Nếu bạn định viết theo hướng này thì hãy tìm hiểu kỹ những triệu chứng trước khi viết. Có thể bạn sẽ khó tìm thấy tài liệu bằng tiếng Việt. Nếu tìm tiếng Anh thì hãy dùng từ khóa: ‘Personality Disorder’.


Nhân vật phụ


+ Hãy đảm bảo mỗi nhân vật đều có vai trò nhất định trong câu chuyện. Đừng cho thêm một nhân vật chỉ để lấp đầy truyện.


+ Đối với các nhân vật phụ, có một mẹo xác định nhanh tính cách là sử dụng bảng tính cách của các cung hoàng đạo hoặc 12 con giáp, hoặc kết hợp cả hai. Hãy tìm cho mình một bản giải mã tính cách theo cung hoàng đạo thật chi tiết, hoặc tự tổng hợp lấy bảng đó. Mỗi khi cần xây dựng nhanh tính cách một nhân vật phụ, hãy đặt cho nhân vật phụ một cung hoàng dạo, rồi xác định tính cách dựa trên tính cách của cung hoàng đạo.


+ Nếu trong fic của bạn có quá nhiều nhân vật thì bạn nên cân nhắc lại vai trò của các nhân vật trong fic. Nhiều nhân vật thường gây rối truyện nhiều hơn là phát triển truyện, và không phải người viết nào cũng có khả năng xử lý quá nhiều nhân vật cùng lúc. Hãy thử hỏi xem nhân vật có thật sự quan trọng với fic không. Nhân vật có đóng góp vào xây dựng tình tiết truyện hoặc làm điểm nhấn cho nhân vật chính không? Nếu có thì vai trò của nhân vật này liệu có thể giao cho một nhân vật khác trong fic không? Đừng đưa nhiều nhân vật vào fic chỉ để thực hiện một nhiệm vụ nhỏ, rồi lại đi ra khỏi fic và mất hút.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#16
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 10:



XÂY DỰNG NHÂN VẬT (4) – TÊN NHÂN VẬT

Sử dụng


Một điều bạn cần chú ý khi sử dụng tên nhân vật đó là tính đồng nhất của nó trong suy nghĩ của một nhân vật. Khi bạn viết một fic dựa trên cách nhìn của một nhân vật, thì bạn cần nhớ là cách xưng hô của nhân vật đó với các nhân vật khác nói chung thường là cố định và không nên tự dưng thay đổi. Điều này cũng đúng với cách nhân vật nghĩ về chính mình. Nếu ngay từ đầu bạn viết dựa trên cách nhìn của Hikaru từ đầu thì đến cuối, bạn không nên thay thế ‘Hikaru’ bằng ‘Shindou’. Và nếu ban đầu bạn dùng ‘Touya’ để nói về Akira thì đừng dùng ‘Akira’ ở đoạn cuối, trừ phi bạn có nói tới việc Hikaru chuyển dần sang cách gọi ‘Akira’.


Tuy vậy không có nghĩa là thỉnh thoảng bạn thay đổi cách xưng hô chỉ ở một vài chỗ thì không được, bởi trong một số ngôn ngữ khác, gọi bằng họ hay bằng tên thể hiện thái độ, tình trạng mối quan hệ giữa hai người. Cũng có nghĩa là hãy chỉ thay đổi cách gọi tên khi tình cảm thể hiện trong fic thay đổi chứ không phải vì bạn đã sử dụng quá nhiều cái tên đó và bạn cảm thấy cần thay đổi. Khi Hikaru vẫn thân thiết với Akira thì không có lý gì ở nửa cuối của truyện, Hikaru chỉ toàn gọi Akira là “Touya”, nhưng trong một vài cảnh Hikaru đang rất giận Akira thì bạn lại hoàn toàn nên để Hikaru nghĩ về/gọi Akira là “Touya”. Chỉ có điều, khi Hikaru hết giận thì hãy quay lại cách gọi “Akira”.

Tương tự như Nhật Bản, Trung Quốc cũng có các cách gọi khác nhau để thể hiện mức độ thân thiết. Khi chưa quen sẽ gọi bằng họ, cộng vào hậu tố xưng hô. Thường hậu tố xưng hô sẽ dùng nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội như Phùng chủ tịch, Dụ đội,… Nhìn chung, người ta sẽ dùng “tiên sinh” cho nam và “tiểu thư” cho nữ, hoặc “nữ sĩ” cho nữ với ý kính trọng và xa cách. Khi đã quen nhưng không phải người thân gia đình, sẽ có các cách gọi khác như thêm tiền tố, thêm hậu tố, phân biệt nam nữ… Những cách gọi như Lạc Lạc hay thêm hậu tố “nhi” được xếp vào dạng nhũ danh, cực kỳ thân thiết mới được sử dụng.

VD: Theo nguyên tác, “Đại Tôn” chỉ có Trương Giai Lạc và các bạn thân cùng chơi chung với tiệm net với Tôn Triết Bình gọi. Còn lại mọi tuyển thủ khác trong truyện đều gọi bằng lão Tôn, đội trưởng, tiền bối, Tôn Triết Bình,… tóm lại là các cách gọi không thân bằng “Đại Tôn”.

Hoặc như tên gọi “Lạc Lạc” là thuộc về nhũ danh, chỉ có người cực thân thiết đến mức ngang với gia đình mới được gọi. Cho nên khi viết, bạn chỉ nên để người thân, hoặc người cùng CP với anh ta, gọi Trương Giai Lạc là Lạc Lạc chứ không phải toàn Liên Minh. Tất nhiên là trừ trường hợp fic của bạn là All Lạc.

Ngoài ra còn một vài thứ cơ bản khác bạn cần nắm được, như Đại Tôn và Lạc Lạc đều là tên thân thiết, vì vậy bạn không thể để kẻ thù của Tôn Triết Bình và Trương Giai Lạc gọi họ bằng cái tên này được. Hay tên Lạc Lạc thuộc về nhũ danh, nam giới được gọi bằng nhũ danh như này cũng ngầm ám chỉ anh ta giống nữ giới. Vậy nên, nếu trong fic của bạn Trương Giai Lạc là một người đàn ông độc lập nam tính 100% thì cái tên này sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó bạn có thể chọn Tiểu Trương, Đại Trương, lão Trương,…


Cũng giống như từ "nói", tên nhân vật cũng trở nên vô hình. Một người đọc, khi đã thích một fiction, và khi đã thích một nhân vật của fanfic, thì không hề cảm thấy phiền lòng khi tên nhân vật được nhắc đi nhắc lại. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ sử dụng tên nhân vật thì fic của bạn sẽ dễ trở nên buồn chán, hoặc đơn giản chỉ là đọc lên rất gượng.


'Kurapika đang ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời đêm. Đôi mắt xanh của Kurapika ánh lên dưới ánh trăng huyền ảo. Leorio và Gon đã rời khỏi đây được một giờ rồi. Kurapika lo lắng nhìn đồng hồ, hy vọng Leorio và Gon sẽ trở về an toàn. Kurapika không bao giờ muốn có chuyện gì sẽ xảy đến với Leorio và Gon.'


Đoạn văn trên nếu từ Kurapika khéo léo được chuyển thành ‘cậu ấy’ v.v... thì sẽ hay hơn.


Tên nhân vật thường được thay thế bằng những từ miêu tả như: "người con trai cao lớn, cậu bé, cô gái tóc đen, bác sĩ..." Sử dụng hợp lý cả tên và tên thay thế để tránh lặp lại quá nhiều lần một cái tên trong một câu văn sẽ khiến đoạn văn thêm sinh động. Lạm dụng chúng cho dù là tên hay tên thay thế sẽ khiến đoạn văn khó hiểu. Có những cảnh chỉ có 2 người nói mà đến như 4,5 người nói.


Đoạn văn dưới đây còn kinh dị hơn:


'Người con trai của ông thợ mộc gằn giọng. "Mày sẽ chết vì những gì mày đã làm với gia đình tao."


Vị bác sĩ lùi lại sợ hãi. "Không phải là tôi. Anh hiểu nhầm rồi."


Chàng trai tóc đen bước tới gần kẻ phản bội. "Tao sao có thể nhầm kẻ tử thù của mình kia chứ? Chuẩn bị đền tội đi."


"Không, không, xin hãy tha cho tôi." Người đàn ông trung niên kinh hoàng nhìn khẩu súng trên tay viên cảnh sát.'


Đoạn văn này có thể viết về hai nhân vật, người con trai tóc đen của ông thợ mộc sau này lớn lên thành cảnh sát, và viên bác sĩ trung niên bị nghĩ là kẻ phản bội. Nhưng người đọc sẽ tự hỏi: "Có bao nhiêu người đang nói đây?"


