Hoàn [Song Hoa] Nhà Ga Bách Hoa

张佳乐头上的小花儿

To sleep the sleep of the just and innocent
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
8,454
Số lượt thích
19,164
Team
Bách Hoa
Fan não tàn của
Nhìn hình
#1



NHÀ GA BÁCH HOA

Toàn Chức Cao Thủ đồng nhân
Tác giả:
Thanh Sơn Vi Tuyết

Tôn đội, sinh nhật vui vẻ!

---

Đồng hồ treo tường điểm chín giờ. Trong phòng chờ nho nhỏ của nhà ga Bách Hoa, hai hàng ghế nhựa màu xanh lam xếp đối diện nhau, trên bàn trà đã có tuổi nằm giữa là một chùm hoa giấy đủ màu. Bảng điện tử báo giờ xe chạy vốn nên nhảy số liên tục nay đen kịt, sau quầy giải đáp thắc mắc cũng không ai ngồi, sáng thứ Bảy lẽ ra ồn ào tiếng khách, phòng chờ này lại mười phần yên tĩnh.

Trong phòng có ba hành khách. Người trung niên đeo kính không gọng trông rất nho nhã, bên cạnh hắn ngồi một thiếu nữ tóc nâu xoăn lọn, một cụ ông đã có tuổi ngồi đối diện họ. Ngoài ra, còn có một người đàn ông mặc bộ vest đồng phục tiếp viên xe lửa đang thu dọn báo chí trong góc.

“Các vị,” Người tiếp viên đến gần nhắc nhở, “Phòng chờ này đã ngừng sử dụng. Cách đây không xa có nhà ga mới xây, rộng rãi hơn nhiều —— đến đó mới bắt được xe lửa.”

“Cảm ơn, nhưng tôi không phải đến chờ xe.” Người trung niên lịch sự trả lời, “Tôi đang chờ người.”

Thiếu nữ bên cạnh và cụ ông không hẹn mà cùng gật đầu. Người phục vụ nhún vai, quay về ngồi sau quầy.

Lúc này cửa phòng chờ đột nhiên bị đẩy mở, một người trẻ tuổi đi vào. Hắn đeo bảng vẽ trên lưng, ngớ mặt ra khi thấy ba người ngồi ghế.

“Anh cũng đến đây chờ người à?” Thiếu nữ hỏi.

Người trẻ tuổi nói: “Có lẽ.”

Hắn đi đến ngồi gần ba người, lấy bảng vẽ xuống đặt trên đầu gối.

“Có bốn người ngồi chờ trong nhà ga bỏ phế, thật lạ lùng.” Thiếu nữ cười nói, “Lại càng khó tin là, chúng ta ai cũng không quen ai.”

Cụ ông nhìn nhìn đồng hồ quả quýt: “Nếu nói vậy, mọi người đều chưa chờ được người muốn tìm.”

“Kỳ thực cháu cũng không xác định,” Thiếu nữ thừa nhận, “Cháu thậm chí không biết mình đang ở đây chờ một người, hay là hai người.”

“Đã thế này, không bằng chúng ta đều kể chuyện của mình đi.” Người trung niên nói, “Tôi tin rằng hôm nay chúng ta gặp gỡ nơi này, hẳn không phải chỉ do số mệnh an bài.”

Lời hắn nói được mọi người đồng ý, cả người trẻ tuổi trầm mặc ôm bảng vẽ cũng gật đầu. Gió đầu xuân gõ lên cửa kính, một cành xanh bị đóa hoa kéo trĩu rủ đầu chìa vào song cửa.

Người trung niên nói: “Vậy bắt đầu từ tôi đi. Ba năm trước, tôi là giảng viên Đại Học Thành Phố.”

—— Câu chuyện thứ nhất ——

“Ba năm trước, khi chiến tranh vừa nổ ra, có rất nhiều người phải rời nơi này, đến tiền tuyến hoặc về quê nhà.” Người trung niên hồi tưởng, “Lúc đó nhà ga Bách Hoa chỉ có phòng chờ nho nhỏ này, vì quá nhiều người muốn chen lên xe lửa, bốt soát vé không thể không dựng bên ngoài. Chỗ đó kéo rào chắn tạm, ngăn người đưa tiễn.”

“Hồi đó đông người thật ạ.” Thiếu nữ gật đầu.

“Tuy hơi vô tình, nhưng cách làm đó rất đúng đắn, chí ít ngăn không để quá hỗn loạn.” Người trung niên nói, “Khi đó tôi vẫn còn độc thân, không ai đến tiễn, cũng không quá hiểu tâm trạng muốn chen chúc kia là vì đâu —— cho đến khi gặp phải một người trước cửa nhà ga.”

Cụ ông hỏi: “Là người hôm nay cậu muốn chờ?”

“Thưa đúng, cũng không hoàn toàn đúng.” Người trung niên nở nụ cười, “Đó là một sinh viên trẻ tuổi, tóc bị gió thổi rối bời, đeo khẩu trang, có một đôi mắt lo âu. Cậu ta chen chân vào nhà ga không được, thấy tôi cầm vé đi vào, đột nhiên xông đến gần, xin tôi chuyển giúp một phong thư.”

Hắn động động ngón tay, như vẫn đang cầm mảnh giấy mỏng manh kia.

“Trên phong thư có vẽ hình gì đó, tôi chưa kịp nhìn kỹ, trừ ra còn viết một dòng chữ.” Người trung niên nói, “Chữ viết tháu nhưng rất đẹp, nội dung ghi là —— ngày này sau khi chiến tranh kết thúc, hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa.”

