Đường Hạo & Tôn Tường - Ngang tài nghịch mệnh

Đỗ Tiểu Bạch

Lure like như hack
Bình luận
1,028
Số lượt thích
3,996
Location
Nằm vùng ở Luân Hồi
Team
Lam Vũ
#1
Tính vui thì Tôn Tường khá khắc số Đường Hạo. Trong khi Đường Hạo còn mài đũng quần trên ghế dự bị thì Tôn Tường đã giành danh hiệu Tân binh tốt nhất, hưởng hết hào quang và ca ngợi. Nếu Trương Giai Lạc không giải nghệ bất ngờ cuối mùa 7 và Gia Thế không hứa đưa Nhất Diệp Chi Thu cho Tôn Tường, khả năng rất cao Tôn Tường sẽ chuyển nhượng đến Bách Hoa cầm Lạc Hoa Lang Tạ. (Câu “cháu nội” Tôn Triết Bình troll Tôn Tường cũng sẽ trở thành sự thật vì Tôn Tường là đời thứ 3 cầm Lạc Hoa Lang Tạ). Như thế, có Lạc Hoa Lang Tạ, Đức Lý La của Đường Hạo càng không có cửa nào toả sáng.

Tôn Tường và Đường Hạo không ghét nhau, nhưng có thể cũng không hợp cạ. Thường nói một núi không thể có hai hổ, một mùa không thể có hai vua. Đặc biệt ở đội tuyển quốc gia, khi xung quanh toàn tiền bối lớn hơn có tinh thần hợp tác đoàn đội cao, Đường Hạo chắc chắn là người chật vật nhất khi bị họ uốn nắn. Tôn Tường của mùa 10 đã hiểu giá trị của đồng đội, còn Đường Hạo thì vẫn chưa. Cùng mùa, cùng phong cách chơi, bị dạy dỗ trước mặt các tiền bối như vậy, Đường Hạo càng ngứa mắt Tôn Tường.

Bề ngoài, Tôn Tường và Đường Hạo rất giống nhau: tân binh thiên tài, lối chơi hổ báo, phong cách cá nhân mạnh, cực kỳ kiêu ngạo, không tôn trọng tiền bối, và đặc biệt là cực kỳ chăm chỉ. Song nhìn kỹ lại thì sẽ thấy con đường và quan niệm của họ về thành công khá khác biệt.

Tôn Tường muốn làm chủ Nhất Diệp Chi Thu và trở thành Đấu Thần. Từ khi debut thì Tôn Tường đã là con cưng của giới mộ điệu, tân binh thiên tài nhà nhà ca ngợi. Cậu thật sự rất giỏi, và được mọi người công nhận như vậy, nên trong đầu Tôn Tường càng tự tin mình là vô địch, còn Diệp Tu chỉ là một thằng già đã hết thời. Nếu Đấu Thần chỉ còn là cái danh hão, thì Tôn Tường hoàn toàn có quyền và có khả năng thay thế Diệp Tu chiếm lấy danh hiệu đó.

Đường Hạo lớn lên ở một môi trường hoài cựu, Bách Hoa mắc kẹt trong quá khứ và cố duy trì một truyền thống họ không đủ khả năng để tiếp tục nữa. Đường Hạo dù có tài năng đến đâu thì vẫn bị ngó lơ, nên hắn căm giận những thành tựu trong quá khứ, và hoàn toàn không muốn dính líu gì đến chúng, càng đừng nói là bắt hắn tiếp nối truyền thống của quá khứ.

Tân binh khiêu chiến mùa 8, Tôn Tường mạnh miệng tuyên bố mình sẽ kết thúc mối thù xưa nay của Gia Thế và Bá Đồ, đánh bại Hàn Văn Thanh, trở thành Đấu Thần danh chính ngôn thuận tiếp theo. Còn Đường Hạo thì chẳng muốn trở thành Lâm Kính Ngôn tiếp theo, mà muốn xác lập bản thân như một cá thể hoàn toàn độc lập. Đường Hạo không thèm thuận theo vào hệ thống phân cấp sẵn có (Đường Hạo bất mãn nghề lưu manh không được phong Thánh như Ngũ Thánh), mà muốn tự tạo ra luật riêng theo ý mình, ai mạnh thì ăn. Đường Hạo từ chối chơi zâm bởi đó là phong cách của Lâm Kính Ngôn, cũng như chẳng hề thoả mãn vì "thừa kế" danh hiệu đệ nhất lưu manh.

Đường Hạo thành thục hơn Tôn Tường một chút. Vì chưa bao giờ nếm mùi thất bại, Tôn Tường mắt cao hơn đầu, không chịu thừa nhận thực lực của lão tướng, nên mới thua Hàn Văn Thanh. Song Đường Hạo lại thắng Lâm Kính Ngôn, bởi ngay từ đầu Đường Hạo đã nhìn thẳng thực lực của lão tướng. Khác với Tôn Tường, Đường Hạo phải cố gắng rất nhiều để được công nhận, nên Đường Hạo buộc phải biết rõ bản lĩnh họ có gì, và mình có gì, và hắn cho rằng thứ mình có mạnh hơn thứ họ có.