Trong một câu chuyện, thường đối với một nhân vật cần thêm ít nhất là một từ thay thế cho tên ngoài đại từ nhân xưng anh ấy, cô ấy, nó... Tốt nhất là hãy chọn một và bám vào nó. Đừng dùng quá nhiều. Thỉnh thoảng, người viết có thể cần đến một đại từ thay thế tên thứ hai, nhưng chúng chỉ nên dùng chung chung như cô bé, người đàn ông già. Sử dụng quá nhiều từ thay thế tên cho một người sẽ dẫn tới khó hiểu ai là ai. Ngược lại, trong những cảnh có nhiều người, nếu bạn sử dụng tòan bộ là tên thay thế mà không dùng tên thì người đọc cũng sẽ khó phân biệt được người nào là người nào.


Đặc biệt khi viết truyện bằng tiếng Anh, tránh viết kiểu:


'He grabbed the front of his shirt and slammed him to the wall. He struggled wildly, trying to escape the iron grip but he slapped him hard.'


Ấn tượng của người đọc khi thấy đoạn này sẽ là: who grabbed the front of whose shirt and slammed whom to the wall? Who slapped whom hard?


Các tên thay thế này cần được sử dụng cẩn thận, nhất là nếu như chúng là các chức vụ, hoặc các từ chỉ nghề nghiệp như “viên sĩ quan”, “bác sĩ”, “người trợ giảng” v.v... Nếu bạn đang viết một cảnh thân mật thì hãy dùng chúng càng ít càng tốt. Những từ chỉ chức vụ hoặc nghề nghiệp rất dễ làm mất đi tính thân mật trong đoạn văn bạn viết. Đồng thời nếu bạn viết duới góc nhìn của một người thì hãy tránh dùng chức danh hết mức có thể. Akira có thể được coi là viên ngọc của giới cờ vây, nhưng sẽ chẳng bao giờ Akira tự nói về mình là viên ngọc của giới cờ vây.

(Giống như việc Hàn Văn Thanh được coi là Quyền Hoàng của Vinh Quang, nhưng anh cũng sẽ không tự gọi bản thân mình như thế trong các tình huống giao tiếp thông thường.)


Đặt tên nhân vật


Trong một câu chuyện, sự lặp tên một cách thừa thãi cũng là điều nên tránh. Nếu bạn viết về Harry và (for the sake of my article) Cho Chang thì đừng tạo nên một nhân vật phụ trong truyện có tên là Harry. Dĩ nhiên là trừ phi bạn cố tình dùng sự nhầm lẫn về tên như là một phần của câu chuyện. Nếu không độc giả sẽ lại quay ngang quay dọc tự hỏi xem ai là Harry đang cặp với (sigh) Cho Chang.


Nếu bạn không nghĩ ra tên cho nhân vật của mình? Lạy Chúa, hãy cố mà ngồi nghĩ cho bằng ra cái tên nào đó, chứ đừng bao giờ đặt là Ngài --- chỉ vì bạn không nghĩ ra tên. Khi đọc fic trên mạng đã có vài lần tôi đọc thấy những fic như thế, và phản ứng của tôi luôn là sốc, sốc và sốc o___O Sau đó là bực mình và quẳng câu chuyện đó đi.


Đừng đặt tên cho nhân vật phụ, nhân vật chỉ xuất hiện trong một cảnh... trừ phi nó cần thiết cho câu chuyện. Điều này không phải là tuyệt đối và thường đúng ở những truyện ngắn khi mà độ dài của truyện không cho phép bạn phát triển nhân vật chính đủ nhiều chứ đừng nói là nhân vật phụ.


Đối với tên nhân vật do bạn tự đặt, nếu là tiếng nước ngoài thì cố gắng đừng nghĩ ra những cái tên vô cùng đặc biệt, vô cùng khó đọc. Để một nhân vật thu hút được sự chú ý của người đọc thì cái mà bạn cần là phát triển nhân vật đó chứ không phải là phát triển cái tên. Mỗi khi người đọc đọc tới tên nhân vật họ sẽ gọi thầm tên nhân vật một cách vô thức trong đầu. Và khi người đọc không thể phát âm được cái tên của nhân vật thì mạch truyện sẽ bị đứt khi họ phải phân vân không biết nên đặt tên nhân vật như thế nào. Chẳng mấy chốc người đọc sẽ nhanh chóng phát ngấy nhân vật đó. Kể cả nếu như họ không phát chán họ cũng khó có thể kể cho người khác về câu chuyện mà họ không đọc nổi tên nhân vât.

Tuy nhiên một cái tên cũng có thể là một công cụ hữu hiệu nếu bạn biết cách khai thác nó. Cái tên có thể có một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa này thường sẽ làm độc giả thấy thú vị nếu nó phù hợp với tính cách, hoặc một đặc điểm nào đó của nhân vật. Sự trùng hợp không nên quá lộ liễu nếu tên không phải là tên biệt hiệu, nếu là tên thật thì nó nên trệch đi như là ý nghĩa đó trong tiếng Latin, hoặc ngôn ngữ cổ. Tên nhân vật nên được lựa chọn kỹ lưỡng, vì bản thân chính cái tên đó và cách mà nó được gọi cũng sẽ góp phần tạo cảm hứng cho bạn khi viết.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#17
Trở lại mục lục

PHỤ LỤC 2:



BẢNG THÔNG TIN NHÂN VẬT


Để nắm rõ về nhân vật, bạn có thể lập bảng thông tin về nhân vật và trả lời những câu hỏi mà bạn cho là cần thiết về nhân vật, sau đó lưu lại. Bảng thông tin sau đây là một ví dụ. Bảng thông tin này có thể được bổ sung thêm nhiều câu hỏi khác tùy theo mục đích của bạn.


(Với các fan TCCT, các bạn có thể cho rằng mình đang viết đồng nhân/fanfic nên bảng này không cần thiết. Nhưng việc bạn có thể điền vào bảng này nhiều hay ít sẽ biểu hiện ở một chừng mực nào đó rằng, bạn hiểu nhân vật đến mức nào)

~*~



Bảng thông tin nhân vật


Thông tin chung

Tên:
Biệt danh:
Ý nghĩa của tên:
Ý nghĩa của biệt danh:
Ngày sinh:
Tuổi:
Cung hoàng đạo: (Hoặc con giáp)

Ngoại hình

Màu mắt:
Màu tóc:
Cỡ người:
Màu da:
Chiều cao:
Đồ phụ trang:
Kiểu tóc:
Dấu hiệu trên cơ thể:
Ấn tượng đặc biệt khi nhìn:
Độ tuổi trông giống:
Trang phục thường mặc:

Tính cách

Tính cánh nổi bật:
Tính cách mờ nhạt:
Thói quen:
Nỗi sợ hãi lớn nhất:
Cái dễ làm xiêu lòng:
Sự việc nào có thể khiến nhân vật suy sụp:
Sự việc nào có thể khiến nhân vật thanh bình:
Người đó tin vào suy nghĩ cảm tính hay ưa suy xét thật cẩn thận khi đi đến quyết định:

Sở thích:

Màu sắc:
Màu sắc ghét:
Loại nhạc thích/ghét:
Thức ăn thích/ghét:
Con vật thích/ghét:
Mẫu người thích/ghét:
Sở thích đặc biệt:

Background:

Quê hương:
Đặc điểm quê hương:
Đặc điểm tuổi thơ:
Tôn giáo:
Ký ức mạnh nhất:
Trình độ học vấn:
Công việc/địa vị bây giờ:

Quan hệ:

Cha mẹ và mối quan hệ với cha mẹ:
Anh chị và mối quan hệ với anh chị:
Bạn bè và mối quan hệ với bạn bè:
Người yêu:
Được đáp trả hay không được đáp trả:
Đã từng lừa dối hay chưa:
Thái độ với người yêu:
Khi mệt mỏi về tinh thần người đó muốn được ở một mình, hay muốn có ai đó ở bên cạnh:
Cuộc sống của người đó mắc kẹt lại trong quá khứ, diễn ra trong thực tại hay hướng tới tương lai:
Bạn bè nhìn người đó như thế nào:
Người thân nhìn nguời đó như thế nào:
Kẻ thù nhìn người đó như thế nào:
Người không quen biết nhìn người đó như thế nào:

Khả năng:

Khuyết tật:
Lĩnh vực thông thạo:
Vũ khí thông thạo:
Lĩnh vực yếu kém:
Phong cách ứng xử:

Động lực:

Bí mật:
Người biết bí mật:
Mục đích:
Cách để đạt mục đích:
Tác động của cách đạt mục đích lên mọi người:
Tác động mục đích thànhh công sẽ gây ra cho mọi người:
Cái gì tạo nên năng lực sống cho người đó mỗi ngày:


Tự đánh giá về bản thân:

Điều làm day dứt:
Điều nhân vật tự cảm nhận về mình:
Điểm mạnh nhân vật tự nhận thấy:
Điểm yếu nhân vật tự nhận thấy:
Điều nhân vật muốn thay đổi:
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#18
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 11:



HỘI THOẠI (1)

Hội thoại là một trong những phần quan trọng nhất của một câu chuyện. Hầu như không thể viết truyện dài mà không có nó, và chuyện ngắn rất ít loại có thể tồn tại thiếu nó. Chức năng cơ bản nhất của hội thoại là cung cấp thông tin và bôi trơn cho tình tiết chuyện. Ngoài ra, hội thoại đem lại chiều sâu cho nhân vật, cho chúng ta biết về ngôn ngữ và phong cách của một nhân vật. Hội thoại không nên được xây dựng một cách vội vã chỉ để nhằm truyền đạt thông tin đến người đọc. Nếu như thế thì câu tường thuật sẽ hiệu quả hơn nhiều.