“Đó là chuyện xảy ra vào ngày này ba năm trước?” Cụ ông hỏi.

“Thưa vâng.” Người trung niên thở dài, “Cậu sinh viên nọ xin tôi chuyển giúp cho một người trên xe lửa, mặc đồng phục sinh viên màu nâu lá cọ, vóc người rất cao, tên gọi Tôn Triết Bình. Thành thật mà nói, nghe tả như thế không dễ tìm, nhưng khi đó tôi bị cậu ấy đánh động; có lẽ trông bộ dạng cậu ấy quá bức thiết, hoặc có lẽ tôi đã chứng kiến quá nhiều ly biệt, lúc đó, tôi đáp ứng đưa phong thư này tận tay người kia.”

Thiếu nữ nói: “Nhưng…”

“Nhưng tôi không tròn được lời hứa.” Người trung niên trầm giọng.

Hắn lấy kính mắt xuống, xoa xoa mi tâm: “Ông và cô cậu đây đều biết, thời ấy có một số người quá khích… Họ nhận ra tôi là giảng viên Đại Học Thành Phố, tôi lại thể hiện lập trường quá rõ, họ đánh tôi ngay tại nhà ga. Tôi bị đánh một trận, đón không kịp chuyến xe, phong thư cũng rơi mất. Lúc đó tôi cảm thấy cuộc đời đau buồn cực điểm, tôi thống hận cuộc chiến này.”

Hắn sờ chiếc nhẫn trên ngón tay: “Nhưng sự thật chứng minh, mọi xui xẻo đều sẽ mang đến bước ngoặt. Tôi bỏ lỡ chuyến xe mình cần, phải nghĩ cách lên chuyến kế tiếp, trên chuyến xe đó, tôi đã gặp người vợ hiện tại.”

“Vậy coi như gặp họa được phúc mà.” Cụ ông nói.

“Thưa ông, tôi nghĩ phải.” Người trung niên nhìn bàn tay mình, “Nay chiến tranh đã chấm dứt hai tháng trước, tôi lại quay về Đại Học Thành Phố giảng dạy, nhưng tôi mãi vẫn khó quên cậu sinh viên từng trao phong thư vào bàn tay này; chiến tranh ngăn trở bao nhiêu tin tức, tôi có thử đi hỏi thăm, nhưng không được kết quả gì. Cho nên hôm nay tôi đến đây —— nếu cậu ta đến nhà ga Bách Hoa đúng hôm nay để chờ người muốn chờ, tôi ắt phải nói với cậu ta một tiếng có lỗi, vì tôi không thực hiện được lời mình hứa hẹn.”

“Câu chuyện của tôi chỉ có thế.” Hắn nói.

Mọi người trong phòng chờ trầm mặc một lúc, sau cùng thiếu nữ mở miệng.

“Vậy, cháu cũng kể lại câu chuyện của cháu đi.” Cô nói, “Tuy không khúc chiết như tiên sinh đây, nhưng giống ở chỗ cũng liên quan đến một phong thư.”

—— Câu chuyện thứ hai ——

“Ba năm trước, cháu vẫn là một con bé thích mặc xúng xính váy phồng.” Thiếu nữ bắt đầu, “Cháu khi đó không thực sự hiểu chiến tranh a chạy giặc a cái gì, tóm lại lúc chú ruột bảo cháu thay đồ công nhân, búi tóc, xách vali lên đường, cháu còn hờn dỗi hồi lâu… Cháu cảm thấy búi tóc xấu muốn chết.”

“Kìa,” Cụ ông nhu giọng, “Tôi nghĩ lúc đó cháu nhất định là một cô gái nhỏ khả ái.”

“Cảm ơn ông ạ, hồi đó cháu thực sự rất không hiểu chuyện.” Thiếu nữ mỉm cười nói, “Cháu còn nghĩ, vì sao rõ ràng là một nơi không có hoa, lại nhất định muốn kêu cái tên nhà ga Bách Hoa, cháu cảm thấy chuyện quái trên đời thật quá nhiều. Trước khi lên xe lửa, gần chỗ bọn cháu xảy ra một vụ ồn ào, hình như có người xui xẻo bị đánh.”

“Chắc đó là tôi phải không.” Người trung niên cười khổ nói.

“Bây giờ ngẫm lại, ngài cũng không phải quá xui xẻo, phải không tiên sinh.” Thiếu nữ chớp chớp mắt, “Tóm lại, hồi đó tuy rất tò mò, nhưng chú cháu bắt cháu không được chạy qua xem, cháu chỉ đành ngoan ngoãn đứng xếp hàng. Lúc này, có một phong thư bay đến dưới chân cháu, cháu bèn nhặt nó lên.”

Người trung niên nói: “Khó trách sau đó tôi tìm thế nào cũng không thấy.”

“Kỳ thực cháu cũng ngu ngơ, nhưng cái được vẽ trên phong thư thật sự rất đẹp.” Thiếu nữ hoài niệm, “Toàn hoa là hoa, vô số loài khác nhau, rực rỡ đủ màu, còn đẹp hơn cả giấy gói kẹo sôcôla nhân rượu, hơn cả nắp hộp âm nhạc, hơn cả lễ phục của chị họ cháu. Nhưng phong thư ấy đã rách rồi, lá thư bên trong không còn.”

“Thật là đáng tiếc.” Cụ ông nói.