Đường Hạo biết sở trường của Lâm Kính Ngôn là khả năng khống chế và chơi zâm, nên Đường Hạo rất sẵn sàng phòng bị, chế ngự, thậm chí là lợi dụng ngược lại nó để bẫy Lâm Kính Ngôn rơi vào tròng. Đường Hạo công nhận thực lực của tiền bối, song hắn cho rằng mình mạnh hơn. “Lấy hạ khắc thượng” là một quá trình bình thường của vòng đời tuyển thủ, nên hãy chấp nhận số phận và đừng cố chấp níu giữ tình yêu Vinh Quang vô dụng đó nữa.

Đường Hạo không hiểu giá trị của đồng đội và cảm xúc đối với một tuyển thủ, bởi quá khứ ở Bách Hoa của hắn xoay quanh bởi quá nhiều con người sống theo cảm xúc mạnh mẽ. Hắn chứng kiến cảm xúc đã đánh sập Bách Hoa như thế nào. Hắn nhìn thấy một cá nhân có thể có sức ảnh hưởng to lớn thế nào với tập thể. Hắn thành công một tay vực dậy một đội ngũ lạc lối. Tất cả đều gia cố thêm chủ nghĩa cá nhân và ghét cái cũ của Đường Hạo.

Đường Hạo đè nén rất nhiều lửa giận trong người từ thuở ấy, nên hắn trút nó lên thế giới xung quanh. Hắn ghét quá khứ, cũng ghét cảm xúc chi phối hành động. Đó là lý do vì sao dường như Đường Hạo luôn có gì đó xấc xược và hận đời, giống như cả thế giới này nợ hắn gì đó.

Tôn Tường luôn thuận buồm xuôi gió, vài lần thất bại hiếm hoi trước Hàn Văn Thanh và Diệp Tu đều là những bài học nhớ đời với cậu. Ngoài khởi điểm, thì Tôn Tường may mắn hơn Đường Hạo ở chỗ có nhiều người uốn nắn cậu hơn, như Diệp Tu và Tiêu Thời Khâm. Những người đi trước dạy cậu vừa bằng lời nói vừa bằng hành động, để cậu dần hiểu rõ khuyết điểm của mình ở đâu và dần trưởng thành hơn. Những người thầy trong đời Tôn Tường đều là những người trực tiếp chiến thắng cậu (Diệp Tu, Hàn Văn Thanh) hoặc giỏi hơn cậu rất nhiều ở khoản cậu dở (Tiêu Thời Khâm vun vén Gia Thế và chỉ huy chiến thuật), nên trong thâm tâm Tôn Tường rất tin cậy hình tượng của họ (dù ngoài đời mỏ hỗn ra sao).

Mỗi lần Tôn Tường đi lệch đường, luôn sẽ có người cầm chuông cảnh tỉnh cậu. Đường Hạo thì không may mắn như vậy, hắn phải tự mày mò con đường cho riêng mình, nên hắn tin rằng chỉ có con đường của mình mới là con đường đúng. Trương Giai Lạc đột ngột giải nghệ và các thành viên Bách Hoa khác như mất hết tinh thần càng làm Đường Hạo mất lòng tin vào những người đi trước, những tiền bối xếp "thượng" trên hắn. Sau khi đến Hô Khiếu, thì cấp lãnh đạo của Hô Khiếu càng cổ suý sức mạnh xếp trên mọi thứ, đuổi Lâm Kính Ngôn (bại tướng dưới tay Đường Hạo) và Phương Duệ (lối chơi không được xem trọng) đi, nên Đường Hạo càng không phục tiền bối.

Khi Tôn Tường gặp thất bại, cậu luôn được hướng dẫn phải thay đổi như thế nào mới có thể thành công. Còn khi Đường Hạo gặp trở ngại, hắn chỉ biết một cách duy nhất đó là bạo lực xông qua. Mọi khó khăn của Đường Hạo từ xưa giờ luôn có thể giải quyết bằng cách "đánh mạnh lên", train chăm hơn, cố gắng hơn, nên đó là cách giải quyết vấn đề duy nhất Đường Hạo biết.

Bất kể thế nào, Tôn Tường và Đường Hạo đều là những tuyển thủ cực kỳ tài năng và nỗ lực. Hai người dẫn đầu thế hệ mới có hai con đường khác nhau, cũng khó nói rốt cuộc ai hơn ai. Chỉ có thể nói, hẹn gặp nhau ở đỉnh núi cao nhất!

“I wanna taste love and pain
Wanna feel pride and shame
I don't wanna take my time
Don't wanna waste one line
I wanna live better days
Never look back and say
Could have been me"

Tôi muốn yêu và đau vì vinh quang
Tôi muốn trải qua kiêu hùng và tủi nhục
Tôi không muốn chậm lại
Mỗi dòng mực đều phải viết nên truyền kỳ về tôi
Tôi mơ về một tương lai tốt đẹp hơn hiện tại
Tôi sẽ không bao giờ nuối tiếc quá khứ
Hâm mộ thành công của kẻ khác
Và mộng rằng đó có thể là tôi chăng

(Could have been me - The Struts)
 
Số lượt thích: AGT

Bình luận bằng Facebook