Tính cách của nhân vật trong hội thoại


Để có một đoạn hội thoại hay thì bên cạnh việc giữ đúng tính cách nhân vật, điều quan trọng hơn là xây dựng tính cách nhân vật qua hội thoại.


Mỗt một người đều có cách nói riêng biệt, những giọng điệu riêng biệt và cách thể hiện riêng biêt. Không phải là chuyện lạ nếu chúng ta viết hội thoại cho nhân vật và những nhân vật đó nghe giống chúng ta. Vậy cái gì sẽ làm cho hội thoại mang đậm dấu ấn của nhân vật? Câu trả lời đầu tiên sẽ là nội dung. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều thứ khác như ngữ pháp, hành động đi kèm, cách phát âm... Vấn đề lớn nhất tạo ra những đoạn hội thoại tồi là sự không giữ đúng tính cách nhân vật và sự không thực tế trong lời nói.


Một cách để xây dựng tính cách nhân vật trong hội thoại là dùng ngữ điệu và cách phát âm và ngôn ngữ địa phương. Mỗi một địa phương khác nhau có một cách phát âm và ngôn ngữ địa phương hơi sai khác, đưa nó vào được hội thoại sẽ giúp tăng ấn tượng của người đọc với nhân vật. Tuy nhiên để sử dụng được ngữ điệu và cách phát âm rất khó. Bạn cần phải hiểu rõ về cách phát âm và ngôn ngữ đó trước khi có thể kết hợp nó với hội thoại và nhân vật. Cách phát âm và ngôn ngữ sử dụng sai sẽ phá tính cách nhân vật một cách tồi tệ. Nếu bạn định dùng chúng trong hội thoại và không hiểu rõ ngôn ngữ, cách phát âm của địa phương mình muốn dùng thì hãy tìm hiểu rõ về nó, còn nếu không thì hãy từ bỏ ý định đó.


Nếu bạn không thể tìm hiểu được và vẫn muốn dùng cách phát âm? Bạn vẫn có thể dùng lời miêu tả để thể hiện nó. Cách này không hiệu quả như cách thực sự dùng nó, nhưng sẽ an toàn hơn.


‘An mới chuyển về TP HCM sống được một tháng. Công việc và cuộc sống đều đã ổn định, chỉ có một vấn đề duy nhất là do cô không sao quen được với giọng miền Nam. Nhiều từ miền Nam cô không quen, nghe mọi người nói mà nhiều khi cô chẳng hiểu.’


Sự hợp lý cũng là yếu tố sống còn của hội thoại. Khi xây dựng hội thoại bạn cần quan tâm tới độ tuổi, tính cách và trình độ giáo dục của nhân vật.


Trẻ con thường dùng những từ có thể khác với người lớn, và không thể dùng những từ phức tạp mà người lớn hay dùng, trừ phi là bạn muốn thể hiện một đứa trẻ già trước tuổi. Nhưng ngay cả vậy, ngôn ngữ của một đứa trẻ già trước tuổi cũng không tránh khỏi dấu ấn trẻ con của mình.


Tính cách nhân vật dựng nên hội thoại, và hội thoại sẽ khắc họa tính cách nhân vật. Bạn đã dựng nên quá khứ, môi trường sống của một nhân vật, đã tạo nên tính cách của nhân vật đó, thì bạn phải bám theo nó cho đến chữ "The End". Khi lập hội thoại, hãy luôn nghĩ trong trường hợp này, nhân vật sẽ nghĩ gì, cảm thấy gì và sẽ không nghĩ gì, không cảm thấy gì. Sau đó sẽ dẫn tới việc nói gì và không nói gì.


Nếu qua cả câu chuyện, A là một kẻ hèn nhát, ham sống sợ chết, thì không thể có một sự kiện mà giữa sống và chết, A chợt đứng lên, nhìn thẳng vào khẩu súng đang chĩa vào mình mà không run rẩy, nói thản nhiên. "Chỉ một người phải chết. Vậy hãy để tôi chết. Anh ấy cần phải sống, còn rất nhiều người cần đến anh ấy." Nếu một người mà tuổi thơ đã mất cả gia đình trong một vụ hoả hoạn, và người đó cũng đã sống sót trở về từ vụ hỏa hoạn đó, thì không thể có một đoạn hội thoại mà người đó ca ngợi hết lời về những người lính cứu hoả hay về vẻ đẹp của lửa được. Một người hay xấu hổ sẽ tránh dùng từ ‘tình dục’ khi nói và một thiếu niên sống phóng khoáng nhiều bạn bè sẽ không xưng hô ‘bạn – tôi’ khi nói chuyện với bạn mình.


Hãy thử hình dung xem nhân vật sẽ xử sự thế nào trong một tình huống nhất định và sau đó hợp nhất cách xử sự đó với lời nói. Tình cảm của nhân vật trong một tình huống, sợ sệt, bình tĩnh, đau khổ hay hạnh phúc, các sắc thái tình cảm đều để lại dấu vết trong hội thoại. Cùng truyền đạt một nội dung nhưng với những sắc thái tình cảm khác nhau là những lời thoại khác nhau.


Bình tĩnh: ‘Đứa bé bước trên dây một cách điêu luyện và nhẹ nhàng.’


Kinh ngạc: ‘Nhìn nó bước trên dây xem! Chẳng khác gì diễn viên xiếc! Tài thật!


Lo lắng: ‘Đi trên dây khéo gì thì khéo chứ cứ thế này thì nó ngã chết mất thôi!’


Sợ hãi: ‘Trời! Nhìn sợi dây run lên kìa! Sao nó lại dám đi trên đó như thế chứ!’


Không quan tâm: ‘Có gì tài đâu? Nó sống trong rạp xiếc từ nhỏ, đi trên dây giỏi cũng là chuyện thường thôi.’


Khinh thường: ‘Có thể mà cũng khoe. Đi trên dây chỉ là việc của lũ vô học.’


Bạn cần hiểu biết về nhân vật. Nhất là khi nhân vật của riêng bạn thuộc về một câu chuyện dài, thì tầm quan trọng của việc hiểu biết về nhân vật không thể bỏ qua. Nếu trong fanfic, hãy lắng nghe kỹ cách nói của nhân vật. Chẳng hạn như trong HunterxHunter, Killua những lúc ở luôn bạn bè luôn có thái độ tinh nghịch của một đứa trẻ, nhưng khi đối diện với sự đe doạ hoặc gia đình, thì lại có cách nói nghiêm trang và sâu. Kurapika khi nói về bản thân luôn sử dụng từ "watashi"- "tôi"; Trong Get Backers. Akabane luôn gọi Ginji là “Ginji-san”, Ginji luôn gọi Ban là “Ban-chan” v.v...

(Fan TCCT lội lên xem lại ví dụ của chương 10.)


Để đoạn hội thoại của fanfic sinh động và có dáng dấp của nguyên tác, phong cách nói của nhân vật, thái độ của nhân vật đối với những nhóm người khác nhau, những cụm từ nhân vật hay dùng, hoặc một vài câu nói nổi tiếng của nhân vật cần được áp dụng bất cứ chỗ nào hợp lý.


Trình độ học vấn của nhân vật là một vấn đề thường bị vi phạm. Tùy theo trình độ học vấn mà cách nói của mỗi người sẽ trở nên khác nhau. Với tính cách lịch sự và hiểu biết sâu rộng của mình, Kurapika sẽ không bao giờ ‘chửi đổng’ hoặc nói những từ thô lỗ, hoặc xư hô ‘tao – mày’, đồng thời thường là nhân vật được giao nhiệm vụ giải thích một sự việc nào đó. Nhưng ngược lại, một người khuân vác bình thường sẽ không đột nhiên tuôn ra cả một tràng dài giải thích về Big Bang và sự hình thành vũ trụ, cũng không mất công lựa chọn ngôn từ khi nói và tránh những từ thô tục.


Ở đây người viết cũng cần phân biệt được văn nói và văn viết, hay sự khác biệt về những điều mà bạn thu lượm được trong sách giáo khoa và những gì người ta nói thường ngày. Những từ như đỉnh, chuối, tóc vàng hoe,… là ngôn ngữ nói. Chúng không thể dùng trong lời kể trừ phi bạn viết chuyện hài. Chúng cũng không thể xuất hiện trong lời nói của những nhân vật cấp cao trong một dịp lễ trọng đại. Tuy vậy, những từ hoặc cách thể hiện hay xuất hiện trong văn viết hoặc các bài phát biểu không nên dùng trong những lời nói bình thường.