“Vâng ạ, cho nên khi cháu nhìn thấy câu nọ —— ngày này sau khi chiến tranh kết thúc, hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa —— cháu cảm thấy người viết thư nhất định rất mong câu này có thể đến được người nhận.” Thiếu nữ đan hai tay vào nhau, “Cho nên khi chen lên được xe lửa, nhân chú cháu không để ý, cháu bắt đầu đi hỏi từng hành khách trên xe, họ có người bạn nào, khả năng đã viết phong thư này cho mình không.”

Người trung niên nhẹ giọng: “Cô thật là một cô gái dũng cảm lại tốt bụng.”

“A, kỳ thực lúc đó làm vậy ít nhiều quá lỗ mãng rồi ạ.” Thiếu nữ có chút ngượng ngùng, “Sau bị chú phát hiện, chú rất tức giận với hành động lỗ mãng của cháu, không những tịch thu phong thư rỗng của cháu, còn kèm chặt cháu suốt hành trình còn lại, không cho cháu chạy loạn. Giờ thì cháu đã hiểu, hành động biết một mà không biết hai của cháu sẽ gây họa, chú cháu chỉ muốn đưa cháu bình an về quê mà thôi… Tiếc rằng, cháu vẫn không thể giúp phong thư ấy đến với người nhận nó.”

“Cháu tận lực rồi.” Cụ ông an ủi cô.

“Cho nên, mấy năm cháu ở quê nhà đi học, thường vẫn nghĩ đến phong thư ấy.” Thiếu nữ đặt hai tay lên gối, “Người được viết cho lá thư trong đó là người thế nào nhỉ? Trên phong thư vẽ bao nhiêu là hoa đẹp, người ước hẹn là người thế nào nhỉ? Họ có sẽ gặp lại nhau không nhỉ —— cháu không ngăn nổi lòng mình cứ nghĩ đến họ, cũng nhớ mãi cái ngày cháu nhặt phong thư, dù có lẽ đó không phải ngày mà nó được gửi.”

Người trung niên nói: “Điều này hôm nay đã được chứng thực, không phải sao?”

“Không sai ạ.” Thiếu nữ cười lên, “Nay chiến tranh chấm dứt đã hai tháng, cháu đến thành phố thăm chú, cảm thấy mình phải đến nhà ga Bách Hoa xem xem. Biết đâu, biết đâu thôi ạ, cháu có thể chạm thấy người đã vẽ phong thư đầy hoa kia.”

Cô tổng kết, “Câu chuyện của cháu chỉ có thế.”

Người trẻ tuổi ngồi trên ghế nãy giờ chưa hề lên tiếng, lúc này cũng chỉ cúi đầu nhìn tấm bảng trên gối. Cụ ông kia thanh giọng một tiếng, nói: “Xem ra, tới phiên tôi kể chuyện rồi. Lúc đó, tôi vẫn còn là nhân viên nhà ga.”

—— Câu chuyện thứ ba ——

“Ba năm trước, tôi làm việc ở nhà ga.” Cụ ông dừng lời ngẫm nghĩ, “Dĩ nhiên, không phải nhà ga Bách Hoa; thành phố tôi làm việc mọi người có lẽ đều quen, chính là trạm cuối chuyến xe lửa nọ.”

“Cháu có hai người chị sống ở đó.” Thiếu nữ nhanh nhảu khẽ nói, “Đó là một nơi rất tuyệt.”

“Cũng là quê tôi, tôi yêu nó lắm.” Nụ cười cụ ông thoảng qua rồi mất, “Chiến tranh không gây quá nhiều tổn hại đến nó, nhưng làm việc ở nhà ga, ba năm ấy tôi vẫn phải tận mắt chứng kiến sinh ly tử biệt nhiều hơn hẳn mọi khi. Tin tôi đi, thật sự không phải điều đáng vui vẻ gì.”

Người nghe kể chuyện đều lặng lẽ gật đầu.

“Hoàng hôn ngày đó, một chuyến xe khởi hành ban sáng đáp xuống nhà ga chỗ tôi.” Cụ ông nói, “Chiến tranh mới nổ ra, khắp nơi đều hỗn loạn, ai cũng nóng ruột hơn bình thường —— nhưng làm nhân viên nhà ga, bọn tôi càng phải kiên nhẫn hơn nữa mới phải. Bên tai ồn ào như ong vỡ tổ, trước mắt là bao gương mặt gấp gáp, tôi khó lòng nhớ nổi chuyện gì đặc biệt; nhưng ngày đó thì khác, có một người đàn ông cầm một phong thư rỗng, tìm đến tôi đang trực thay đồng nghiệp ở quầy phát thanh.

Thiếu nữ ngẩng phắt đầu dậy.

“Người đàn ông ấy kéo theo hai vali to, trên vai còn đeo một chiếc balô tươi màu chỉ mấy cô bé mới dùng, trông vào liền biết có dắt cháu nhỏ.” Cụ ông tả lại, “Cậu ta để râu có tỉa tót, tóc gió thổi tung, nói giọng sang sảng.”

“Đó là chú của cháu.” Thiếu nữ che miệng, “Trời, chú không kể gì với cháu hết…”

“Ừ, tôi nghĩ đó chính là chú của cháu.” Cụ ông gật đầu, “Cậu ta nhét vào tay tôi một phong thư, nói nó lẽ ra nên gửi cho một người trên chuyến xe này, nhưng nửa đường thất lạc, bị cậu ta nhặt được. Cậu ta hỏi tôi có thể giao nó cho quầy đồ thất lạc hay tương tự không.”

“Không dễ đâu ạ,” Người trung niên chen lời, “Hơn nữa người nọ cũng chưa chắc biết mà đến nhận.”