Sẽ thật kỳ quặc nếu bạn đọc được một cậu học sinh thốt lên: ‘Ôi, cuộc đời này mới tươi đẹp làm sao!’ hoặc một bà bán hàng nói: ‘Ngày hôm qua cô giáo đã bày tỏ mối quan ngại về tình hình học tập của thằng con trời đánh của tôi.’


Một đoạn giải thích như sau có thể nghe rất hiểu biết:


‘Khí clo là khí độc. Nếu bạn hít phải nó, nó sẽ phá hủy đường hô hấp của bạn. Trong trường hợp bạn gặp phải khí độc hãy tìm một mẩu vải ướt chặn đường hô hấp lại. Khí clo gặp nước có thể tạo thành HCL, nhưng nồng độ chỉ khoảng 15% sẽ không đủ mạnh để làm hại bạn, trong khi đó nước sẽ là vật cản tốt để tránh khí độc chui vào phổi bạn.’


Thế nhưng trong cuộc sống bình thường hàng ngày, và nhất là trong tình huống khẩn cấp chẳng kẻ ngớ ngẩn nào lại nói mớ lý giải đó ra, kể cả thầy giáo hóa học. Người ta sẽ chỉ nói đơn giản:


‘Khí độc! Mau kiếm mẩu vải ướt bịt ngay vào mũi!’


Đối tượng nhân vật nói chuyện với cũng quyết định những gì nhân vật sẽ nói. Đối với một người lớn tuổi và được kính trọng, người ta sẽ nói: ‘Cách suy nghĩ của ông không được hợp lý lắm’, chứ không nói ‘Ông đúng là thằng điên!’ Một bà mẹ không được học hành tử tế và quen với lối ăn nói bỗ bã sẽ không cúi xuống mà nói với con ‘Này con, mẹ không thể tưởng tượng nổi là con lại làm như thế này với mẹ.’ Bà ta sẽ nói: ‘Thằng ranh con! Sao mày dám làm thế!’


Giới tính của nhân vật cũng nên được quan tâm. Đây không phải là tuyệt đối, nhưng thường thì cách nói chuyện của nam giới và nữ giới khác hẳn nhau. Phụ nữ thường dễ nói những điều ướt át hơn, dùng nhiều miêu tả hơn, thể hiẹn nhiều cảm xúc hơn nam giới. Có những chủ đề mà phụ nữ hay nói, và có những chủ đề chỉ nam giới nói với nhau. Khi nói chuyện với nhau về một người phụ nữ khác, cái mà phụ nữ quan tâm thường là diện mạo, quần áo và gia đình. Khi nói chuyện với nhau về một người đàn ông khác, đàn ông thường quan tâm tới tiền tài, sự nghiệp và con vợ/con bồ có quyến rũ hay không.


Tính cách nhân vật đóng một vai trò quan trong để tạo nên những đoạn chen ngang. Mỗi một người khác nhau có những thái độ, cách thể hiện khác nhau khi nói. Những đối tượng nói chuyện khác nhau cũng khiến người ta có những cách phản ứng khác nhau. Một nguời kín đáo ít lời khi nói có thể có những hành động thu mình lại như khoanh tay, đưa tay lên che miệng, ngồi khép gối, không nhìn thẳng vào mắt người đối diện vv... Một người cởi mở khi nói chuyện có thể sẽ có vẻ mặt rất biểu cảm, dùng nhiều cử chỉ để diễn tả lời nói của mình, thường nhìn người đối diện. Một số người khi mất bình tĩnh sẽ nói lắp ba lắp bắp, hoặc nói lung tung. Biết sử dụng những đoạn chen ngang hiệu quả trong hội thoại sẽ giúp bạn khắc họa rất tốt tính cách của nhân vật.


Hội thoại câm


Hội thoại câm là đoạn hội thoại không phát ra âm thanh. Hội thoại kiểu này được dùng để thể hiện đối thoại nội tâm trong đầu nhân vật hoặc những tình huống mang tính chất tâm lý, siêu nhiên, ký ức.


Hội thoại câm bao giờ cũng phải tách riêng khỏi truyện bằng một cách khác với hội thoại bình thường để thể hiện tính chất câm lặng của nó.


Một cách sử dụng quen thuộc nhất là in nghiêng.


Sẽ không bao giờ mình còn được thấy Yukina nữa. Hiei đứng lặng trước mộ em gái. Giá như mình đã nói với nó mình là anh trai của nó.


Một cách khác là sử dụng dấu phẩy đơn.


'Tại sao cậu lại trở về đây? Để ám tôi chăng?' Leorio lặng nhìn bóng ma đang đứng bên giường.

Kurapika chỉ cười. Đã sáu mươi năm rồi kể từ ngày ấy. Tóc Leorio đã bạc trắng, mắt đã mờ, da nhăn nheo, thời gian in đậm trên cả cơ thể và gương mặt ông. Nhưng thời gian không để lại chút dấu ấn gì ở Kurapika. Vẫn mái tóc vàng ấy, vẫn đôi mắt xanh trẻ trung ấy, vẫn gương mặt đầy sức sống ấy. Phải rồi, thời gian không có ảnh hưởng gì lên những người đã chết.


'Kurapika, tại sao...' Leorio cố dùng chút lực tàn với đến bóng ma.


Chợt Kurapika quỳ xuống bên cạnh giường và cầm lấy tay ông. 'Chỉ một chút nữa thôi, cậu sẽ rời bỏ nơi này. Đừng lo lắng Leorio, cũng đừng sợ hãi. Chúng ta sẽ lại ở bên nhau, tất cả chúng ta. Gon, Killua và tôi nữa, sáu mươi năm nay, chúng tôi đã luôn chờ đợi cậu.'


Cũng có thể sử dụng dấu phẩy kép đi kèm với từ "nghĩ":


"Chẳng còn gì hết. Tất cả đã chấm dứt." Seta nghĩ thầm, rồi lắc đầu với mình. "Không, tất cả chưa chấm dứt."


Đương nhiên, sử dụng gián tiếp cho những trường hợp này cũng có thể được:


'Cậu sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Yukina nữa. Hiei đứng lặng trước mộ Yukina. Yukina đã ra đi mà tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành. Giá như cậu đã chỉ một lần nói với cô rằng cậu là anh trai của cô.'


Nhưng như thế thì không giữ được tính chất của hội thoại câm nữa. Sử dụng gián tiếp kéo gần đoạn hội thoại câm lại với tác giả, nhưng lại kéo nó xa khỏi nhân vật. Tuỳ trong từng trường hợp mà sử dụng gián tiếp hay trực tiếp hội thoại câm sẽ có tác dụng khác nhau.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#19
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 12:



HỘI THOẠI (2)


Hội thoại bị chen ngang


Miêu tả hành động, sự kiện và ý nghĩ của nhân vật xảy ra trong hội thoại là cần thiết. Hàm lượng của chúng nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào phong cách của từng người. Có người viết dài, có người viết ngắn. Nhưng không bao giờ nên viết quá nhiều.


Hội thoại bị chen ngang là đoạn hội thoại bị tách ra giữa các lời thoại bằng một đoạn miêu tả, ý nghĩ hoặc đuôi thoại hành động dạng:


"Em không còn muốn ở bên anh nữa." Cô nhìn người yêu và đi ra khỏi phòng.


"Anh không bao giờ ngừng yêu em." Anh thở dài buồn bã và nhìn theo bóng cô.


Những từ miêu tả chen ngang này cũng rất dễ bị rơi vào lối mòn như "gật đầu, bước lên một bước, lùi lại, quay sang ngang..." Hãy thử sáng tạo với những sắc thái khác.


Một đoạn hội thoại cho những cảnh nghiêm trọng, đầy xúc cảm, căng thẳng cao độ mà lại không có chen ngang ở mức độ vừa phải thì rất có vấn đề. Thật kinh khủng khi đọc một đoạn hội thoại kiểu thế này:


' "Cô sẽ phải trả giá vì đã phản bội tôi."


"Em... em không hề phản bội anh."


"Cô đừng giả bộ ngây thơ nữa. Tôi đã biết tất cả rồi."


"Xin anh, anh hãy nghe em giải thích..."


"Tôi không thể tha thứ cho cô được nữa. Vĩnh biệt." '


Thì hầu như toàn bộ cảm xúc của đoạn hội thoại đã bị mất. Những đoạn chen ngang rất cần thiết. Trong một đoạn hội thoại người ta không đứng như những bức tượng để nói chuyện với nhau. Những vẻ mặt có thể thay đổi, những cử chỉ có thể được thực hiện, và còn biết bao nhiêu điều khác có thể diễn tả nội tâm ngoài lời nói. Sử dụng chúng một cách vừa phải sẽ đem đến cho câu chuyện vẻ hợp lý và hấp dẫn hơn.


Những miêu tả và ý nghĩ chen ngang này cần được dùng cẩn thận. Chúng cần thiết khi đóng vai trò quan trọng vào việc tạo ra ý nghĩa cho lời thoại, cần thiết cho tình tiết truyện như đưa nhân vật rời khỏi một cảnh nào đó, hoặc khi lời thoại quá nhiều cần làm sinh động hơn. Nhưng vẫn không nên dùng chúng quá nhiều. Ý nghĩ của nhân vật và miêu tả hành động của nhân vật chen ngang quá nhiều dễ dẫn tới khiến người đọc không theo được mạch hội thoại và mạch sự kiện của một đoạn truyện.


Đoạn hội thoại trên nếu bị viết chen ngang quá đà thì có thể như sau:


'Hắn đưa súng lên chĩa vào cô mà lòng đau như cắt. "Cô sẽ phải trả giá vì đã phản bội tôi." Hắn đã muốn dành cho cô tất cả, tất cả những gì hắn có, kể cả cuộc đời hắn. Hắn đã làm biết bao nhiêu điều cho cô mà không hề so đo tính toán. Nhưng cô chẳng quan tâm, cô chỉ nhận nó như một điều hiển nhiên.


"Em... em không hề phản bội anh." Cô lắp bắp và lùi lại. Sự sợ hãi làm cô tê liệt không thể cử động được nữa. Tại sao anh ấy lại buộc tội cô chứ? Cô đã làm gì sai? Cô đã yêu anh ấy hết lòng, cô đã trao cho anh cả thứ quý giá nhất của người con gái. Đôi mắt kia đã từng một thời chỉ nhìn cô với sự dịu dàng, giờ đây trong chúng chỉ còn sự oán hận và giận dữ. Đôi bàn tay kia mới ngày nào còn gợi nên những đam mê cuồng nhiệt, nay đã lạnh lùng chĩa sũng vào cô.


Hắn cố giữ giọng mình lạnh lùng. "Cô đừng giả bộ ngây thơ nữa. Tôi đã biết tất cả rồi." Hắn hận cô là thế mà hắn vẫn không thể buộc mình vô cảm để nhìn cô trong vũng máu. Đau, ngực hắn đau buốt, không hiểu là cái đau của cơ thể, hay cái đau của tâm hồn. Nhìn dòng nước mắt lăn trên má cô, hắn chỉ muốn ôm cô vào lòng an ủi, nhưng không, hắn không thể chạm tới một kẻ đã thuộc về người khác, một kẻ đã phản lại hắn một cách vô liêm sỉ chỉ vì mấy đồng tiền.


"Xin anh, anh hãy nghe em giải thích..." Cô cố van nài, không lùi thêm được nữa vì lưng đã chạm vào cạnh bàn. Cô không muốn chết, cô lại càng không muốn chết trong tay hắn khi mà cô đã biết cô yêu hắn, và hắn đã đáp trả lại tình cảm ấy. Vì tất cả những tháng ngày bên nhau, chẳng nhẽ hắn không thể cho cô một cơ hội để giải thích sao?


Mắt hắn nhoà đi. "Tôi không thể tha thứ cho cô được nữa." Hắn gầm lên. Tại sao, tại sao tất cả lại đến nông nỗi này? Hắn chỉ muốn hạnh phúc, hắn chỉ muốn được sống một cuộc đời bình thường cùng cô. Hắn chỉ muốn một căn nhà nhỏ và một công việc kiếm đủ tiền để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Và họ sẽ có con, sẽ hạnh phúc đến đầu bạc răng lòng. Nhưng... Đã quá muộn rồi. "Vĩnh biệt." Hắn bóp cò súng.'


Xỉu. Với một đoạn hội thoại như trên, phản ứng của người đọc sẽ là: "Trời, cuối cùng thì đã bắn rồi à? Bằng ấy thời gian thì người ta đã kịp uống trà, gọi cảnh sát, rồi lại uống trà, rồi tước súng của hắn, uống thêm một chút trà nữa, rồi tống cả hai vào nhà thương điên!"


Nếu cần thiết phải chen ý nghĩ, hãy sử dụng một đoạn hội thoại liền, rồi hãy chen một đoạn ý nghĩ. Hoặc thỉnh thoảng chỉ sử dụng một ý nghĩ nào đó. Nói - nghĩ - nói - nghĩ - nói - nghĩ rất dễ gây phản cảm.


Cũng có một cách nữa là để nhân vật tự bộc lộ ý nghĩ của mình qua lời nói như:


"Anh đang nghĩ gì đấy?" Mary hỏi.


Vứt quyển sổ xuống bàn, John vớ lấy cái áo khoác. "Tôi đang nghĩ một ngày đẹp trời thế này mà chôn chân trong văn phòng thì thật là chán. Cô có muốn đi dạo cùng tôi không?"


Đoạn chen ngang được viết thêm thuộc về lời thoại nào nên được viết dưới góc nhìn của nhân vật đang nói. Như vậy người đọc sẽ cảm thấy mạch văn trôi chảy hơn và không bị gượng.


‘Đừng hại tôi....’ Nguời phụ nữ rên rỉ và cố đẩy thằng côn đồ ra.


‘Đừng hại tôi...’ Thằng côn đồ siết chặt tay vào cổ người phụ nữ.


Trong hai câu trên thì ở câu thứ hai lời van xin nghe có vẻ xuất phát từ thằng côn đồ chứ không phải người phụ nữ, đọc lên nghe rất gượng.


Lược bỏ hội thoại:


Cũng giống như các tình tiết, mỗi đoạn hội thoại phải nhằm vào một mục đích nào đó. Hoặc là cần thiết cho cốt chuyện, hoặc cần thiết cho việc phát triển tính cách nhân vật. Nếu bạn viết một đoạn hội thọai rồi phát hiện ra rằng nó chẳng để làm gì, không có nó thì tính cách nhân vật cũng không mờ nhạt đi, hoặc truyện vẫn diễn biến tốt thì dù đoạn hội thoại đó có dài cả trang cũng đừng tiếc mà lược bỏ nó đi. Biết được chỗ nào cần lược bỏ cũng là một kỹ năng.


Thường thì hội thoại nhắm vào một số mục tiêu:


+ Phát triển tình tiết truyện.


+ Thuộc về một đoạn miêu tả hành động.


+ Miêu tả những tình tiết quan trọng.


+ Phát triển tính cách nhân vật.


+ Tạo cảm xúc cho độc giả.


Nếu một dòng hội thoại đạt được một trong những mục tiêu trên thì hãy để nó lại. Còn nếu nó chẳng nhằm để làm gì thì hãy bỏ nó đi.



Đuôi thoại


Nhắc đến lời thoại, một phần làm cho lời thoại sinh động chính là thứ đi kèm theo lời thoại. Nó có thể đứng ở trước lời thoại như trong tiếng Việt, hoặc ở sau lời thoại như trong tiếng Anh. Trong bài viết này, tạm gọi nó là đuôi thoại (Dialogue Tags).


Đuôi thoại có thể chia làm 3 dạng cơ bản: Không tồn tại, mềm và cứng.


Dạng tốt nhất là không tồn tại, cho phép hội thoại tự do và không bị cản trở bởi lời truyện. Trong hội thoại hai người, dạng đuôi này có thể được áp dụng trong cả trang truyện.


' "Chuyện gì sẽ xảy đến với cậu ấy?"


"Đừng lo, thằng nhóc sẽ ổn thôi, nó xoay xở giỏi lắm."


"Nhưng chỉ một mình cậu ấy mà chúng có tới..."


"Đã nói là đừng lo! Điều quan trọng là phải rời khỏi đây ngay." '


Đối với hội thoại nhiều người, dạng đuôi này không còn phù hợp nữa và thường gây khó hiểu cho người đọc. Lúc này, cần đến sự xuất hiện của đuôi cứng và đuôi mềm.


Điểm cần nhớ đầu tiên: Đừng cứng nhắc trong việc sử dụng các loại đuôi thoại.


Đuôi thoại mềm gồm những từ như: nói, hỏi, trả lời, kể, chỉ ra, nhận xét... Chúng được coi là "mềm" vì chúng không mang ý nghĩa về hình ảnh và thanh âm hay tình cảm. Chúng không thu hút được sự chú ý vào bản thân chúng. Chúng được coi là đuôi vô hình.

'"Chúng ta nhất định sẽ ra được khỏi đây, chỉ cần nghĩ ra được cách thôi." Yusuke nói.


"Nhưng bằng cách nào?" Kuwabara hỏi.


"Đồ ngốc. Không biết thì phải nghĩ cách." Hiei nói.


"Xem nào, tớ có cách này..." Kurama nói.'


Đuôi thoại cứng bao gồm những thứ khác. Đó là những từ miêu tả cách nhân vật nói như thét lên, gầm gừ, cười, lẩm bẩm, hoặc những từ như thổ lộ v.v... Chúng cần được dùng cẩn thận. Không cần thiết phải lúc nào cũng cần miêu tả cách nhân vật nói. Một người có thể hét cả đoạn hội thoại, nhưng miêu tả quá nhiều điều đó bằng cách sử dụng đuôi thoại cứng sẽ phản tác dụng.