“Đúng là vậy đấy, cho nên tôi nói với cậu ta làm vậy vô ích thôi.” Cụ ông xòe tay, “Nhưng rồi, tôi dùng cách của riêng mình để thử.”

“Cách gì ạ?” Thiếu nữ hỏi.

“Tôi mở loa phát thanh, tìm cơ hội thông báo một câu nhiều lần.” Cụ ông nói, “Giống trên thư viết đó —— có một người muốn nói với bạn mình, ngày này sau khi chiến tranh kết thúc, hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa —— tôi mong, dù khả năng rất rất thấp, người nọ sẽ nghe thấy câu này.”

“Tôi cũng biết, trên đời không có quá nhiều kỳ tích.” Cụ ông thở dài, “Có thể người nọ đã rời khỏi nhà ga, có thể người nọ từ đầu còn không đáp chuyến xe này, có thể chỉ đơn giản là không nghe thấy… Nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện xảy ra, cho nên hôm nay mới đến nhà ga Bách Hoa. Nhắc mới nhớ, tôi còn giữ phong thư năm ấy đây.”

Thiếu nữ khẽ kêu thành tiếng, người trung niên cũng suýt bật dậy. Cụ ông từ trong giỏ lấy ra một quyển sách, phong thư kẹp giữa những trang sách, nó trông có chút cũ, nhưng sạch sẽ phẳng phiu, được giữ rất hoàn hảo.

Hệt như thiếu nữ miêu tả, trên phong thư nọ vẽ rất nhiều hoa, dù màu đã phai mấy phần, mọi người vẫn nhìn ra được bút pháp ôn nhu tinh tế ban đầu. Bút tích trên thư dường như được viết rất vội, chữ tháu mà không mất tú lệ —— Ngày này sau khi chiến tranh kết thúc, hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa.

“Quả thật đẹp y như mình đã nhớ.” Thiếu nữ khẽ khàng tự nói, “Không, thậm chí còn đẹp hơn.”

Một bàn tay hốt nhiên duỗi đến, cầm phong thư kia lên. Ba người quay đầu nhìn lại, người trẻ tuổi trầm mặc từ nãy đến giờ đang vuốt phong thư, ngẩng đầu nhìn họ.

“Bây giờ,” Hắn nói, “Có ai nguyện ý nghe chuyện tôi kể không ạ? Câu chuyện diễn ra trước tất cả.”

—— Câu chuyện khởi đầu ——

“Ba năm trước, tôi là sinh viên chờ tuyển của Học Viện Nghệ Thuật Thành Phố.” Người trẻ tuổi nhìn phong thư rỗng trong tay, “Tên tôi là Trương Giai Lạc.”

“Cậu cao hơn ba năm trước rồi.” Người trung niên nói, “Nếu lúc đó cậu không mang khẩu trang, hôm nay tôi nhất định nhận ra ngay.”

Trương Giai Lạc vỗ vỗ bảng vẽ, hơi cười. Gương mặt hắn khi cười rất đẹp, lại vương chút nét u buồn vừa đủ: “Lúc đó tôi còn đang học trung học, mặc cho mỗi ngày radio đều phát tin tức không hay, nhưng mọi người đều cảm thấy chiến tranh cách chúng ta còn xa, xa lắm. Hôm nay ngẫm lại, nếu hồi ấy biết lường trước chuyện, có thể sẽ có chút chuẩn bị, không đến mức luống cuống chân tay.”

“Không ai sẽ đoán được chiến tranh khi nào nổ ra.” Người trung niên nói, “Không ai sẽ mong nó nổ ra.”

“Cho nên, chúng tôi cứ việc sống cuộc sống vui vẻ vô lo,” Trương Giai Lạc nói, “Có một bạn học từ thành phố khác đến, ở trọ nhà tôi, anh ta tên Tôn Triết Bình. Chúng tôi làm bạn, không gì giấu nhau, không gì không kể, giống tôi, anh ta cũng muốn thi vào Học Viện Nghệ Thuật Thành Phố, chúng tôi không ngừng vì đó nỗ lực, cùng nhau ở phòng vẽ, vẽ đến khi mặt trời lặn mới quay về nhà, ra bờ sông hoặc lên tháp chuông vẽ hoa vẽ cỏ, thi nhau xem ai có thể vẽ được một trăm loài hoa khác biệt hoàn toàn —— tuy không khỏi quá ngốc, nhưng đó quả là ngày tháng tốt đẹp.”

Những lời hắn nói mang theo ý cười, như thể nhớ về khoảng thời gian thiếu niên vô ưu vô lự.

“Sau có một lần cả nhà tôi về quê thăm họ hàng, chiến tranh bất ngờ nổ ra.” Giọng Trương Giai Lạc trầm xuống, “Khi tôi chạy về thành phố, bạn tôi đã ra ga xe lửa rồi, đi rất gấp, cả đồ đạc cũng không đem hết; từ mảnh giấy anh ta để lại, tôi chỉ biết anh ta sẽ đón chuyến nào, nhưng tôi không biết làm sao để vào nhà ga… Tôi bèn viết vội lên một phong thư trước đó dùng tập vẽ, nhà tôi sẽ phải chuyển đi, cho nên tôi hẹn một lời đơn phương, hẹn anh ấy gặp lại ở nhà ga Bách Hoa này.”

“Tôi đưa phong thư ấy cho ngài.” Hắn nhìn người trung niên, “Tuy ngài không quen biết tôi, nhưng tôi vẫn mong có một cơ hội nói cảm ơn ngài.”

“Tôi cũng muốn nói câu có lỗi, vì không thể làm được như đã hứa cậu.” Người trung niên chân thành nói.