Một dạng nữa của đuôi thoại cứng là dùng gián tiếp nó bằng cách thay thế bằng các từ miêu tả như: nói một cách, nói buồn bã, hét lên đầy sợ hãi v.v... Cũng như lời thoại cứng, dùng quá nhiều dạng này cũng sẽ dẫn tới phản cảm.


'"Đừng hòng lấy được một xu nào của tao." Lão hét vào mặt thằng con trai.


"Tôi không thèm tiền của bố, bố đừng mơ." Thằng con trai trả lời một cách hỗn láo.'


Một cách để tránh lạm dụng đuôi thoại là thử thay thế mọi đuôi thoại về một đuôi mềm như 'nói', rồi đọc lại một lần nữa xem có thể bỏ hoàn toàn đuôi thoại nào, cần thay thay thế cái nào sang đuôi cứng. Đôi lúc chỉ cần thay thế bằng một đuôi thoại mềm khác như 'hỏi' hoặc 'trả lời'. Kiểu đuôi thoại mềm có thể không thông dụng lắm trong tiếng Việt, thường được thay bằng đuôi thoại cứng hoặc đuôi thoại không tồn tại. Bạn có sử dụng nó hay không là tùy theo cách viết của bạn, như Kal, cách viết của Kal ảnh hưởng mạnh tiếng Anh, và các đuôi thoạn mềm có thể nói là trải dài cả trang truyện theo nghĩa đen.


Một điều quan trọng nữa, mỗi khi có một người bắt đầu nói thì hãy dành cho họ một đoạn văn mới. Đừng đưa cả một cảnh vào một đoạn văn. Đọc một câu chuyện mà lời nói của tất cả mọi người đều được thể hiện trong một khổ kiểu:


“...” A nói. “...” B ngắt lời và đi ra lấy một tách nước. “....” A phản đối. “....” C chen vào. And the list goes on.... (well, it’s not really a list, but...)


đúng là một sự hành hạ. Nhiều lúc không hiểu nổi ai nói gì và cái gì đang diễn ra nữa.


Bối cảnh của hội thoại.


Hội thoại luôn diễn ra trong một bối cảnh nào đó. Người viết cần luôn luôn nhớ đến điều này khi viết hội thoại.


Bối cảnh sẽ ảnh hưởng lên lời nói và sắc thái của nhân vật, hoặc giới hạn hội thoại của nhân vật. Đứng trong phòng đông người thì hoặc là người ta phải nói thét lên, hoặc lời nói chỉ là tiếng thì thầm, và bạn không thể cho nhân vật ‘nói to dõng dạc’ được. Ở những năm cuối thời Tần Thủy Hoàng thì bạn không thể cho một nhóm 4, 5 người dân bình thường đứng túm tụm nói chuyện với nhau được, trừ phi bạn muốn họ bị chết chém.


Ngược lại, những lời nói và thái độ của nhân vật sẽ ảnh hưởng lên thái độ của những người bên cạnh nhân vật. Quanh bàn ăn có 5 người ngồi. 2 người nói chuyện với nhau những vấn đề sâu sắc và quan trọng không cần giữ ý. Những người kia chỉ ở đó với một mục đích duy nhất là cho chúng ta biết ‘quanh bàn ăn có nhiều người’. Một đoạn hội thoại như vậy tạo cảm giác khó chịu và không thật.


Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng khi viết người viết thường chú trọng tới hai nhân vật đang nói chuyện hơn là những người chung quanh, và cả những người viết tài giỏi cũng dễ mắc phải lỗi này. Trong Fanfom ‘Smallvile’ tôi rất thích một tác giả. Fic của tác giả này rất sáng tạo và có chiều sâu. Nhưng có một chương như thế này: Clark, Lex và bố mẹ của Clark ngồi trong phòng ăn. Bố mẹ của Clark chỉ vừa chấp nhận Lex. Và thế là Clark và Lex ngồi nói chuyện với nhau trên trời dưới biển về tình cảm và những kế hoạch cho tương lai. Cuộc nói chuyện dài đến ba trang. Và đến cuối, ông bố nói một câu kết luận. ‘Thôi, bây giờ đã quá muộn rồi’. Cứ mỗi lần đọc đến đó tôi lại khựng lại và tự hỏi ông bố bà mẹ đã biến đi đâu trong toàn bộ cuộc nói chuyên, hay là cũng giống như chúng ta các yaoi fan họ bị hấp dẫn bởi tình cảm của Clerk và Lex đến nỗi họ chỉ biết ngồi đó há hốc miệng mà ngắm hai người.

(yaoi fan: hủ nữ)
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,954
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#20
Trở lại mục lục

CHƯƠNG 13:



BỐI CẢNH


Bối cảnh rất quan trọng, nó cho chúng ta sự hình dung về nơi và cách mà cách hành động diễn ra. Nó có thể ảnh hưởng tới hành động của nhân vật, giải thích tính cách của nhân vật và thậm chí là ảnh hưởng tới sự phát triển của tình tiết. Bối cảnh có thể trở thành sợi dây kết nối toàn câu chuyện. Một bối cảnh tốt được xây dựng tốt sẽ khiến độc giả dễ thấy câu chuyện như một thể thống nhất hơn là một đống tình tiết chắp vá. Bối cảnh bản thân nó cũng có thể gợi cho người viết nhiều tình huống hoặc không khí truyện. Vậy câu chuyện của bạn diễn ra trong bối cảnh như thế nào? Chỉ trong một căn nhà, hay trong cả một thành phố lớn. Cho dù câu chuyện của bạn chỉ diễn ra trong một căn nhà thì cũng hãy chịu khó để mình có một cái nhìn qua về thành phố mà ngôi nhà đó ở trong, bởi các yếu tố của thành phố đó sẽ để lại dấu ấn lên trên con người và cả ngôi nhà kia. Còn nếu câu chuyện của bạn diễn ra trong một dãy phố, một thành phố, hay nói khác đi, một cộng đồng, thì việc quan tâm xem cộng đồng đó như thế nào là rất quan trọng. (Ta đang nói trong trường hợp bạn muốn xây dựng một fic thực sự, có thể là fic dài, bao gồm đủ cả điểm mở đầu, kết thúc và các tình tiết truyện chứ không phải dạng fic POV hay chỉ để diễn tả một cảm xúc).


(fic POV: fic thuần cảm xúc, không có sự kiện cũng như cốt truyện cụ thể, ví dụ tiêu biểu có thể là truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam)

Có nhiều điểm quan trọng với bối cảnh như:


+ Tên: Mỗi một địa điểm thường có một cái tên nhất định. Có thể bạn sẽ không dùng tới cái tên này một lần nào trong cả truyện, nhưng vẫn nên có một cái tên, bởi nó sẽ cho bạn một cảm nhận rõ ràng hơn về bối cảnh truyện mà bạn đang viết.


+ Con người: Mỗi một địa điểm luôn có người sinh sống, trừ phi đó là giữa đại dương hay trên hoang mạc. Bạn có thể vạch ra sơ lược xem trên địa điểm bạn dùng làm bối cảnh có những nhóm người nào và đặc điểm sơ qua của họ. Bạn không cần phải quá chi tiết, bởi dù sao thì chúng ta cũng không phải đang cố viết những tác phẩm quá lớn như Harry Potter. Những nhóm người này có thể sẽ không xuất hiện trong tác phẩm của bạn, nhưng như đã nói ở trên, nó cho bạn một cảm nhận rõ rệt hơn về bối cảnh, và khiến bạn hình dung rõ hơn phản ứng mà nhân vật của bạn sẽ có khi giao tiếp với những người xung quanh họ. Đây không chỉ là điều sẽ mang lại cho fic của bạn một cảm giác hiện thực mà còn có thể sẽ mang lại những ý tưởng mà bạn không ngờ tới.


+ Chính quyền: Mỗi địa điểm thường có một chính quyền nhất định. Chính quyền này sẽ ảnh hưởng lên những chính sách mà địa điểm đó đang áp dụng, những chính sách này sẽ ảnh hưởng lên tình trạng của địa điểm đó, và cuối cùng là ảnh hưởng dây chuyền lên nhân vật và cuộc đời của nhân vật.


+ Địa lý:Bạn nên hình dung được, hoặc vẽ sơ qua hình dáng, địa bàn của địa điểm mà bạn chọn làm bối cảnh. Điều này sẽ đem đến cảm nhận rõ hơn về bối cảnh, có thể sẽ mang lại cho bạn ý tưởng, cũng như sẽ giúp bạn tránh được những sai sót vì thông tin không đồng nhất ở các phần truyện. (Tôi thường làm điều này khi viết fic AU hoặc fic dài. Khi viết “Kaga và quái vật” – một truyện AU của Hikaru no Go, tôi đã vẽ lên hẳn một bản đồ chi tiết cho fic đó.)


(Một ví dụ cho fan TCCT về các fic được lên bản đồ chi tiết là fic Công Thành chi chiến của anh Cát Tường Tam Bảo, hoặc idea này của chị Lá Mùa Thu)


+ Dòng thời gian: Chuyện đương nhiên bạn cần phải chú ý trong các câu chuyện nghiêm chỉnh và không dính đến du hành thời gian, hoặc sự bóp méo của thời gian. Hãy thử xem “Thần y Ho Jun” đôi khi bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe thấy những khái niệm đặc sệt y thuật hiện đại. Một câu chuyện ở vào thế kỷ 18 thì không thể có máy bay, có máy tính; và bạn không thể có một đất nước với các quan quản lý từng địa phương ở nước Anh trung cổ.


+ Lịch sử: Nếu câu chuyện bạn viết dựa trên lịch sử thì hãy chắc chắn là bạn biết rõ về thời kỳ lịch sử đó. Nếu bạn không biết về rõ thì đừng nói gì, đừng viết gì cho đến khi bạn biết rõ. Có thể một vài lỗi nhỏ sẽ thường được bỏ qua, nhưng dù thế nào thì cũng vẫn có khả năng một người nào đó bất chợt hét lên: ‘Làm cái quái nào mà nó lại xảy ra như vậy được ?!?’ Đối với một câu chuyện hoàn toàn không dựa trên lịch sử bạn cũng nên có một cái nhìn sơ lược về lịch sử vùng đất bối cảnh. Có thể bạn không nói nó ra, nhưng nó sẽ cần thiết khi bạn cần giải thích một số thứ, và giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn về tác phẩm.

+ Phong tục: Mỗi vùng đất đều có một số thói quen, phong tục, tôn giáo nhất đinh. Nó sẽ ảnh hưởng lên lối suy nghĩ và những hành động của nhân vật. Như một người theo Đạo thiên chúa sẽ có thói quen làm dấu thánh, còn người theo đạo Phật thì không thể bỏ qua phong tục cúng lễ và thắp hương cho người đã khuất.


+ Quá khứ: Quá khứ sẽ định hình hiện tại. Một vùng đất đã trải qua một cuộc tấn công hẳn sẽ có những cơ quan phòng thủ và quân đội vững mạnh. Một vùng đất đã từng bị phá hủy bởi núi lửa sẽ có những hệ thống theo dõi hoạt động của núi lửa và hệ thống cảnh báo khi thảm họa xảy ra.


+ Thời tiết: Thời tiết có thể ảnh hưởng lên toàn bộ những hành động của nhân vật, như nếu trời mưa tầm tã thì người ta sẽ ở lỳ trong nhà. Khi trời nóng nực hoặc khi đi trong sa mạc thì nhân vật sẽ tìm mọi cách để che đầu. Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của tình tiết truyện, như một cơn bão có thể nhấn chìm cả một đội thuyền chiến, hoặc chỉ đơn giản là đánh gẫy cái cây nhiều kỷ niệm mọc ở góc sân.


Đối với fanfic, bạn có thể chú ý thêm một điều nữa.


+ Sự đồng nhất với thế giới của truyện nguyên bản: Hãy để ý tới những điều có thể hoặc không thể trong thế giới của truyện gốc. Ví dụ như Houshin Engi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cổ, nhưng hẳn sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu tự dưng xuất hiện một robot hiện đại.

(Cho những fan TCCT, trong bối cảnh nguyên tác, game đã được công nhận bởi phần đông xã hội nên sẽ rất kỳ quặc nếu bạn viết một fic nguyên tác mà để nhân vật mình giãy dụa, đau khổ vì bị gia đình ngăn cấm đi theo con đường tuyển thủ chuyên nghiệp. Tương tự như vậy, với các số liệu tác giả Hồ Điệp Lam đã nêu ra, các bạn cũng không cần phải để các đại thần của chúng ta lo lắng khổ sở hoặc làm những công việc với mức lương tạm đủ để sống sau khi giải nghệ đâu.)


Khi sử dụng bối cảnh, rất dễ nhận thấy là bối cảnh có thể là bối cảnh lớn, cũng có thể là bối cảnh nhỏ.


Bối cảnh lớn không cần được miêu tả kỹ lưỡng. Nó không cần đi vào tiểu tiết mà cần bao gồm những ấn tượng chung nhất, những thông tin cần thiết nhất, những hình ảnh lớn như rặng núi, lục địa, những đặc điểm chung nhất về thói quen, lịch sử, thời tiết, tôn giáo.... Bối cảnh lớn cho chúng ta cái nhìn chung về thế giới của truyện, một thế giới khác với chúng ta. Nó cần thiết vì người viết cần người đọc hình dung được thế giới đó như thế nào và không đi vào suy đoán những điều sai lệch sẽ dẫn tới những cảm nhận không mong muốn về truyện.


Bối cảnh nhỏ là bối cảnh được miêu tả chi tiết. Bạn có thể không có bối cảnh lớn nhưng buộc phải có bối cảnh nhỏ, vì đây là nơi mà hành động diễn ra. Nếu bạn đã có bối ảnh lớn thì bối cảnh nhỏ sẽ dễ được người đọc chấp nhận hơn vì đã được hướng theo một cách suy nghĩ nhất định nhờ bối cảnh lớn. Không khí truyện trở nên cần thiết ở đây, vì bối cảnh nhỏ là nơi tương tác trực tiếp với cảm nghĩ và hành động của nhân vật.


Bối cảnh nhỏ có thể được thể hiện qua miêu tả ở phần đầu mỗi cảnh. Những hình ảnh mà bạn đưa ra sẽ định hình trong đầu độc giả quang cảnh mà ở đó hành động sẽ diễn ra. Nhưng không chỉ giới hạn ở đó, bối cảnh cần được củng cố ở toàn bộ nội dung chuyện. Có thể không phải là những đoạn miêu tả dài mà những hành động tương tác của nhân vật với cảnh. Bạn không cần phải nói là trời nóng, nhưng hành động cởi áo mồ hôi nhễ nhại là đủ để thể hiện trời nóng. Bạn không cần phải nhắc đi nhắc lại là nhân vật đang ở trong rừng hay miêu tả khu rừng này đẹp thế nào. Để nhân vật ngắt một cái lá trên đường đi, gạt những cành cây rậm rạp phía trước sang bên, cúi xuống xem một đóa hoa dại ở gốc cây sẽ đem lại hiệu quả thể hiện bối cảnh nhiều hơn nhiều là dùng một đoạn văn miêu tả đơn thuần. Ở đây người viết cần chú ý giữ được tính hợp lý và đồng nhất với những bối cảnh nhỏ được miêu tả ở trước đó và bối cảnh chính của cả đoạn. Thật tệ nếu như bạn cho nhân vật ngắt một cái lá trên đường đi trong một khu rừng không có bụi rậm và chỉ toàn những thân cây to trơn trượt, với tán lá ở cao ngất trên trời.


Miêu tả nơi sự việc diễn ra là cần thiết, nhưng người viết cần xác định được mức độ mà mình cần miêu tả bối cảnh. Một câu chuyện ngắn khoảng 3, 4 chapter không cần đến một bối cảnh lớn với cả một thế giới mới được tạo dựng. Một câu chuyện chỉ diễn ra trong một ngôi nhà gỗ thì không cần tới cả nửa trang giấy miêu tả khu rừng, dù ngôi nhà gỗ đó có nằm giữa rừng. Cảnh giúp khắc họa tình tiết truyện, nhưng quá nhiều và không hợp lý sẽ dẫn tới buồn chán hoặc thu hút người đọc ra khỏi tình tiết chuyện. Cũng như vậy, một cảnh phổ biến không nên đuợc mô tả quá nhiều. Một căn phòng thời Trung cổ có thể cần nhiều miêu tả, nhưng cần ít miêu tả hơn để làm người đọc hình dung được một căn bếp hiện đại, trừ phi có sự kiện chính nào diễn ra ở đó.


Bối cảnh cũng có thể được dùng để vẽ nên không khí của truyện. Cùng là một bờ biển cát vàng nhưng việc miêu tả những người dân chài kéo lưới vào bờ sẽ đem lại không khí khác với việc bạn miêu tả những đôi nam nữ lững thững đi trên cát ngắm nhìn cảnh bình minh. Cách nhìn của từng nhân vật với một bối cảnh cũng sẽ đem lại những không khí truyện khác nhau. Một người khách du lịch có thể chỉ nhìn thấy những cảnh nên thơ ở khu đền đài cũ, nhưng một nhà khảo cổ học sẽ thấy ở đó chiều sâu của cả một nền văn minh đã mất.


Cảnh vật xung quanh và thời tiết là những công cụ tuyệt vời để khắc họa cảm xúc mà nhân vật đang cảm thấy, và nó nếu được sử dụng khéo sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Chúng ta thường có chung cảm nhận về cảnh vật và thời tiết trong sự liên tưởng tới một sắc thái tìm cảm nào đó. Sấm chớp dễ giúp hình dung về sự giận dữ hoặc xung đột nội tâm, Bình minh dễ giúp hình dung về hy vọng, nắng mặt trời rực rỡ dễ giúp hình dung về sự vui vẻ, bầu trời đỏ máu thể hiện sự hủy diệt, mưa thể hiện nỗi buồn và mặt trăng đen.... uh... mặt trăng đen thể hiện sự... bất thường! Sử dụng cảnh vật trong mối tương tác với nhân vật là cách rất tốt để diễn tả cảm xúc nhân vật hoặc khởi tạo và phát triển không khí cho một cảnh.