“Không, tôi đã vô cùng biết ơn rồi,” Trương Giai Lạc nở nụ cười, quay sang thiếu nữ và cụ ông, “Cả hai vị nữa, trước đây tôi không biết phong thư này đã trải qua từng ấy chuyện, cảm ơn mọi thứ hai người đã làm.”

“Thật ra là do chú của em giúp ạ.” Thiếu nữ đỏ mặt nói.

Cụ ông cũng mỉm cười: “Đừng khách sáo, hoa cháu vẽ rất đẹp.”

“Cảm ơn ạ.” Trương Giai Lạc khẽ cúi người, “Cháu nghĩ, cháu vẫn rất may mắn… dù rằng có lẽ, may mắn cũng có giới hạn của nó.”

Phòng chờ lại trở về với lặng thinh. Lát sau, Trương Giai Lạc kể tiếp: “Quê hương anh ấy thuộc khu ngăn cấm với thành phố này, giữa chiến tranh không cách nào nhận gửi thư tín gì. Tôi về sau chuyển nhà, đến một nơi xa hơn, nơi đó cũng có trường học rất tốt, nhưng tôi mãi vẫn muốn quay về đây; cuộc thi đầu tiên tổ chức sau chiến tranh kết thúc, tôi giành được tư cách nhập học Học Viện Nghệ Thuật Thành Phố. Tôi không thể ngăn bản thân cứ nghĩ, lẽ ra hai đứa mình cùng nhau thi đậu mới phải.”

“Chiến tranh đã thay đổi rất nhiều thứ, tỷ như thông tin địa chỉ, tỷ như cách chúng ta nhìn về thời đại.” Hắn nói, “Tôi không liên lạc được bạn tôi, khả năng xấu nhất là anh ấy ra chiến trường, cho dù anh ấy sống ở một nơi nào đó tôi vĩnh viễn không liên lạc được, nhưng tôi chí ít hi vọng anh ấy vẫn còn sống… Nhưng tôi ngay cả vậy cũng không thể xác định. Thi đậu rồi, tôi có từng quay về nhà cũ, hôm nay lại như ước hẹn đến nhà ga Bách Hoa. Tôi còn nhớ tôi đã viết trên phong thư ——”

“Ngày này sau khi chiến tranh kết thúc,” Bốn người không hẹn mà cùng nói, “Hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa.”

Trương Giai Lạc mở tấm vải che trên bảng vẽ, để lộ bên trong một bức tranh —— rất nhiều hoa, có lẽ không chỉ một trăm đóa một trăm loài, cách chúng được vẽ đua nhau nở rộ khiến người xem như thể nghe thấy hương thơm chân thật; nhưng bức tranh này chưa được vẽ xong, một nửa bên phải là khoảng trống kỳ lạ, tựa hồ còn đang chờ người bổ khuyết.

“Đây là bức tranh hai chúng tôi chưa hoàn thành, cũng là một trò chơi.” Hắn cẩn thận lấy vải đắp kín trở lại, “Bọn tôi chia nhau tìm khoảng trống vẽ hoa không ngừng không nghỉ, đến khi lấp kín bảng vẽ mới thôi, ai cuối cùng tìm không được chỗ trống để vẽ, người đó sẽ thua trò chơi này —— giờ tôi đã không còn nhớ thắng thua được gì, tôi chỉ mong bức tranh này có ngày hoàn chỉnh.”

Hắn nở nụ cười như thể không chút đau buồn, nhưng mỗi một người có mặt tại đây đều biết không phải.

“Câu chuyện của tôi đã kể xong.” Hắn nói khe khẽ lại nhanh, “Cho dù hôm nay không chờ được anh ta, tôi cũng sẽ mãi mãi đi tìm.”

“Vậy thì tốt quá.” Có người tiếp lời.

Khi nghe thấy giọng nói này, Trương Giai Lạc lập tức cứng đờ. Ba người còn lại kinh ngạc ngẩng đầu, nhìn người không biết từ khi nào đã đi đến gần bên họ —— hắn chính là người đàn ông mặc bộ vest tiếp viên, ngồi suốt sau quầy mãi từ ban đầu. Lúc này hắn lấy mũ xuống, lộ ra một gương mặt trẻ tuổi.

“Để tôi kể câu chuyện cuối cùng đi,” Hắn nói, “Câu chuyện nào cũng phải có một kết cục.”

—— Câu chuyện kết thúc ——

“Ba năm trước, tôi là sinh viên dự tuyển ở trọ nhà bạn học.” Hắn cầm chiếc mũ đồng phục trong tay, “Tên tôi là Tôn Triết Bình.”

“Lúc chiến tranh bùng nổ, người nhà điện báo kêu tôi lập tức quay về, tôi chỉ kịp để lại mảnh giấy cho bạn, nói với cậu ta tôi sẽ đón chuyến xe nào. Tôi không viết thêm gì khác, bởi chính tôi cũng không biết mình liệu có thể trở lại.” Tôn Triết Bình cau mày, nửa bên mặt hắn có một vết thương nhạt màu đã sắp biến mất, “Nói lời thật lòng, lúc đó tôi rất sợ —— tôi chỉ là một sinh viên thích vẽ, trước đây chưa hề nghĩ đến chiến tranh có liên quan gì đến mình. Kỳ thực tôi đã lỡ mất chuyến xe nên đáp, tôi chỉ lên được chuyến nửa đêm, khi ngồi trên xe tôi biết, tháng ngày vui vẻ đã qua, khả năng cũng không gặp lại.”