Đây là đoạn ‘mổ xẻ’ một fic.


‘Mưa lướt qua một thị trấn thế giới phù thủy. Những đám mây xám xịt phủ kín bầu trời ủ dột, nặng tới mức tưởng chừng như có thể chạm được vào nếu vươn tay lên cao. Remus Lupin lang thang trên phố vắng. Không mưa, không áo khoác... hoàn toàn không được che chở khỏi mưa và cơn gió buốt giá. Anh chưa muốn về nhà, gần như là sợ quay trở lại. Đeo lên cái mặt nạ vui vẻ và hạnh phúc chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là lúc này khi anh chỉ nghĩ về người khác. Những giọt nước sắc như dao thấm qua bộ quần áo Muggle nhàu nhĩ làm da anh tê đi vì lạnh. Nỗi buồn cũng giống như nước thấm vào hồn anh. Remus nhớ bạn mình hơn bao giờ hết.


Prongs, Padfoot, Moony, Wormtail... Chẳng phải chúng ta chưa bao giờ chịu khuất phục luật lệ sao? Tại sao lại không thể phá luật chỉ một lần này thôi để cứu một người bạn cũ?’

Remus xòe tay ra bắt một cái lá lạc đường trong ngọn gió ướt đẫm nước mưa. Cái lá này cũng giống như cuộc đời anh. Cô độc và vùi dập trong bão tố.


Thế nhưng, khoảng thời gian mà chúng ta khao khát được chơi dưới mưa đã qua lâu rồi. James đã chết. Peter đã chết. Cậu để mất tuổi thanh xuân trong cái nhà tù ghê tởm sẽ cướp mất cảm xúc và ký ức của con người. Tôi không sợ cậu sẽ đến giết tôi khi cậu trốn thoát nhưng..


Remus cứ đi mãi vô định, để sự trống rỗng trong lòng dẫn mình đi bất cứ nơi nào nó muốn. Những giọt nước như thủy tinh nhỏ xuống từ tóc, tay, quần áo và rồi vỡ vụn thành muôn ngàn mảnh trên những viên đá lát đường.


...Dù có cơ hội để tôi cứu cậu thoát khỏi sự trả giá cho tội ác mà cậu đã gây ra thì liệu cậu còn nhớ được tôi không? Hay tình bạn của chúng ta đã hóa thành tro bụi? Hay tình cảm của chúng ta chỉ còn là một làn khói nếu tôi thử nắm lấy sẽ biến mất ngay?’


Thời tiết đã được dùng để khởi tạo không khí cho toàn bộ cảnh. Tất cả những hình ảnh đều được chọn để nhấn mạnh sự xung đột trong suy nghĩ của Remus. Mưa và bầu trời xám xịt được dùng để phản chiếu lại sự buồn bã. Một cái lá rơi thể hiện sự thiếu kiên quyết chưa xác định được con đường của mình, và những giọt nước vỡ vụn tượng trưng cho tình bạn đã mất không thể lấy lại. Cho dù đoạn văn trên có thành công trong việc truyền đạt những hình ảnh trên tới người đọc hay không thì ít nhất nó cũng khắc họa dược tâm trạng ủ dột của Remus.


‘Ngay cả với cái ô lớn trên đầu áo choàng của anh vẫn sũng nước vì cơn mưa quá lớn, và ngọn gió mạnh đang thổi bạt những giọt mưa rơi nghiêng. Anh đang làm gì ở thị trấn xa lạ này? Tháng trước Severus đã đợi con người ngu ngốc vẫn biến thành sói những khi trăng tròn hàng đêm trời. Tuần trước anh dồn tất cả thời gian liên lạc với những người bạn phù thủy, cố theo dấu của gã ngốc ấy. Ngày hôm qua anh lục tung cả cái thị trấn quái quỷ này lên để tìm người đó. Và giờ đây chính anh lại đứng như một thằng ngốc nhìn kẻ lang thang đã ám ảnh những giấc mơ của anh hàng đêm trời.’


Hình ảnh cái ô và áo choàng thẫm nước tạo ấn tượng về một hành động vô ích, nhờ đó mà không khí của đoạn được tạo dựng. Nó sẽ giúp cảm nhận về những hành động vô ích ở phía sau đến dễ dàng hơn, và nhấn mạnh hơn mà không cần dùng đến từ ‘vô ích’.


‘Cơn mưa nặng hạt đã dịu lại. Những đám mây xám xịt đang bị gió cuốn dần đi, nhường chỗ cho những mảng bông trắng muốt. Bầu trời đang sáng dần lên. Cuối cùng mưa lùi bước, chấp nhận bị ánh nắng mặt trời rực rỡ chinh phục. Trên cái nền xanh cao vợi xuất hiện một áng cầu vồng.


Sirius, Remus và Severus nhìn lên dải màu tươi tắn ấy cùng lúc.


Đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy bấp bênh. Như cây cầu vắt ngang dòng sông của đau khổ và dằn vặt đang ngăn cản họ đến bờ hạnh phúc. Cây cầu luôn luôn ở đó, nhưng rốt cuộc thì không ai trong số họ có đủ dũng cảm để bước lên. Thế là họ cứ đứng đó im lặng ngắm nhìn cầu vồng với vẻ ao ước, hoàn toàn cô độc với trận chiến cùng cơn bão trong trái tim mình.

Giá như ta có thể đi tới cuối cầu vồng...’


Hình ảnh của cầu vồng và ánh sáng bừng lên sau cơn mưa được dùng để tượng trưng cho hy vọng. Hay đúng hơn là một hy vọng không thể đạt được vì chẳng ai đi tới được chân cầu vồng. Đối lập hoàn toàn với cơn mưa tối tăm được miêu tả kỹ ở phía trên, đoạn miêu tả này đã diễn đạt cảm xúc của cả ba nhân vật mà không cần phải miêu tả quá nhiều về tình cảm.


Vẫn câu nói quen thuộc ở đây. Quá nhiều chẳng bao giờ là tốt. Thường thì quá nhiều miêu tả sẽ gây mất tập trung vào tình tiết, và như thế tuy nó đem lại nhiều hiệu quả, nhưng quá nhiều hiệu quả lại giảm nhẹ ảnh hưởng của hiệu quả.


Không nên viết một khổ dài chỉ để miêu tả cảnh hoặc thời tiết nếu bạn muốn dùng nó khắc họa cảm xúc và không khí cảnh trừ phi cảnh và thời tiết là một phần của tình tiết truyện. Nếu cơn lốc xoáy đang tiến đến đe dọa mạng sống của nhân vật thì cơn lốc xoáy đó cần được miêu tả kỹ để tạo sự căng thẳng. Tuy nhiên nếu nhân vật đang đứng ở một vị trí an toàn và cơn lốc xoáy chỉ là điểm nhất cho sự xung đột trong nội tâm nhân vật thì cơn lốc xóay đó chỉ nên được mô tả một vài dòng. Miêu tả vừa đủ sẽ giúp người đọc vừa giữ được ấn tượng miêu tả tạo ra vừa chuyển từ miêu tả sang hành động hoặc sự kiện của cảnh một cách an toàn. Miêu tả quá nhiều đưa người đọc đi xa khỏi cảnh, và khi họ quay lại thì không biết phần nào của miêu tả nên bắt đầu chuyển sang hành động và sự kiện.


Đối với fic Rainbow ở trên tôi đã nhận được những review khen các đoạn miêu tả và nói chúng không thừa, nhưng cũng có một review như thế này. ‘Fic hay. Nhưng với tất cả những miêu tả đó thì fic đôi chỗ rất khó đọc. Có những hình ảnh đẹp thể hiện mưa, nhưng bạn không nên dùng chúng quá nhiều. Hình ảnh làm độc giả cảm thấy ‘đầy’ và có thể phá hỏng hiệu quả.’


... Well... Dù tôi là người viết, và dù tôi vẫn thích fic khi đọc lại thì quả thật ấn tượng mạnh nhất của tôi về fic vẫn là: ‘một fic sũng nước’.


Ngòai ra tuy nói rằng người ta thường có chung cảm nhận về một loại cảnh hoặc thời tiết, nhưng điều đó không phải là tuyệt đối. Một cơn mưa rào ở vùng nóng nực có thể mang đến cảm giác mát mẻ và sảng khoái hơn là u buồn. Và bầu trời đỏ máu trong mắt một chiến binh có thể tượng trưng cho sự hiếu chiến hơn là sự hủy diệt. Thậm chí sự đối lập về cảnh, thời tiết và tình cảm cũng có thể thành công. Đừng bị bó buộc vào cảm nhận đầu tiên về cảnh và thời tiết mà hãy cho mình những lựa chọn đa dạng.
 

Bình luận bằng Facebook