Người trung niên gỡ kính mắt, cụ ông vẽ thập tự trước ngực, thiếu nữ che môi nghẹn ngào.

“Sau đó, tôi đến được nơi cần đến, định đổi chuyến xe khác về quê hương.” Hắn tiếp tục kể, “Tôi còn nhớ, trời tối đen rồi, nhà ga chỉ toàn lữ khách vội vội vàng vàng, nhưng có một nhạc sĩ lang thang còn ngồi ven đường, như bao nhiêu loạn lạc hốt hoảng đều không can hệ đến mình. Trong lúc chờ xe, chúng tôi hàn huyên đôi câu, hắn kể lại một chuyện bảo rằng thú vị: Bởi vì ngồi ở nhà ga cả ngày, hắn nghe loa phát thanh phát đi phát lại về một phong thư không rõ cả người viết lẫn người nhận, bị lữ khách giữa đường nhặt được. Người viết thư nói —— ngày này sau khi chiến tranh kết thúc, hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa —— một khắc đó, tôi cảm thấy phong thư này là viết cho tôi.”

Trương Giai Lạc kinh ngạc nhìn hắn.

“Tôi ra chiến trường, bị chút thương tích, sau quay về cố hương.” Tôn Triết Bình nói, “Lúc tin tức hai đầu đều bị phong tỏa, tôi vẫn nhớ rõ lời ước hẹn này, dù bản thân cũng không chắc nó có liên hệ với tôi hay không. Khi chiến tranh chấm dứt, tôi về lại thành phố này, phát hiện ngôi nhà từng trọ đã chuyển đi; bất quá cũng không sao, tôi còn có thể chờ một ngày ở nhà ga gặp lại.”

“Sao anh lại mặc đồng phục tiếp viên?” Trương Giai Lạc thốt lên, “Tôi suýt nữa lỡ mất anh rồi!”

“Vì suốt một tháng nay, tôi mỗi ngày đều tới đây.” Tôn Triết Bình thuận tay chụp mũ lên đầu, “Trường chưa khai giảng, tôi đến nhà ga xin làm miễn phí, chuyên trông coi phòng chờ nhỏ đã ngừng sử dụng này… Họ chỉ cần cung cấp đồng phục cho tôi là được. Cậu đôi khi rất hay nhầm lẫn ngớ ngẩn, tôi sợ cậu nhớ nhầm ngày hẹn, tìm không thấy tôi, cậu khóc tôi phải làm sao.”

“Ai mà nhầm được mấy chuyện này a!” Trương Giai Lạc nghiến răng, “—— anh mới khóc!”

Tôn Triết Bình nhìn hắn, đột nhiên nói: “Nhạc Nhạc a, có lỗi, tôi không thể như đã hẹn, cùng cậu học chung một trường.”

Trương Giai Lạc ngẩn người: “Vì sao?”

Tôn Triết Bình tháo găng tay, kéo tay áo cao lên một chút. Nơi cổ tay hắn vắt ngang một vết sẹo đáng sợ, dù đã khép miệng, vẫn có thể nhìn ra vết thương trước đó kinh khủng thế nào.

Hắn vươn tay, nhẹ nhàng nắm lấy ngón tay đối phương. Hơi ấm đã lâu không gặp khiến người rơi lệ, nhưng Trương Giai Lạc lập tức nhận ra, lực nắm tay hắn mười phần yếu ớt, tuyệt nhiên khác biệt sức mạnh đã từng cảm nhận.

“Tay tôi bị thương trên chiến trường.” Tôn Triết Bình nói, “Tuy vẫn có thể sơ sài viết chữ, nhưng không đủ cầm bút vẽ… Lúc ở quê nhà, tôi học dự tuyển tài chính, nay đã đậu Đại Học Thành Phố, nhưng vẫn không thể trở thành bạn học với cậu.”

Trương Giai Lạc im lặng một lúc, mới đưa ngón tay đâm trán đối phương.

“Anh cho là tôi thèm làm bạn học với anh lắm?” Hắn nói, “Trường anh giỏi đến mức nào anh biết không, ở đây còn một vị giáo sư đang ngồi, anh dám than vãn trước mặt người ta!”

Người trung niên gần đó lúng túng khoát tay, thiếu nữ trên mi vẫn treo giọt lệ, lại không khỏi bật cười.

Tôn Triết Bình quay sang ba người, thành khẩn nói: “Những chuyện đã kể tôi đều nghe thấy, cảm ơn những gì ba vị đã làm, nếu không nhờ vậy, có lẽ hôm nay bọn tôi đã không thể nào gặp lại.”

“Các cậu có thể gặp lại, chúng tôi đều thật vui mừng.” Cụ ông cười nói, “Chiến tranh mới chấm dứt, ai cũng nguyện ý nghe thấy tin tốt.”

Trương Giai Lạc miết bàn tay kia của Tôn Triết Bình, ra vẻ nghiêm túc nói: “Tóm lại sắp tới, tranh tôi sẽ vẽ luôn phần anh, cho nên là anh thua rồi… Để tôi nghĩ xem phạt anh cái gì rồi tính.”

“Thay vì vậy,” Tôn Triết Bình giang hai tay, “Không cho tôi một cái ôm sau bao chia cách?”

Trương Giai Lạc trừng hắn mấy giây, dùng dằng duỗi tay ôm hắn. Hắn lập tức cảm giác được cánh tay Tôn Triết Bình siết chặt lấy mình, gần như khiến hắn không thở nổi; cái ôm này liều mạng đến vậy, như bất chấp hết thảy, mang nhiệt tâm cay đắng, hắn cảm thấy dường như mình rơi một giọt nước mắt, hoặc biết đâu vài giọt, lặng lẽ thấm ướt cổ áo người kia.

Nhưng hắn tuyệt đối sẽ không thừa nhận đâu.

Như thể bị một ý niệm nào đó thôi thúc, Trương Giai Lạc khẽ lặp lại câu nọ bên tai đối phương: “Ngày này sau khi chiến tranh kết thúc, hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa ——”

“Tôi chờ được cậu đến rồi.” Tôn Triết Bình tương tự khẽ giọng đáp lời.

FIN
 
Last edited:

张佳乐头上的小花儿

To sleep the sleep of the just and innocent
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
8,454
Số lượt thích
19,164
Team
Bách Hoa
Fan não tàn của
Nhìn hình
#2
Hơn cả đọc, dịch truyện luôn khiến người ta sống tỉ mỉ hơn với từng con chữ. Trong năm tháng dịch truyện ngắn ngủi của tôi đến nay, có hai lần tôi phải dừng lại giữa đường để ổn định tâm trạng, mới có thể tiếp tục. Một là cái chết của Phương Duệ trong Dĩ Phụ Chi Danh, hai là rất nhiều, rất nhiều đoạn của đoản thiên này, đặc biệt lúc nhìn thấy “Hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa.”

Câu này tôi có thể dịch gọn hơn, thơ hơn, nhưng nguyên tác dùng kính ngữ, tôi không dám lược bỏ, âu cũng là Dân quốc.

Có phải Dân quốc là thời đặc biệt lãng mạn? Tôi cho rằng nơi nào càng loạn, nơi đó càng lãng mạn, như Sài Gòn của tôi vậy, hoặc như New York của người Mỹ. Dòng chữ trên khiến tôi nghĩ đến những bài hát tiếng Anh thập niên cũ khi Ilsa quay về trong chiến tranh và nói “Play it Sam, play As Time Goes By” hay khi Gareth Gates hát lên câu “I’ll be coming home, wait for me”.

Wait for me.

Cách Gareth Gates hát câu này ngọt ngào lắm, hứa hẹn, đắc chí lắm, nên tôi thích nó hơn cảm giác khi nghĩ về những chuyến xe lửa lăn bánh ly biệt thường thấy của Dân quốc. Mỗi câu chuyện trong nhà ga Bách Hoa có sức sống riêng, có ly cũng có hợp, cũng đều dẫn đến Song Hoa, cho nên dù nhà ga gắn với người ở người đi, tôi vẫn nguyện ý chỉ nghĩ về chờ đợi, bởi chờ đợi sẽ có trở về.

Song Hoa vốn là hai người lãng mạn, lãng mạn của họ đến từ điên cuồng từ không cần màng đến bản thân. Trước nay kịch liệt, tưởng như một câu chuyện đạm thế này khó hợp với họ. Nhưng không, nguyên Lạc chờ Tôn nửa năm, ba năm lại một năm, sau đó cũng có thể là một đời, Hoa phấn chúng tôi chưa bao giờ không mong Tôn quay về. Mong anh về với sàn đấu nơi dành cho anh. Mong anh về bên đội phó nhà anh. Chuyện của Song Hoa là chuyện của thiêu đốt, của trữ tình, của chia ly và của chờ đợi. Khác gì “Hãy chờ tôi ở nhà ga Bách Hoa”? Khác gì.

Họ chờ được nhau rồi đấy thôi. Chờ đợi là một câu chuyện may rủi của số phận. May thay họ chờ được nhau, không như vài bài hát đau buồn khác mà tôi biết, không phải “If you miss the train I’m on, you will know that I am gone”.

Mà là “Tôi chờ được cậu đến rồi”.

Thật tốt đẹp. Hạ thần anh nói đúng, fan Song Hoa là fan hạnh phúc nhất thế giới a.
 
Last edited:

Chianti

Sad Chi : (
Hội Tự Sát
Team Đánh Thuê
Thần Lĩnh
Bình luận
323
Số lượt thích
2,842
Location
Khác
Team
Khác
Fan não tàn của
Khác
#3
Bối cảnh truyện vốn ảm đạm, người ta nói về sinh ly tử biệt của chiến tranh khiến bối cảnh truyện trầm xuống là thế, mà sao em đọc vẫn thấy ngợp bởi cái đẹp đầy lãng mạn của hai người, hay rộng hơn là của từng nhân vật. Trong lúc kể truyện, tác giả không ngừng lồng ghép những chi tiết được miêu tả sắc sảo - thành công đưa bối cảnh truyện lên thực nhất có thể.

Khoan hãy nói về nội dung truyện, em thật sự ấn tượng về độ tuổi mà tác giả ấn định cho những người kể chuyện - một cô gái, một bác trung niên và một ông cụ. Không phải đã quá rõ ràng sao? Dẫu lứa tuổi nào cũng phải trầm trồ nét vẽ hoa lệ trên phong thư mà tò mò về câu chuyện của hai người. Tuy mỗi người có cách giúp khác nhau, nhưng tựu chung lại họ vẫn hướng về nhà ga Bách Hoa. Chiến tranh loạn lạc đến vậy, vẫn nở rộ một đôi hoa tỏa ngát hương, hấp dẫn không chừa một đối tượng nào... khi đã biết đến nó.

Câu chuyện khởi đầu và câu chuyện kết thúc lại được đặt cạnh nhau - cách sắp xếp thật lạ nhưng lại hợp lí đến không thể bàn cãi. Ngay đầu truyện tác giả khẳng định bốn người họ không hề quen biết nhau, thế mà qua một loạt những câu chuyện được link cực kì tinh tế với niềm xúc động bất chợt do phong thư ấy, họ truyền tay nhau một sợi tơ hồng gắng kết thông điệp đến hai đầu chiến tuyến, kì diệu làm sao...

Thật may vì Lạc đã đợi...

Thật may vì Tôn đã về...

Tôn đội, mừng anh sinh nhật vui vẻ!

Truyện hay quá... cứ mỗi khi đọc truyện do Lá edit em lại thấy mình nhỏ bé, loay hoay không biết phải cmt làm sao để khi mọi người đọc xong truyện, đọc tới cmt thì không tụt mood. Thật may đã có một cmt của chị tọa trấn bên trên, để em viết đở cắn rứt ^^.
 
Last edited:

VongolaCiel

Lure like như hack
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
1,324
Số lượt thích
5,137
Location
Nhà nuôi cánh cụt Thượng Hải
Team
Luân Hồi
Fan não tàn của
Đội phó LM ~~~
#4
Đây chắc là cái deep nhất đêm nay em đọc rồi TTATT. Phong thư với trăm đóa hoa cùng với những câu chuyện nhỏ nhặt giữa lúc chiến tranh hỗn loạn sinh ly tử biệt như đường ranh giới mỏng manh lại chứa đầy tình người. NHững câu chuyện của những con người này đều về một lá thư nhỏ, trong chuyến hành trình tìm tới người được nhận nó đã trải qua tay nhiều người và tất cả họ theo một cách riêng đã giúp nó đến được tay người nhận .

May mắn thay cuối cùng cả hai cuối cùng cũng tái ngộ, tay có thể bị thương mà ko thể cầm cọ như chỉ cần anh ở đó là quá đủ rồi đại Tôn rồi. Lâu lắm rồi em mới rơi nước mắt vì đoản đồng nhân. Thật sự rất hay chị ạ.
 

Túc Liên

Enthusiastic Dramatist
Hội Tự Sát
Thần Lĩnh
Bình luận
243
Số lượt thích
1,474
Team
Hưng Hân
Fan não tàn của
Tranh, Quả, Nhu, Tú, Kỳ
#5
Truyện này em đã đọc trong series mừng sn Tôn trên FB, nhưng hôm nay mới đọc bài cmt cuối truyện của chị Lá.

Đây là truyện Dân quốc đầu tiên em đọc, và em đã mê không khí lãng mạn của một thời đầy khắc khoải, nhớ nhung và chờ đợi khi phải chia ly, nhưng chất chứa nhiều niềm tin và hy vọng.

Kết truyện quá đẹp, mang lại cảm giác rằng Song Hoa nhất định sẽ gặp lại, không phải vì duyên số hay may mắn, mà bởi vì cả 2 đều muốn tìm nhau, đợi nhau, và luôn hướng về người kia.

“Tôi chờ được cậu đến rồi”.

Sau bao nhiêu xa cách với người thương, một câu này ngày gặp mặt còn ấm áp hơn bao nhiêu lời hoa mỹ.
 

Tán Ô Nhỏ

Lure like như hack
Thần Lĩnh
Bình luận
473
Số lượt thích
2,955
Team
Khác
Fan não tàn của
Tô Mộc Thu
#6
Vừa nghe được một khúc "Chỉ vì tình yêu", bỗng nhớ tới câu chuyện này, lại nhớ ra mình chưa viết gì cho nó, nên quay lại viết đôi câu, mong không muộn.

Thực ra cũng không hiểu sao nghe bài hát này lại nhớ tới Nhà ga Bách Hoa, có lẽ vì nét nhạc có đôi chút cổ cổ của nó. Hoặc có thể vì bốn chữ, Chỉ vì tình yêu.

Có nhớ, trong bài đó, có một câu thế này

"Vì có tình yêu, làm sao có thể xảy ra cảnh bể dâu?"

Phong thư ấy, bên trên vẽ rất nhiều hoa, bên trong chứa rất nhiều tình yêu. Tôi nghĩ, phong thư ấy được truyền đi, được lưu giữ rất cẩn thận như thế không chỉ vì bề ngoài rất mỹ lệ của nó.

Người đầu tiên nhận nó, vì một đôi mắt rất khẩn thiết của cậu trai ấy.

Cô bé thứ hai giữ lấy nó, vì một câu đong đầy mong chờ bên trên.

Cụ già thứ ba truyền đi nó, vì rất nhiều sinh ly tử biệt từng chứng kiến, và không nỡ nhìn thấy thêm một.

Trong chiến tranh, lòng người là thứ dễ thay đổi nhất, và cũng là thứ khó thay đổi nhất.

Có rất nhiều chữ "Nếu" đã có thể xảy ra trong câu chuyện này, và quả thực, một cái kết như này đúng là một kỳ tích.

Một kỳ tích xảy ra nhờ hai chữ "tình yêu".

Vì tình yêu, chờ một tháng, ba năm hay cả một đời, nào có đáng gì.

Vì người vẫn vậy, và ta vẫn thế.

Vẫn chờ nhau.

Vẫn yêu nhau.

Ngay cả số mệnh cũng không thể chia lìa.

(Bài này viết một đoạn buổi sáng, lúc đó vừa viết vừa khóc nhưng rốt cục viết không kịp, đợi đến giờ mới có thể viết tiếp, thành ra đoạn sau lại có thể không cảm xúc bằng. Xin lỗi chị nhiều.)
 

Bình luận bằng Facebook